Đắk Nông:
“Lão khùng” chuyên lùng cổ vật
(Dân trí) - Nhiều người từng gọi ông là “ông Vinh khùng” bởi suốt ngày chỉ cặm cụi khe suối, bụi cây để nhặt sỏi đá, mảnh sành về chất trong nhà. Tuy nhiên, ai cũng ngỡ ngàng khi biết rằng những thứ tưởng chừng vất đi ấy lại có niên đại hàng ngàn năm.
Tài sản chỉ có… hơn 2000 cổ vật
Ngôi nhà nhỏ bằng gỗ nơi vợ chồng ông Nguyễn Thế Vinh ( thôn 6, xã Nhân Cơ, huyện Đắk R’Lấp, tỉnh Đắk Nông) sinh sống nhiều năm nay trở thành điểm đến của các chuyên gia khảo cổ học. Khác với những căn nhà đồ sộ, bề thế xung quanh, mái ấm của hai vợ chồng già nằm lọt thỏm giữa bạt ngàn cà phê. Bà Trần Thị Thơm (vợ ông Vinh) giọng hờn dỗi, nửa đùa nửa thật: “Suốt ngày lần lục sỏi đá, có chịu đi làm đâu mà có nhà to như người ta.”
Quả thực, trong căn nhà bốn bức tường gỗ, mái tôn nổ tanh tách giữa cái nắng mùa khô, thứ duy nhất có giá trị là chiếc ti vi được mua cách đây hơn 5 năm. Nhưng trái với suy nghĩ của người vợ, ông Vinh lại tự hào cho rằng, mình chính là người giàu có nhất vùng đất này, khi là người sở hữu hơn 2000 cổ vật với hàng ngàn năm tuổi.
Năm 2003, ông Vinh đưa cả gia đình từ Đồng Nai lên Đắk Nông mua đất làm kinh tế. Tại mảnh đất nơi ông bà đang sinh sống, trong một lần khai hoang lấy đất canh tác, ông phát hiện ra nhiều hòn đá có hình thù kì lạ, tựa như cuốc cày, búa rìu, rất giống công cụ lao động sản xuất của người xưa nên ông nhặt nhạnh mang về cất giữ. Rồi sau đó, ông còn nhặt được nhiều hiện vật bằng đá khác như mảnh tước, mũi lao và cả đồ gốm sứ.
Việc phát hiện ra nhiều “vật lạ” giống đồ dùng sinh hoạt, sản xuất của người xưa nên ông nghĩ ngay đến giả thuyết vùng đất này có thể là nơi người tiền sử từng sinh sống và những vật lạ kia chính là công cụ sản xuất, trang sức, nhạc cụ do họ để lại. Thấm thoát hơn chục năm “săn lùng cổ vật”, rồi tự mày mò, tìm hiểu kiến thức về khảo cổ học, bây giờ ông lão gốc Nam Định như một nhà khảo cổ đích thực.
Treo trong nhà một cách cẩn thận, ông tự hào khoe, đó chính là bộ chiêng đá của người tiền sử, được các chuyên gia khảo cổ nhận định có niên đại gần 4.000 năm tuổi, và là độc nhất tại Đắk Nông tới thời điểm này. “Chỉ có loại đá qua tác động của con người, cho những âm thanh giống với âm thanh của tiếng kim loại nhất mới được gọi là chiêng đá. Bề mặt của những chiếc chiêng này gồ ghề tạo ra những thang âm khác nhau, để khi gõ, những sóng âm cứ như sóng nước tầng tầng, lớp lớp”, ông lão tỏ ra sành sỏi.
Ngoài bộ chiêng đá, trong căn nhà gỗ đơn sơ còn vô số hiện vật khác như chum, rùa đá, rìu, cuốc vòng cổ…niên đại cũng hàng ngàn năm. Ông lão tâm sự, ông trân trọng, gìn giữ nó như con mình. Vì quý như con, nên nhiều lần có người hỏi mua thứ này, thứ kia nhưng ông đành từ chối.
