Festival Nghề truyền thống Huế 2017:
Lễ hội Áo dài tung bay trên cầu Trường Tiền sau 15 năm xa cách
(Dân trí) - Đêm 30/4, Lễ hội Áo dài chủ đề “Hội họa Huế & Áo dài” đã diễn ra đầy ấn tượng và tràn đầy cung bậc xúc cảm tại cầu Trường Tiền, TP Huế.
16 nhà thiết kế (NTK) hàng đầu cả nước gồm Quang Huy, Chu La, Vũ Việt Hà, Hiền Đặng, Ngọc Hân, Thanh Thúy, Duy Nguyễn, Vũ Trần Đức Hải, Nhi Hoàng, Quang Tân, Xuân Hảo, Đỗ Trịnh Hoài Nam, Viết Bảo, Khánh Shyna, Hữu Là La, Minh Hạnh đã đem đến cho khán giả một “buổi đại tiệc” về áo dài.
Những chiếc áo dài được khắc họa trên nền các bức tranh hội họa của 4 cố họa sĩ Huế là Tôn Thất Đào, Đinh Cường, Bửu Chỉ, Võ Xuân Huy và 14 họa sỹ Huế hiện tại là Trương Bé, Đặng Mậu Tựu, Công Huyền Tôn Nữ Tuyết Mai, Phan Thanh Bình, Nguyễn Thiện Đức, Lê Văn Nhường, Lê Đức Hải, Lê Ngọc Thanh, Đặng Mậu Triết, Nguyễn Đình Dàng, Lê Phan Quốc, Phạm Trinh, Nguyễn Văn Tuyên, Nguyễn Đăng Sơn.
Cùng diễn trong đêm Lễ hội Áo dài, hàng trăm nữ sinh tham gia trong trang phục áo dài cùng các người mẫu trong một rừng hoa bướm vàng dưới chân cầu Trường Tiền đã làm mãn nhãn toàn bộ mọi người theo dõi đêm diễn tràn đầy cung bậc xúc cảm khi đã tạo ra một hình ảnh Huế rất dịu dàng, đằm thắm.
Một trong những bộ sưu tập đáng chú ý trình diễn tại đêm lễ hội này là của NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam. Những chiếc áo dài đã được NTK dát vàng, kim hoàn, đá quý với chi phí tổng lên tới gần 2 tỷ đồng.
“Lần đầu tiên đến với lễ hội áo dài tại Festival nghề truyền thống Huế, tôi đã kết hợp với họa sĩ Nguyễn Đình Dàng để tạo nên những bộ áo dài là những họa tiết hoa văn dát vàng lấy từ quỳ vàng của làng nghề dát vàng Kiêu Kỵ, Gia Lâm, Hà Nội trên có những kim hoàn đá quý làm điểm nhấn trên áo dài từ phố Hàng Bạc, Hà Nội cùng họa tiết thêu từ làng Thường Tín, Mỹ Đức, Hà Nội. Thông qua bộ sưu tập, tôi muốn cho bạn bè quốc tế hiểu hơn về những làng nghề truyền thống của Việt Nam” - NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam chia sẻ.
Theo NTK Minh Hạnh, Tổng đạo diễn Lễ hội Áo dài “Hội họa Huế & Áo dài”, Lễ hội Áo dài đầu tiên tại Festival diễn ra lần đầu tiên vào năm 2002 trên cầu Trường Tiền trong Festival Huế 2002. Một lần nữa sau 15 năm sau trở lại cầu Trường Tiền trong đêm Lễ hội Áo dài 2017 đã có một hơi thở mới của Huế khi chiếc áo dài lại được tung bay trên những nhịp cầu lịch sử.
Lý do chọn cầu Trường Tiền để biểu diễn, theo NTK Minh Hạnh là vì cây cầu đã gắn liền với kỷ niệm 100 năm trường Đồng Khánh - Hai Bà Trưng khi nhiều thế hệ nữ sinh Huế đã từng đi học qua cầu. Mọi người khi biết về Huế sẽ có những hình ảnh bất biến, mặc định cho Huế là áo dài tím, nón lá và mái tóc thề. Tất cả những hình ảnh đó xuất hiện trên cầu Trường Tiền trong đêm diễn đã tạo nên một hình ảnh rất Huế - một Huế rất mới.
“Tất cả những cảm xúc, ý tưởng của các NTK sáng tạo ra các bộ áo dài ở các kỳ lễ hội trước đã dùng nhiều chất liệu của Huế. Lần này, tôi cảm thấy là một thiếu sót nếu như không chạm được đến mỹ thuật Huế, hội họa Huế. Bởi vì rõ ràng hội họa Huế đã góp một phần rất lớn trong sự phát triển nền mỹ thuật Việt Nam.
Cũng qua sự quan sát nhiều lần của tôi khi ở nước ngoài, những sản phẩm tiêu dùng của họ như áo, khăn có những bức tranh họa sĩ nước họ in trên đó. Tại sao Huế lại không làm câu chuyện như vậy ? Tôi không có khả năng chạm được, sở hữu được bức tranh đó nhưng tôi rất mong muốn, rất yêu thích để “chạm” được một sản phẩm gián tiếp từ họa sĩ vẽ bức tranh . Sẽ có một đời sống khác không quá xa vời và nó thực sự giúp ích cho mỹ thuật thông qua những sản phẩm gián tiếp mà cảm xúc và sự sáng tạo của họa sĩ vẫn được đảm bảo bởi các sản phẩm đó” - NTK Minh Hạnh trải lòng về lý do cô chọn tranh hội họa của họa sĩ, cố họa sĩ Huế để đưa lên các bộ sưu tập áo dài trong đêm Lễ hội Áo dài chủ đề “Hội họa Huế & Áo dài” vừa diễn ra.
Trong khuôn khổ Lễ hội Áo dài còn có Diễu hành xe đạp của 100 nữ sinh cùng với các nghệ nhân nghề truyền thống qua cầu Trường Tiền sáng 30/4; Đội xích lô kết hoa với những chú xích lô mặc áo dài trắng có biểu tượng Festival Nghề truyền thống Huế chở miễn phí cho ai mặc áo dài một vòng quanh TP Huế; Không gian Vườn Áo dài ở công viên Lý Tự Trọng trước trường nữ sinh Đồng Khánh xưa với nhiều gian hàng trưng bày triển lãm áo dài, may đo áo dài cho du khách Huế đã thu hút hàng vạn lượt khách, người dân Huế đến xem và hòa mình vào không khí lắng đọng cùng chiếc áo dài Huế.
Dưới đây là chùm ảnh do PV ghi nhận:
Dàn người mẫu tiến ra chào khán giả
Đại Dương – Văn Dinh – Quỳnh Nga