Lễ tiễn mùa đông của người Nga trên đất Việt

(Dân trí) - Lễ hội Maslenitsa (lễ tiễn mùa đông) là lễ hội truyền thống của người dân Nga nhằm tiễn biệt mùa đông lạnh lẽo và chào đón mùa xuân tràn đầy sức sống quay về. Lễ hội này sẽ được tổ chức từ 14h đến 17h ngày 12/3 tại Trung tâm Văn hóa khoa học Nga (501 Kim Mã, Hà Nội).

Tham dự lễ Maslenhitsa, du khách sẽ được hòa mình vào những trò chơi truyền thống Nga và tìm hiểu những phong tục và nghi thức độc đáo. Lễ hội được mở cửa tự do, khuyến khích người tham gia mặc trang phục dân tộc Nga.

Những hình nộm sặc sỡ sẽ xuất hiện trong lễ hội này.
Những hình nộm sặc sỡ sẽ xuất hiện trong lễ hội này.

Lễ hội Maslenitsa thường bắt đầu vào cuối tháng 2 hoặc đầu tháng 3. Theo truyền thống của người Nga, lễ hội Maslenitsa được tổ chức trong một tuần, bắt đầu từ thứ hai và kết thúc vào ngày chủ nhật.

Lễ tiễn mùa đông Maslenitsa bắt nguồn từ nền nông nghiệp, từ công việc đồng áng của những người nông dân Nga. Mùa đông nước Nga tuyết rơi phủ kín mặt đất, ruộng đồng, khiến cho cây cối không nảy mầm được, nếu kéo dài mãi dễ sinh nạn đói. Bởi vậy, người nông dân mong mùa đông mau qua, mong mùa xuân mau đến.

Ở Nga, tuần lễ Maslenitsa được chia thành hai phần. Nửa đầu là tiểu lễ Maslenitsa kéo dài từ thứ hai đến thứ tư. Nửa sau là đại lễ Maslenitsa kéo dài từ thứ năm cho tới chủ nhật. Mỗi ngày lễ trong tuần lễ Maslenitsa này đều có tên gọi gắn với ‎ý nghĩa riêng. Tên gọi Maslenitsa (có gốc nghĩa là “bơ”) bắt nguồn từ việc vào tuần lễ cuối cùng trước khi kỳ lễ ăn chay của người Cơ Đốc giáo bắt đầu, mọi người được phép ăn các món từ sữa, cá, cũng như sử dụng bơ và các loại dầu ăn…

Đốt nộm rơm, một nghi thức không thể thiếu trong lễ tiễn mùa đông của người Nga.
Đốt nộm rơm, một nghi thức không thể thiếu trong lễ tiễn mùa đông của người Nga.

Lễ tiễn mùa đông là một trong những ngày hội dân gian vui vẻ nhất. Mở đầu buổi lễ, những chú bé ngộ nghĩnh, mặc quần áo dân tộc truyền thống, màu sắc sặc sỡ cầm đuốc đốt những hình nộm bằng rơm, đó là hình ảnh tượng trưng của băng tuyết trong mùa đông lạnh giá.

Trẻ em và người lớn reo hò ầm ĩ, ca hát, nhảy múa xung quanh hình nộm đang bốc lửa. Họ mừng vui tiễn tượng trưng mùa đông, hân hoan chào đón mùa xuân tươi đẹp, chuẩn bị khí thế bước vào một mùa gieo trồng mới.

Lễ tiễn mùa đông thường được tổ chức ở những nơi đông người qua lại, có quảng trường, ngã tư đường phố, một cánh rừng đầu làng vào những đêm đẹp trời. Tất cả già, trẻ, nam, nữ đều tham dự lễ hội. Họ nắm tay nhau nhảy điệu múa vòng tròn. Những động tác giậm chân, không chỉ là một tiết mục nghệ thuật, mà còn là một cách sưởi ấm nhanh chóng trong giá rét.

Cả trẻ em và người lớn đều rất háo hức với lễ hội này.
Cả trẻ em và người lớn đều rất háo hức với lễ hội này.

Ngày nay, trẻ em và người lớn múa vòng tròn xung quanh cây thông cũng là hình bóng của Lễ tiễn mùa đông.

Trong ngày Lễ tiễn mùa đông, trên những con đường lớn, những chiếc xe ngựa vừa rung chuông và lục lạc, vừa đuổi rượt nhau. Ngựa được đeo dải nạm bạc rất đẹp, còn xe trượt được trang trí bằng thảm. Ba con ngựa được thắng vào một cỗ xe chạy băng băng trên đường.

Ngoài những món ăn cổ truyền dành cho ngày lễ của người Nga thì bánh xèo là món không thể thiếu trong Lễ tiễn mùa đông, giống như bánh chưng trong ngày Tết của Việt Nam.

Đó là những chiếc bánh mỏng làm bằng bột mì cho lên men có trộn với trứng gà, bơ, váng sữa, và được rán bằng những chiếc chảo lửa to nóng bỏng. Chiếc bánh xèo hình tròn là tượng trưng cho mặt trời thần linh mang lại hơi ấm mùa xuân, tràn trề sức sống và hạnh phúc.

Hà Tùng Long

Ảnh: TTVH Nga