“Mong muốn mở một phòng trưng bày”
Vốn xuất thân từ gia đình có truyền thống chơi đồ cổ, ngay từ bé ông Vinh đã tiếp cận với kinh nghiệm, hiểu biết của thế hệ trước về món đồ đặc biệt này. Cũng từ những ngày đó, trong con người lão nông 60 tuổi có niềm say mê mãnh liệt với khảo cổ học. Tuy nhiên, do không có điều kiện đến trường, nên phần lớn kiến thức được ông tích luỹ từ kinh nghiệm của cha ông và tự tìm hiểu qua sách vở, tài liệu.
Năm 2006, một đoàn khảo sát của Viện Khảo cổ học Việt Nam cùng Bảo tàng tỉnh Đắk Nông nghe tin ông Vinh sưu tầm được nhiều hiện vật cổ nên đã đến tham quan và tìm hiểu. “Trong lần ấy, Tiến sĩ Nguyễn Gia Đối của Viện Khảo cổ học Việt Nam có nhận định, nhiều hiện vật mà tôi thu lượm về có niên đại cách từ 3500 đến 4000 năm, thuộc thời hậu kỳ đồ đá mới”, ông Vinh kể lại.
Nhận định của vị chuyên gia khảo cổ học lần đó và đánh giá của các đoàn khác sau khi tới thăm gia sản của mình, ông Vinh càng củng cố niềm tin về “con mắt nhà nghề” nên ngày ngày lão nông này chỉ rong ruổi khắp thôn xã, luồn lách tận khe suối, vực sâu để tìm kiếm những hòn đá, mảnh sành có hình dáng tương tự.
Ngoài kinh nghiệm gia truyền, ông Vinh thường đọc tài liệu để có đủ căn cứ khẳng định một hòn đá là một hiện vật lịch sử.
“Mình đi nhiều, thấy bà con còn mông lung về cổ vật, về người tiền sử nên cũng nhiều lần giải thích cho họ. Trong xóm này ai cũng được tôi chỉ cho một vài dấu hiệu nhận diện cổ vật nên cứ thấy có cái gì nghi nghi là họ mang đến cho tôi”, ông Vinh chia sẻ.
Tuy nhiên cũng chính vì nhiều người còn thiếu hiểu biết hoặc chưa hiểu đúng giá trị của những hiện vật trên nên ông lão bộc bạch: “Cả đời tôi cái thú lớn nhất là sưu tầm đồ cổ và tìm hiểu giá trị của chúng. Một hai năm nữa, khi con cái phương trưởng, tôi dự định về Đồng Nai xây một gian nhà làm phòng trưng bày cho bà con và học sinh trong vùng tới thăm thú. Mình hiểu cái gì, biết được điều gì thì nói cho bà con và các cháu nhỏ cùng biết, công việc sưu tầm của mình mới thực sự ý nghĩa”.
Trao đổi với PV Dân trí, ông Nguyễn Văn Thành, Phó chủ tịch UBND xã Nhân Cơ (huyện Đắk R’Lấp) cho biết: “Nhiều năm nay ông Vinh nổi tiếng trong xã là người chuyên đi “săn lùng” cổ vật. Tuy nhiên do chưa có kinh phí nên chính quyền xã không thể hỗ trợ được ông trong công tác sưu tầm, bảo quản những hiện vật này. Mặc dù vậy, trong các dịp lễ hội, địa phương cũng mời ông Vinh mang một số hiện vật tiêu biểu ra trưng bày, phục vụ nhu cầu bà con”.
Về giá trị của những hiện vật đang được ông Vinh lưu giữ, ông Nguyễn Anh Bằng, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Đắk Nông đánh giá, sau nhiều lần xuống tham quan gia đình ông Vinh, các đoàn chuyên môn khẳng định đây là những hiện vật lịch sử, có niên đại hàng ngàn năm. Phần lớn trong số này là đồ đá, rất có thể mảnh đất này là có xưởng chế tạo công cụ lao động đồ đá và trang sức của người tiền sử. Những hiện vật mà ông Vinh sưu tập sẽ đóng góp cho việc nghiên cứu dấu vết của loài người tại Đắk Nông trước đây.
Dương Phong