Làm mới nhạc xưa, phá cách hay phá hỏng?

Chương trình “Giai điệu tự hào” và “Những bài hát còn xanh” đã giúp những bài ca đi cùng năm tháng được “sống lại” một cách đúng nghĩa. Tuy nhiên, việc phá cách một số bài hát cũ đã khiến màu sắc lịch sử bị mất đi và trở nên lạc lõng trong nhịp điệu âm nhạc mới.

Làm mới nhạc xưa, phá cách hay phá hỏng?

Tiết mục “Nối vòng tay lớn” trong chương trình “Giai điệu tự hào” số tháng 9 đã bị hội đồng khách mời chê tả tơi. Ảnh: BTC

Lịch sử sống lại

Nhiều người cho rằng, âm vang của lịch sử như được sống lại kể từ khi có “Giai điệu tự hào” và “Những bài hát còn xanh” phát sóng trên truyền hình. Với “Giai điệu tự hào”, phiên bản Việt hóa chương trình “Tài sản quốc gia” của truyền hình Nga được một êkip Việt có tên tuổi như: nhạc sĩ Quốc Trung, nhạc sĩ Thanh Phương, biên kịch Phan Huyền Thư, biên đạo múa Tuấn Lộc… dàn dựng đã mang đến một làn gió mới. Những ca khúc được thể hiện trong từng số phát sóng của chương trình này được sắp xếp theo chủ đề gắn với những giai đoạn lịch sử làm cho những bậc cao niên thích thú vì được sống lại với ký ức, còn những người trẻ thì đến gần hơn với lịch sử.

“Những bài hát còn xanh” là sân chơi nhằm tôn vinh những ca khúc vang bóng một thời có sức sống bền lâu của nền âm nhạc Việt Nam bằng giọng ca của các ca sĩ trẻ với tư duy, hơi thở hiện đại cũng giúp khán giả thấy rõ hơn sức sống của từng ca khúc qua từng thời đại. Đặc biệt, thông qua hai chương trình này, nhiều ca khúc của dòng nhạc cách mạng trước vẫn được xem là chỉ hợp với môi trường chiến đấu nay trở nên cuốn hút người xem nhờ cách tiếp cận đa chiều và làm mới quá khứ một cách khéo léo.

Theo chia sẻ của êkip thực hiện “Những bài hát còn xanh” thì họ đang cố gắng đưa nhạc cách mạng quay lại với người nghe thông qua việc xử lý khôn khéo những ca khúc kinh điển bằng nhiều thể loại nhạc mới như pop, rock… Và mỗi ca sĩ tham gia sẽ góp phần làm mới bằng cách suy nghĩ, cách cảm nhận cũng như ngôn ngữ của thế hệ họ để các sáng tác xưa tươi mới. Ca sĩ Mỹ Tâm từng chia sẻ, tham gia chương trình, cô cảm thấy mình như được truyền cảm hứng từ cha ông, từ dân tộc… của những giai đoạn lịch sử đã qua khi hát lại những ca khúc kinh điển. Và cá nhân cô thấy rằng, bên cạnh việc tìm đến với những ca khúc mới phù hợp với dòng nhạc của mình, các ca sĩ trẻ rất nên tiếp cận với các ca khúc cũ để thấy được “tiếp lửa” tự hào từ lịch sử.

Ca sĩ Ánh Tuyết cảm nhận rằng: “Bên cạnh những dòng nhạc khác, loại hình âm nhạc truyền thống cách mạng vẫn tồn tại và phát triển âm ỉ. Chính sự trỗi dậy ấy cộng với những giá trị sẵn có càng làm cho dòng nhạc này luôn sống được ở mọi thời đại, có sức sống vượt thời gian”.

