Lập hồ sơ đề nghị đưa địa đạo Vịnh Mốc trở thành Di sản thế giới

(Dân trí) - Ngày 17/9, Sở Văn hóa, Thể thao - Du lịch tỉnh Quảng Trị cho biết, đơn vị đang xin chủ trương để lập hồ sơ nhằm đưa Di tích Quốc gia đặc biệt Hệ thống làng hầm Vĩnh Linh và địa đạo Vịnh Mốc trở thành Di sản văn hóa thế giới.

Hiện ngành văn hóa tỉnh này đang tiến hành khảo sát, đánh giá Di tích Quốc gia đặc biệt Làng hầm Vĩnh Linh và địa đạo Vịnh Mốc đã đủ giá trị và tiềm năng hay chưa, làm cơ sở để lập hồ sơ đề nghị công nhận Di sản văn hóa.

 

Lập hồ sơ đề nghị đưa địa đạo Vịnh Mốc trở thành Di sản thế giới - 1

Bên trong lòng địa đạo Vịnh Mốc có những khoảng rộng với sức chứa hàng chục người

Bên cạnh đó, Sở này lập báo cáo tóm tắt di tích Địa đạo Vịnh Mốc gửi Bộ Văn hóa, Thể thao - Du lịch trình Hội đồng Di sản quốc gia. Hồ sơ sau đó được trình Thủ tướng Chính phủ xem xét. Nếu được thông qua, di tích Địa đạo Vịnh Mốc được đăng ký với UNESCO đưa vào danh mục dự kiến xây dựng hồ sơ di sản thế giới.

Lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao – Du lịch tỉnh Quảng Trị cho hay, quá trình lập hồ sơ có thể kéo dài. Tuy nhiên, nếu được công nhận là di sản thế giới sẽ có tác động rất tích cực trong việc quảng bá và bảo vệ di tích này.

Hệ thống làng hầm Vĩnh Linh và địa đạo Vịnh Mốc được nâng cấp thành Di tích Quốc gia đặc biệt vào đầu năm 2015.

 

Lập hồ sơ đề nghị đưa địa đạo Vịnh Mốc trở thành Di sản thế giới - 2

Một trong những cửa dẫn xuống lòng địa đạo

Trong những năm 1965-1968, khi đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại ra miền Bắc, vùng “tuyến lửa” Vĩnh Linh phải chịu đựng sự tàn phá hết sức nặng nề. Để đương đầu với kẻ thù, người dân nơi đây đã sáng tạo nên hệ thống 114 địa đạo, làng hầm khắp 15 xã, thị trấn vùng biển. Làng chiến đấu Vịnh Mốc đã trở thành căn cứ vững chắc, che chở cho bộ đội và người dân.

Đây là công trình làng ngầm chiến đấu độc đáo trong lòng đất, ngoài những bí ẩn bên trong của nó, mọi người còn biết đến đây là di tích lịch sử, văn hóa mang đậm nhiều dấu ấn.

Toàn bộ đường hầm địa đạo Vịnh Mốc được chia thành 3 tầng và được nối thông với nhau qua trục chính dài 870 m. Chiều dài tổng thể của làng hầm là 1.701 m, gồm có 13 cửa ra vào địa đạo.

 

Lập hồ sơ đề nghị đưa địa đạo Vịnh Mốc trở thành Di sản thế giới - 3

Mô hình căn hộ sinh hoạt gia đình

Bên trong địa đạo, người ta cho khoét sâu để tạo ra các ô nhỏ (căn hộ gia đình) đủ chỗ cho từ 2 đến 4 người có thể sinh hoạt. Ngoài ra, trong lòng địa đạo còn có các công trình như: hội trường với sức chứa từ 50 - 60 người làm nơi hội họp, sinh hoạt, xem phim, biểu diễn văn nghệ; bảng tin, nhà hộ sinh, 3 giếng nước để sinh hoạt, nhà vệ sinh, trạm phẫu thuật, bếp nấu ăn (bếp Hoàng Cầm), kho chứa lương thực,…

Những năm qua, địa đạo Vịnh Mốc là một trong những điểm đến thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế. Ngoài địa đạo Vịnh Mốc, hiện Vĩnh Linh còn nhiều địa đạo nguyên vẹn chưa được khai thác như Mũi Sy, thôn Roọc, Troong Môn - Cửa Hang, Hải Quân, Hương Nam, địa đạo công an vũ trang, địa đạo 61.

Đ. Đức

 

Lập hồ sơ đề nghị đưa địa đạo Vịnh Mốc trở thành Di sản thế giới - 4