Lễ hội đền Thánh Mẫu và Ngư thần về “chầu”
(Dân trí) - Hàng năm, vào ngày 10/3 âm lịch người dân thôn Sơn Thọ, xã Thái Dương, huyện Thái Thụy lại làm lễ thờ cúng Ngư thần (cá heo) ở đền Đỏ. Điều kỳ lạ là cứ đúng vào ngày này, khi dân làm lễ thì các vị ngư thần lại xuất hiện ở cửa biển.
Đền Đỏ hay thường gọi là đền thờ Thánh Mẫu. Theo sử sách thì đền Đỏ đã có cách đây 300 năm, là nơi thờ Hoàng hậu Đạm Đồng Lương của vua Đế Bính (thời nhà Tống). Khi nhà Tống bị đế quốc Mông Cổ xâm lăng, bà phải chạy sang Việt Nam, nhưng do quẫn trí, bà cùng 3 người con nhảy xuống biển cửa Lân tự sát, thi hài 4 mẹ con trôi vào cửa chùa Long Khánh phủ Viễn Châu, xã Tân Hương, huyện Quỳnh Lâm (nay thuộc huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An). Nhân dân nơi liền lập miếu thờ 4 mẹ con bà, và xem nơi đây là một chốn linh thiêng.
Sử sách chép lại rằng, lúc giặc Nguyên đánh nước ta, Trần Quốc Tuấn tiến công từ Thanh Hóa ra Bắc, lúc qua miếu thờ 4 mẹ con Hoàng hậu Đạm Đồng Lương, ông đã đến thắp hương khấn cầu phù hộ. Lời khẩn cầu của Trần Quốc Tuấn thành hiện thực, quân ta đại thắng đánh tan giặc Nguyên.
Về triều Trần Quốc Tuấn tâu với vua câu chuyện thắp hương cầu khẩn ở miếu thờ. Nhà vua sau khi nghe xong, đã phong cho bà chức Nữ Quốc Thần và truyền cho nhân dân 12 cửa biển lập đền thờ bà với danh hiệu Đại Lân Quốc Gia Nam Hải, Ngư Thần Thánh Tích Thập Nhị Hải Môn, Đồng Bào Khâm Kính.
Đến thời vua Lê Lợi, khi quân Minh xâm lược, vua Lê Lợi lúc dẫn quân đi đánh thành thành Xương Giang qua miếu này đã vào thắp hương cầu khấn, trong trận đánh này quân ta cũng đại thắng. Vua Lê Lợi đã phong cho bà là Bách Gia Như thần, Thượng Đẳng phúc thần.
Để tưởng nhớ công ơn của Thánh Mẫu, nhân dân làng Sơn Thọ 2 đã lập đền thờ, coi bà như một vị phúc thần của làng, với niềm mong ước cầu cho mưa thuận gió hòa, làm ăn thuận lợi. Chính vì vậy mà 4 câu ca về ngày lễ Thánh Mẫu vẫn còn lưu truyền đến tận bây giờ mà mỗi người dân Sơn Thọ không thể nào quên:
“Dù ai đi ngược về xuôi.
Nhớ giỗ Thánh Mẫu tháng ba thì về.
Dù ai buôn bán trăm nghề.
Nhớ giỗ Thánh Mẫu mùng 10 tháng 3”.
Theo một số cụ già trong làng kể lại, trước đây đền Đỏ được xây dựng sát bờ biển. Nhưng do sự tác động của sóng biển nên chân móng xói mòn, sạt lở ngôi đền đã nhiều lần bị đổ xuống. Nên dân làng đã dựng đền Đỏ nằm ở đất liền ngay ở đầu thôn Sơn Thọ 2.
Theo tục lệ, trước khi đi đánh bắt, thì người dân nơi đây đều làm lễ cúng bái tổ tiên, thần linh và làm lễ cúng Ngư thần để cầu được vạn sự bình an, đánh bắt thuận lợi.
Ông Phạm Khắc Ngự, người trông coi đền Đỏ gần 20 năm nay cho biết: “Hàng năm, cứ vào ngày 10/3 âm lịch là dịp đền Đỏ vào hội, hội đền diễn ra ba ngày. Vào những ngày đó cũng đúng lúc cá heo từ biển lại kéo về nơi móng của ngôi đền cũ. Những đàn cá heo hàng chục con về quây quần nhảy múa rồi cuối ngày lại bơi đi”.
Theo sử sách lưu tại đền Đỏ thì cách đây 300 năm, tại cửa đền này cũng đã từng có một ngư thần bị mắc cạn và chết. Nhưng những năm đó, do người dân không chôn cất “Ngài”, để “Ngài” trôi dạt đi đến một nơi khác.
Theo một số ngư dân và các cụ trông coi ban quản lý di tích đền Đỏ cho biết, cũng vào ngày 10/3 năm 2009, một đàn cá heo với số lượng khoảng 50 con kéo nhau về cửa biển. Những người đi biển hôm đó lấy làm lạ vì cá tiến sâu vào bờ, thấy vậy người dân tiến sát vào lũ cá nhưng cá vẫn không bỏ đi.
Vào ngày 10/3 âm lịch hàng năm, đền Đỏ bắt đầu khai hội. Người dân nơi đây cúng thần linh, trời đất và các vị ngư thần nơi cửa biển, điều lạ là từ bao đời nay năm nào cá heo cũng về. Chúng đến cả đàn ngoài cửa biển rồi “nhảy múa”, lượn lờ quanh nền móng ngôi đền cũ một ngày rồi mới đi.