Phá cách cũng cần có giới hạn

Mới đây, trong “Giai điệu tự hào” số tháng 9, tiết mục “Bài ca hy vọng” được ca sĩ Trần Thu Hà trình bày và tiết mục “Nối vòng tay lớn” do nhóm ca sỹ trẻ Hà My, Thái Châu, Tuấn Khanh thể hiện đã bị nhiều thành viên trong hội đồng khách mời chê “tả tơi”. Phần lớn các vị khách mời như nhạc sĩ Phú Quang, nhạc sĩ Thụy Kha, đạo diễn Lê Hoàng… đều cho rằng, việc phá cách hoặc làm mới một ca khúc là chuyện bình thường nhưng làm cho bài hát mất đi tinh thần chủ đạo của nó khiến người khác nghe mà không nhận ra, hoặc không cảm được thì không thể chấp nhận được.

Nhạc sĩ Phú Quang sau khi nghe Trần Thu Hà biểu diễn đã thốt lên rằng: “Hoài niệm của tuổi trẻ không có lỗi, Trần Thu Hà là người hát hay, Quốc Trung phối hay, nhưng người lớn nghe không xúc động, bởi vì nó hoàn toàn lạ với tâm trạng của họ”. Đạo diễn Lê Hoàng nghe 3 ca sỹ trẻ hát “Nối vòng tay lớn” theo lối “rock hóa” đã phản ứng rất thẳng thắn: “Tôi nhìn thấy một đội hình rất đông, đạo cụ chuyên nghiệp và động tác múa phức tạp nhưng tôi không thấy một chút nào xúc động cả. Tôi thất vọng một cách não nề. Ai khen nhạc này của Trịnh Công Sơn thì tôi đồng ý chứ ai khen cái phần trình diễn này thì tôi rất kinh ngạc. Như vậy là các bạn bị tình trạng tên tuổi của nhạc sĩ lớn quá, bài hát này nổi tiếng quá… nên các bạn bị ảo giác, hay nói thẳng là nhát gan. Thôi thì khen cho nó an toàn, khen cho chắc. Tôi cho rằng phần trình diễn này rất không thành công”.

Trước đó, “Những bài hát còn xanh” số tháng 7, tác phẩm “Lá xanh”, một bài hát động viên tinh thần tòng quân diệt giặc của nhạc sĩ Hoàng Việt đã được Đồng Lan làm mới theo kiểu “sexy, dịu dàng” khiến cả giám khảo lẫn khán giả hết sức ngao ngán. Ca sĩ Ngọc Ánh đã thốt lên: “Hoàn toàn sai với thông điệp của bài hát. Cách thể hiện này hoàn toàn giết chết bài hát”.

Cũng ở số 29 của chương trình này, nhóm nhạc trẻ Dương Trần Nghĩa thể hiện ca khúc “Thành phố tình yêu và nỗi nhớ” với một phong cách hoàn toàn mới, thậm chí thay đổi một số lời bài hát, giai điệu… khiến ai nghe cũng phải giật mình. Nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn, tác giả của bài hát chia sẻ: “Tôi hoàn toàn đồng ý với cách làm mới, nhưng với cách thể hiện này, tôi cảm thấy mình còn một nửa. Đôi chỗ, tôi không còn thấy đó là bài hát của tôi”.

Trong âm nhạc, việc sáng tạo và làm mới là cần thiết. Tuy nhiên, làm mới ở mức độ nào để khán giả khi nghe ca khúc vẫn cảm được linh hồn và màu sắc mới của bài hát? Trên thực tế, ranh giới giữa sự phá cách và phá hỏng là rất mong manh, vì thế việc làm mới ca khúc đôi khi là một thách thức không hề nhỏ đối với những người phụ trách âm nhạc. Điều đó có thể nhìn thấy rõ khi trong “Giai điệu tự hào” và “Những bài hát còn xanh”, có nhiều ca khúc cũ được làm mới khiến khách mời hoặc giám khảo lẫn khán giả truyền hình rất thích thú, đánh giá cao. Nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn cho rằng: “Làm mới ca khúc là rất cần, nhưng những cái mới của hôm nay phải xuất phát trên cái nền cơ bản của tác phẩm mà tác giả đã đầu tư và đã tồn tại nhiều năm trong cuộc sống”.

Theo Hà Tùng Long
Gia đình & Xã hội

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm