Làm thế nào để có thể bất đồng mà không gây đổ vỡ quan hệ?
(Dân trí) - Những cuộc tranh luận gay gắt có thể gây ra bất đồng. Vậy có cách nào để những cuộc tranh luận đó không gây sứt mẻ mối quan hệ của chúng ta với đồng nghiệp, bạn bè hay người thân không?
Câu trả lời chắc chắn là có. Trong một bài viết gần đây cho tờ New York Times, chuyên gia tư vấn tâm lý người Mỹ - Deepak Chopra đã đề cập đến một số bước đơn giản để hạn chế những xung đột xảy ra tại nơi làm việc hay bên bàn ăn gia đình. Dưới đây là một số lời khuyên ông đưa ra:
Cân nhắc việc giữ im lặng
Việc bạn không đồng ý với ai đó về một vấn đề không có nghĩa là bạn phải nói về nó. Chopra cho rằng lý do chính đáng duy nhất để thảo luận về sự bất đồng ý kiến của bạn là sử dụng nó để khơi mào cho một cuộc đàm phán.
Theo ông, nếu mục đích của bạn là "giành chiến thắng" trong cuộc tranh luận, để chứng minh người kia sai hoặc thuyết phục người đó nghe theo quan điểm của bạn, những cuộc trò chuyện đó sẽ biến thành "những cuộc tranh luận cứng đầu và giận dữ".
Thêm vào đó, một số quan điểm quá cố chấp để đưa ra tranh luận. Ví dụ, một người vẫn khăng khăng từ chối đeo khẩu trang khi đại dịch đã diễn ra được 9 tháng sẽ không bị thuyết phục bởi bất cứ điều gì mà bạn đưa ra
Nếu việc giữ im lặng hoặc lảng tránh khỏi một cuộc tranh luận sắp diễn ra khiến bạn cảm thấy tức giận, Chopra đưa ra lời khuyên: "Hãy ngồi yên lặng, nhắm mắt lại, hít thở sâu và tập trung sự chú ý vào trái tim. Tiếp tục cho đến khi cơn giận tan biến".
Bắt đầu bằng cách lắng nghe
Thông thường, bạn muốn bắt đầu một cuộc thảo luận bằng cách giải thích quan điểm của chính mình. Nhưng Chopra khuyên bạn nên dành thời gian để lắng nghe bất cứ điều gì đối phương nói.
"Nếu bạn không nhận thức được điều gì đang diễn ra trong tâm trí họ, trong cuộc sống, trong các mối quan hệ của họ, trong kinh nghiệm cá nhân của họ về thực tế hàng ngày, thì đâu là giải pháp?", ông nói.
Vì vậy, hãy dành thời gian để lắng nghe cho đến khi bạn thực sự hiểu họ là ai và điều gì quan trọng đối với họ. Thực hiện điều này cũng sẽ giúp giảm khả năng biến những bất đồng của bạn trở thành một cuộc tranh cãi.
Tìm hiểu về giá trị của người kia
Chopra nói rằng một trong những cách hiệu quả nhất để bắt đầu một cuộc trò chuyện mang tính xây dựng là hỏi đối phương điều gì có ý nghĩa nhất đối với họ. Đó là lý do tại sao ông ấy đôi khi khuyến khích những người đang có xung đột nên nói chuyện với nhau về cha mẹ hoặc tuổi thơ của họ. Mục tiêu của bạn phải là tìm ra niềm tin cốt lõi của người khác và chia sẻ đức tin của bạn.
Không vội vàng đưa ra câu trả lời
Một khi bạn đã lắng nghe những gì người kia nói, bạn có thể cảm thấy bị thôi thúc mạnh mẽ bởi niềm tin và quan điểm của riêng mình. Tuy nhiên, thay vào đó, hãy tạm dừng một chút.
Theo Chopra, khi bạn phản ứng ngay lập tức, đó là lúc bản ngã của bạn đang lên tiếng. Điều mà ông gọi là "phản ứng bản ngã" có thể là một trong bốn điều sau: "Tốt đẹp và lôi kéo, xấu tính và lôi kéo, cứng đầu và lôi kéo, đóng vai nạn nhân và lôi kéo".
Thay vào đó, hãy tạm dừng để vượt qua phản ứng bản ngã đầu tiên đó và cố gắng trả lời người kia bằng "cái nhìn sâu sắc, trực giác, cảm hứng, sáng tạo, tầm nhìn, mục đích cao hơn hoặc tính toàn vẹn chân thực", ông nói.
Không tư duy trắng đen
"Bạn ở phe tôi hay bạn chống lại tôi", lối suy nghĩ đen trắng như thế này có thể làm leo thang bất kỳ xung đột nào. Sự thật là hầu hết các vấn đề, đặc biệt là những vấn đề phức tạp, không thể được định nghĩa đơn giản bằng quan điểm đúng sai, đen trắng rạch ròi. Mọi thứ luôn có nhiều sắc thái hơn thế. Chính trong những sắc thái này, bạn có thể tìm thấy những ý tưởng và nguyên tắc mà cả hai có thể cùng tán đồng.