Lễ hội Ném Thượng: Chém lợn ở khu vực kín vẫn gây tranh cãi
Với sự hỗ trợ của các lực lượng an ninh, nghi lễ chém lợn năm nay đã được thực hiện ở khu vực kín thay vì giữa sân đình. Sự nhượng bộ này của người Ném Thượng khiến nhiều người tin rằng đây là “lối thoát” cho cuộc tranh cãi chưa có hồi kết về nghi lễ chém lợn.
Song, thực tế, nghi lễ này vẫn gây tranh luận. Trao đổi với Thể thao & Văn hóa, ông Nguyễn Đình Lợi - chi hội trưởng chi hội người cao tuổi khu phố Thượng, phó ban thường trực lễ hội chém lợn làng Ném Thượng cho hay: Năm nay, người cao tuổi Ném Thượng đã cùng người dân quây bạt kín khu vực chém lợn.
Những hình ảnh bị coi là phản cảm cũng không còn xuất hiện trên các phương tiện truyền thông do phóng viên không tiếp cận được khu vực thực hiện nghi lễ. Tuy nhiên, cũng bởi chém lợn ở khu vực kín, nên lễ hội năm nay, dân làng cũng tỏ ra... kém vui.
Theo quan sát của phóng viên, khu vực kín được dựng lên để chém lợn là một rạp lớn rộng chừng gần 30 m2 nằm bên trái đình Ném Thượng. Rạp được quây bạt kín các mặt cùng sự hỗ trợ của rất đông lực lượng an ninh nên việc tiếp cận để quan sát, ghi hình nghi lễ là không thể.
Song, trao đổi với Thể thao & Văn hóa, với nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền (Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam) chia sẻ: Nghi lễ ở vùng sâu vùng xa, ở trong một tục thờ mà người dân vẫn lưu truyền như tục thờ ăn trâu diễn ra trên buôn làng xa xôi ở Trường Sơn đại ngàn thì ta vẫn có thể âm thầm tiếp tục. Nhưng ở ngay đô thị gần Thủ đô thì chém lợn không còn là câu chuyện riêng của làng Ném Thượng nữa. Vì vậy, việc cho rằng người Ném Thượng có quyền tự quyết hoàn toàn với nghi lễ chém lợn e chừng khiên cưỡng.
Ông Hiền nói tiếp: “Chúng ta qua thời phép vua thua lệ làng. Tôi cũng coi thói phép vua thua lệ làng giờ là không tích cực. Bởi, điều này coi ngôi làng như một khu tự trị bất khả xâm phạm. Nó tạo sự đối kháng trong cộng đồng lớn: quốc gia. Trong xã hội văn minh hiện đại, pháp quyền mọi sự vụ diễn ra phải chịu sự quản lý của nhà nước. Và dù cho tiếp tục hay biến đổi nghi lễ, các cấp chính quyền cũng cần dũng cảm với quyết định của mình”.
Trước đó, trao đổi với Thể thao & Văn hóa (TTXVN), GS. Ngô Đức Thịnh (Ủy viên Hội đồng Di sản Quốc gia), PGS. Trần Lâm Biền, nhà sử học Dương Trung Quốc, TS. Nguyễn Văn Vịnh đều đồng quan điểm cho rằng, lễ hội là của địa phương, do người dân địa phương tự quyết, các cấp chính quyền đều không nên áp đặt bằng văn bản hành chính.
Theo Phạm Mỹ
Thể thao & Văn hóa