Lễ chào mừng Di sản Văn hóa Phi vật thể của nhân loại Tín ngưỡng thờ Mẫu
(Dân trí) - Tối 22//12, tại Rạp Công Nhân, Hà Nội Lễ diễn ra chào mừng Di sản Văn hoá Phi vật thể đại diện của nhân loại “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt”.
Lễ đón mừng có sự tham gia của ông Phạm Sanh Châu - Trợ lý Bộ Trưởng Bộ Ngoại Giao, đặc phái viên của Thủ Tướng Chính phủ về các vấn đề UNESCO; Giáo sư Ngô Đức Thịnh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn Văn hoá Tín ngưỡng Việt Nam; Đạo diễn Việt Tú - Giám đốc sáng tạo của Viet Theatre và vở diễn “Tứ Phủ”…
“Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” đã được công nhận là Di sản Văn hoá Phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây cũng là lần đầu tiên, UNESCO vinh danh Người phụ nữ Việt Nam qua hình ảnh của Thánh Mẫu.
Buổi lễ chào mừng có phần trình diễn “Cô Bé Thượng Ngàn”, trích từ vở diễn “Tứ Phủ” của tập thể nhạc công, nghệ sĩ của Nhà Hát Chèo Việt Nam, những người đã góp một phần không nhỏ trong việc gìn giữ, phát huy những vẻ đẹp, sự trong sáng thuần khiết nhất của Thực hành nghi lễ Thờ Mẫu Tam phủ của Người Việt trên sân khấu nghệ thuật.
Cùng với phần trình diễn này là các tiết mục trình diễn hầu đồng đặc sắc của các nghệ nhân dân gian như nghệ nhân dân gian Đặng Ngọc Anh, Nguyễn Kim Loan, Đỗ Thị Vui, Nguyễn Đại Dương, Trần Thị Chung, Nguyễn Văn Mười, Dương Thị Phương Đông.
Việc Tín ngưỡng thờ Mẫu được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Phi vật thể đại diện của nhân loại làm tăng vị thế của nghệ thuật truyền thống Việt Nam trong kho tàng của nhân loại, mặt khác sẽ làm cho cộng đồng yêu nghệ thuật, văn hoá trên thế giới có thêm một sự lựa chọn đặc sắc trong nhu cầu trải nghiệm văn hoá toàn cầu của mình.
Thực hành cơ bản của Tín ngưỡng thờ Mẫu bao gồm các lễ cúng, lên đồng, hát văn, và lễ hội, tiêu biểu là Lễ hội Phủ Dầy ở tỉnh Nam Định diễn ra vào ngày 3 tháng 3 âm lịch (ngày mất của Thánh Mẫu Liễu Hạnh). Các thực hành thể hiện những yếu tố văn hóa truyền thống như trang phục, âm nhạc, múa, diễn xướng dân gian mang đậm bản sắc văn hóa Việt, được sáng tạo, phát triển, lưu truyền qua các thế hệ hàng trăm năm.
Hồ sơ Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt được công nhận là Di sản Văn hóa Phi vật thể đại diện của nhân loại do bản thân Tín ngưỡng thờ Mẫu có giá trị đặc sắc bởi di sản gắn liền với đời sống tinh thần và các phong tục tập quán văn hóa của người dân, được cộng đồng trân trọng và liên tục lưu truyền từ ngàn đời nay…
Được đánh giá cao vở “Tứ phủ” vừa mang tính thưởng thức cao vừa giữ được nguyên bản cái đẹp, cái hay, tôn vinh sự lộng lẫy, tinh tế của nghệ thuật trong Đạo Mẫu để giới thiệu với bạn bè quốc tế; đạo diễn Việt Tú chia sẻ tại buổi lễ: “Đạo Mẫu là một tín ngưỡng vô cùng quan trọng và đặc biệt với văn hoá và lịch sử Việt Nam, là tổng hoà của rất nhiều yếu tố đặc biệt từ lịch sử, đến thực hành tín ngưỡng trong đời sống, từ sự giao hoà giữa tâm linh và những nét đẹp của nghệ thuật trình diễn dân gian, là một tổng thể lộng lẫy tinh tế không bất kỳ đâu có được xứng đáng đại diện cho văn hoá dân tộc trong mọi hoạt động quảng bá sắp tới cho văn hoá Việt Nam trên toàn thế giới. Không chỉ riêng tôi mà có lẽ tất cả những ai yêu văn hoá truyền thống Việt Nam, những người thực hành tín ngưỡng thời Mẫu của người Việt đều hồi hộp chờ đợi danh hiệu Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhận loại”.
GS Ngô Đức Thịnh, “pho từ điển sống” về Đạo Mẫu, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa Việt Nam, cũng thể hiện niềm vui mừng trước sự kiện trọng đại của văn hóa Việt. "Không giống như Ca trù, Tín ngưỡng thờ Mẫu ngay từ khi rục rịch làm hồ sơ đệ trình UNESCO, chưa cần tới cơ quan chức năng phát động thì nó đã bùng phát, nhân rộng tới toàn thể nhân dân. Điều đó cho thấy sức sống của nó và nhu cầu tâm linh của con người là có thật", ông nói.
Nguyễn Hằng