Thừa Thiên Huế:
Lần đầu tiên Festival Huế sẽ không có đoàn nghệ thuật quốc tế
(Dân trí) - Tổ chức qua 10 kỳ từ năm 2000 với sự góp sức nhiều quốc gia, Festival Huế 2020 dự kiến diễn ra vào cuối tháng 8 sẽ lần đầu tiên không có đoàn nghệ thuật nước ngoài.
Từ kỳ đầu tiên với sự có mặt của Pháp cùng một số nước, Festival Huế đã để lại dấu ấn sâu đậm cho cả nước trên tinh thần lan tỏa văn hóa cố đô Huế và giao lưu nghệ thuật với thế giới. Qua 10 kỳ tổ chức, số lượng các đoàn nghệ thuật quốc tế đến Festival Huế ngày càng đông và đủ sự hiện diện của 5 châu lục.
Thế nhưng, vì dịch Covid-19, thời gian tổ chức Festival Huế 2020 trong tuần lễ 30/4-1/5 đã phải dời lại qua cuối tháng 8 từ 28/8 đến 2/9. Và vì đường bay với quốc tế vẫn đang còn hoãn vô thời hạn, nên dự kiến sẽ không có đoàn nghệ thuật nước ngoài nào.
Trao đổi với PV chiều 13/7, ông Huỳnh Tiến Đạt, Giám đốc Trung tâm Festival Huế, Phó Trưởng Ban thường trực Ban tổ chức Festival Huế 2020 cho biết, đây là lần đầu tiên trong lịch sử Festival Huế sẽ không có đoàn nghệ thuật nước ngoài vì dịch bệnh Covid-19 bên ngoài Việt Nam vẫn còn quá phức tạp.
Theo kế hoạch giữa Trung tâm liên lạc với Đại sứ quán các nước, đến 10/7 nếu tình hình Covid-19 không khả thi thì sẽ chỉ có các đoàn trong nước. Tuy nhiên vì nhiệt tình và đặt nhiều tình cảm với Festival Huế 20 năm nay, nên hiện các Đại sứ quán vẫn theo dõi để có thể cử các nhóm nghệ thuật đang ở Việt Nam tham dự.
“Nếu có thì duy nhất có Pháp đang tập hợp 1 đến 2 nhóm hiện ở tại TPHCM. Do nghệ sĩ người Pháp không đủ nên họ đang tập hợp những người nước khác thêm. Riêng đoàn Tây Ban Nha thì đang tìm một người Việt Nam chơi nhạc Tây Ban Nha hay để tham dự. Qua đây, tôi mới thấy người ta nhiệt tình và chung thủy với mình đến dường nào” – ông Đạt nói.
Ngoài ra, trong khuôn khổ Lễ hội đường phố “Sắc màu văn hóa”, sẽ có hoạt động diễu hành trình diễn trang phục truyền thống của các nước ASEAN với sự tham gia hỗ trợ của Đại sứ quán các nước khối ASEAN với thông điệp “ASEAN 2020: Gắn kết và chủ động thích ứng”, đồng thời nhằm khẳng định Việt Nam với vai trò Chủ tịch Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á 2020 và Huế là thành phố văn hóa của ASEAN.
Về các đoàn nghệ thuật trong nước, nhân kỷ niệm 60 năm kết nghĩa Hà Nội – Huế - Sài Gòn, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã có văn bản gửi UBND TPHCM, TP Hà Nội mời nhà hát Bông Sen và Thăng Long, bên cạnh đó là các nhà hát mang sắc thái đặc trưng của 1 số vùng miền: Lào Cai, Đắc Lắc.
Ngoài ra, Ban Tổ chức cũng mời một số nhóm có phong cách độc đáo (như nhóm nhạc Ngô Hồng Quang - một biểu tượng cho khái niệm “nghệ sĩ âm nhạc dân tộc hiện đại”, nhóm Lyricist - quán quân cuộc thi nhảy toàn Đông Nam Á Super 24 năm 2019, nhóm Hoàng Rob - Giải thưởng Âm nhạc Cống hiến năm 2017, Vũ đoàn belly dance Hồng Hạnh, ...) tham gia biểu diễn tại các chương trình khai mạc, bế mạc, chương trình biểu diễn hàng đêm và lễ hội đường phố.
Tại các chương trình nghệ thuật xã hội hóa có sự tham gia của nhiều ca sĩ, nghệ sĩ nổi tiếng (Quang Dũng, Đức Tuấn, Trần Mạnh Tuấn, ... trong chương trình Trịnh Công Sơn; Quang Lê, Phi Nhung, Cẩm Ly, Ngọc Sơn... trong chương trình nhạc trữ tình Bolero; Noo Phước Thịnh, Soobin Hoàng Sơn... trong lễ hội Bia; các DJ Hoàng Touliver, Slim V, Triple D và ca sĩ Sơn Tùng MTP, ca sĩ Tóc Tiên, ... trong chương trình Nhạc hội điện tử).
Riêng lực lượng của Huế tham gia sẽ bao gồm Nhà hát Ca kịch Huế, Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Cung đình Huế, Học viện Âm nhạc Huế, dàn kèn đồng, các câu lạc bộ nghệ thuật, học sinh, sinh viên, nghệ nhân các huyện, thị xã...
Đại Dương