Lên án Kiều “khoả thân” là chúng ta… tụt hậu?
(Dân trí) - Khi gay gắt lên án Kiều “khoả thân”, có phải chúng ta đang… tụt hậu so với nhận thức, thẩm mỹ của thế hệ đi trước?
Nhân dịp kỷ niệm 250 năm ngày sinh Nguyễn Du, Nhã Nam ra mắt bạn đọc tác phẩm Truyện Thúy Kiều, ấn bản do 2 học giả Bùi Kỷ và Trần Trọng Kim hiệu khảo. Bìa cuốn sách bị một số nhà văn và người đọc lên tiếng phê phán nặng nề, bởi theo ý kiến của họ thì khó có thể chấp nhận hình ảnh Kiều “loã lồ” ngay trên bìa sách.
Thực chất, bìa cuốn sách 'Truyện Thúy Kiều' chính là bức tranh trong Tập văn họa kỷ niệm Nguyễn Du này của hoạ sĩ Lê Văn Đệ, một họa sĩ nổi tiếng, từng là thủ khoa khóa I trường Cao Đẳng Mỹ thuật Đông Dương năm 1930, từng là người phụ trách việc trang trí kỳ đài trong lễ tuyên ngôn độc lập ngày 2/9/1945 tại quảng trường Ba Đình. Đây là một bức tranh đẹp, dùng nhiều màu đen, có nhiều không gian cho thiết kế, vẽ theo phong cách như tranh khắc, rất khỏe khoắn và chính là bức vẽ mà họa sĩ vẽ minh họa cho câu thơ: “Rõ màu trong ngọc trắng ngà/Dày dày sẵn đúc một tòa thiên nhiên”, tả vẻ đẹp Thúy Kiều khi tắm.
Nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân cho rằng việc lên án bìa cuốn Truyện Thuý Kiều như thế có vẻ hơi khắt khe. Ông nói: “Sản phẩm sáng tạo của hoạ sĩ bìa có thể khi thành công, khi thất bại. Có thể có người khen đẹp, người chê xấu, nhưng tôi thấy không phải là phản cảm”.
Nhà nghiên cứu đánh giá thêm: “Việc lựa chọn bìa trong số các văn hoạ cổ trước năm 1945 này cho thấy người hoạ sĩ đó hiểu biết khá sâu về xu hướng hội hoạ thời đó, và anh ta khá tinh tế. Cá nhân tôi thấy bìa cuốn sách rất đẹp và trang trọng. Xin được nói thêm về những hình ảnh con người trong lao động, sáng tạo, vui chơi, giải trí, nghỉ ngơi, tắm táp, đùa nghịch, tình yêu nam nữ… đều được tái tạo khá cởi mở trên các phù điêu, đình làng… của chúng ta từ rất lâu và rất phổ biến. Các hình thức nghệ thuật dân gian này luôn miêu tả rất rõ về tự do thân thể và hạnh phúc của con người, coi sự mô tả đó là ca ngợi vẻ đẹp của con người. Trong ấn bản hiện đại, đương đại này, không lẽ chúng ta lại thua kém các cụ cổ xưa về nhận thức và thẩm mỹ?”
Một số phụ bản các văn hoạ cổ trong ấn bản Truyện Thuý Kiều từ trước năm 1945:
Minh Tuệ