Lần đầu tiên phát lộ con đường hành lễ ở Thánh địa Mỹ Sơn

Công Bính

(Dân trí) - Kết quả khai quật khẳng định có một con đường dẫn bắt đầu từ tháp K đi vào khu trung tâm Thánh địa Mỹ Sơn ở thế kỷ XII, lần đầu tiên giới nghiên cứu khảo cổ trong nước và quốc tế được biết đến.

Chiều 8/4, Ban Quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn (huyện Duy Xuyên, Quảng Nam) và Viện Khảo cổ học báo cáo kết quả thăm dò, khai quật khảo cổ học phế tích kiến trúc đường dẫn ở phía đông tháp K - Mỹ Sơn (còn gọi là Thánh địa Mỹ Sơn, Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn).

Năm 2017-2018, khi nhóm chuyên gia Ấn Độ tu bổ, tôn tạo tháp K - Mỹ Sơn ghi nhận tháp có 2 cửa đông - tây. Ở phía đông tháp K có 2 đoạn tường bao của 1 con đường hướng về nhóm tháp E, F.

Lần đầu tiên phát lộ con đường hành lễ ở Thánh địa Mỹ Sơn - 1

Đoàn khảo cổ tiến hành thăm dò, khai quật khảo cổ học phế tích kiến trúc đường dẫn ở phía đông tháp K (Ảnh: BQL Di sản văn hóa Mỹ Sơn).

Ngoài những hiện vật thuộc thành phần kiến trúc, còn có 2 tượng sư tử trong tư thế đứng, khuôn mặt thể hiện nét hung dữ và nhiều hiện vật đất nung, gốm, sứ… Những hiện vật trên được xếp vào niên đại thế kỷ XII.

Tháng 6/2023, Ban Quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn phối hợp với Viện khảo cổ học đào thăm dò trên diện tích 20m2 tại khu vực quanh tháp K nhằm xác thực những thông tin về dấu tích kiến trúc trên.

Kết quả đã phát hiện 2 đoạn của các tường bao kéo dài từ tháp K về phía đông, tạo thành con đường hướng vào các khu tháp E, F.

Những tư liệu thu được giúp đoàn khảo cổ xác định kiến trúc đường dẫn vào Thánh địa Mỹ Sơn là phát hiện mới về những vết tích của công trình kiến trúc chưa từng được biết đến ở Mỹ Sơn trong lịch sử tồn tại của di tích này.

Con đường đó khác hẳn với hướng đi được thiết kế để đón du khách đến tham quan Mỹ Sơn hiện tại.

Lần đầu tiên phát lộ con đường hành lễ ở Thánh địa Mỹ Sơn - 2

Phát lộ con đường trước mặt tháp K dẫn vào trung tâm Thánh địa Mỹ Sơn (Ảnh: Công Bính).

Phát hiện nêu trên cần tiếp tục nghiên cứu khảo cổ về hệ thống phế tích kiến trúc đường đi ở khu vực quanh tháp K, nhằm làm rõ về mặt bằng, quy mô và chức năng của con đường dẫn từ tháp K vào Thánh địa Mỹ Sơn của người Chăm xưa.

Đoàn khảo cổ đã khai quật tổng diện tích 200m2, được chia thành 2 hố liền kề hướng đông - tây, mỗi hố có diện tích 100m2. 

Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Quý - chủ trì cuộc khai quật - cho hay, với diện tích thăm dò, khai quật khảo cổ tại khu vực phía đông tháp K đã làm rõ một đoạn kiến trúc đường dẫn từ tháp K vào trung tâm Thánh địa Mỹ Sơn.

Cấu trúc cắt ngang con đường rộng phủ bì 9m, gồm lòng đường và 2 bức tường xếp gạch bo 2 bên. Con đường dẫn từ phía đông tháp K hướng vào các khu tháp E, F ở sâu bên trong thung lũng Mỹ Sơn.

Lần đầu tiên phát lộ con đường hành lễ ở Thánh địa Mỹ Sơn - 3

Các hố khai quật ngoài phạm vi 200m2 để khảo sát con đường kéo dài đến đâu (Ảnh: Công Bính).

"Căn cứ vào lượng gạch bị đổ trong các hố thăm dò, khai quật có thể nhận định bức tường này không xây cao mà chỉ như một bức tường phân chia giới hạn không gian phía trong và ngoài con đường trong cùng một không gian thiêng của di tích", Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Quý nói.

Cũng theo Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Quý, qua một số hiện vật gốm men, đất nung có niên đại khoảng thế kỷ X-XII. Những di vật trên tiếp tục củng cố cho nhận định kiến trúc đường dẫn có niên đại thế kỷ XII, tương đương với niên đại tháp K.

Kết quả thăm dò, khai quật cũng khẳng định có một con đường dẫn bắt đầu từ tháp K đi vào khu trung tâm Thánh địa Mỹ Sơn ở thế kỷ XII, lần đầu tiên giới nghiên cứu khảo cổ - lịch sử trong nước và quốc tế được biết đến.

Con đường này kéo dài trên một khoảng không gian hơn 500m, khởi đầu từ tháp K hướng đến khu vực sân trước tháp F.

Nhóm nghiên cứu đã xác định con đường này có nhiều chức năng, gồm đường đi của các vị thần Ấn Độ giáo; con đường dành cho các vị vua chúa và tăng lữ Chămpa đi vào Thánh địa Mỹ Sơn cúng tế các vị thần của họ.

"Với kết quả nghiên cứu cập nhật, có thể khẳng định đây là con đường thiêng, con đường dẫn thần linh, vua chúa và tăng lữ Bà La Môn giáo đi vào không gian thiêng Thánh địa Mỹ Sơn", Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Quý khẳng định.