Lại thêm một nữ tác giả “tố” Phan Huyền Thư “đạo thơ”

(Dân trí) - Trong khi nghi án đạo thơ Du Tử Lê chưa kịp lắng xuống thì mới đây, nhà thơ Phan Ngọc Thường Đoan đã lên tiếng, bài thơ “Bạch Lộ” (Trang 96, tập thơ Sẹo Độc Lập) của nhà thơ Phan Huyền Thư đã “đạo” rất nhiều câu thơ và ý tưởng trong bài Buổi sáng (nằm trong tập thơ Đếm Cát) của chị.

 


Bài thơ Buổi sáng trong tập thơ Đếm Cát được in thành sách của nhà thơ Phan Ngọc Thường Đoan

Bài thơ Buổi sáng trong tập thơ Đếm Cát được in thành sách của nhà thơ Phan Ngọc Thường Đoan

 

Từ một bài thơ được nhạc sĩ Phú Quang phổ nhạc

Theo nhà thơ Phan Ngọc Thường Đoan, bài thơ Buổi sáng được chị sáng tác từ năm 2000. Nữ nhà thơ kể: “Thời điểm đó nhạc sĩ Phú Quang vẫn đang sống ở Sài Gòn. Anh có mở một quán cà phê ở trên đường Đồng Khởi, giới văn nghệ sĩ vẫn hay tụ tập ở đó. Một hôm vào thứ 7, tôi đến đó và ngồi chờ bạn bè đến đàm thoại về thơ ca, nghệ thuật. Ngồi một mình nhìn ngó đường phố, tôi nảy ra những tứ thơ ấy. Tôi còn nhớ đến khoảng11h30 anh Phú Quang đến, anh đọc và xách bài thơ lên lầu rồi phổ nhạc thành bài hát Catina cà phê sáng, trước đó tôi đặt tựa đề là Buổi sáng. Catina là tên quán cà phê của anh ấy. Vào khoảng 2000-2001, bài thơ được nhạc sĩ Phú Quang phổ nhạc và in thành đĩa. Năm 2003, tôi cho vào tập thơ Đếm cát và in thành sách”.

Nhà thơ Thường Đoan cho rằng nhạc sĩ Phú Quang rất thích bài này và nó đã được ông chủ cà phê Trung Nguyên, ông Đặng Lê Nguyên Vũ trao giải nhất trong cuộc thi Festival cà phê. Bởi vậy, chị đã rất sốc và nổi gai ốc khi đọc những câu thơ trong bài thơ Bạch lộ của Phan Huyền Thư, “cảm giác như trúng gió độc vậy!”, chị nói.

Nhưng theo nữ nhà thơ, không thể trách những người đã trao giải thưởng cho tập thơ ấy được. “Bởi không ai có thể khẳng định mình đã đọc hết và biết hết hàng trăm bài thơ của những người khác. Người ta chỉ thấy bài thơ đó tốt thì trao giải thôi. Điều quan trọng là ở lòng tự trọng của người sáng tác thôi”, nhà thơ Thường Đoan chia sẻ.

 

Nhà thơ Phan Ngọc Thường Đoan tên thật là Nguyễn Thanh Bình, quê Vĩnh Long, công tác tại báo Văn Nghệ Thành Phố HCM.
Nhà thơ Phan Ngọc Thường Đoan tên thật là Nguyễn Thanh Bình, quê Vĩnh Long, công tác tại báo Văn Nghệ Thành Phố HCM.

 

Đến tiếng nói của một nhân chứng

Sự giống nhau đến kỳ lạ giữa hai bài thơ Bạch Lộ của Phan Huyền Thư và Buổi sáng của Phan Ngọc Thường Đoan được nhà thơ Hà Quang Minh phát hiện ra. Anh viết: “Tôi vẫn hay nói về sự công chính, khát khao được công chính, khát khao thấy một nền văn nghệ công chính, khát khao một xã hội công chính.Thế mà nay, nhìn thấy một sự vụ bất liêm chính, tôi im lặng được ư? Dù rằng, tôi biết, im lặng tốt hơn cho tôi, bởi giữa tôi và Phan Huyền Thư là những mối nối, tức là những nhân vật mà tôi kính trọng. Cách đây mấy hôm, một anh bạn cho tôi hay về sự trùng lặp câu thơ “Khi (Nếu) tôi chết, hãy đem (mang) tôi ra biển”. Tôi lập tức gọi cho một người anh có uy tín trong giới văn nghệ, một mối nối giữa tôi và Thư, hỏi ý kiến xem mình có nên có đưa ra quan điểm hay không. Người anh ấy nhẹ nhàng “Nó không đáng với em”. Và tôi im lặng. Coi như không liên quan đến mình. Rồi có nhiều ý kiến bênh vực Phan Huyền Thư, cho rằng tính tình Thư thẳng thắn, trung thực, không làm việc khuất tất ấy. Tôi cũng tìm lại tập thơ Thư ký tặng tôi, hồi 2014, để đọc kỹ. Thú thực, tôi chưa đọc tập thơ ấy lần nào. Để rồi, tôi cảm thấy mình phải lên tiếng.

Vì tôi tin, những người quen biết cả tôi lẫn Thư, tức là những mối nối, cũng sẽ hiểu rằng tôi lên tiếng vì sự công chính của một nền văn nghệ. Tôi lên tiếng, không phải vì tôi muốn tập thơ Sẹo độc lập bị tước giải thưởng. Đơn giản, giải thưởng ấy chẳng có nghĩa lý gì.

Tôi lên tiếng, vì tôi muốn nền văn nghệ này cần có những tác phẩm độc lập thực sự, không trùng lặp, không vay mượn và không ăn cắp. Tôi lên tiếng, không phải vì câu thơ kể trên, mà vì tôi gặp một nhà thơ quen, Phan Ngọc Thường Đoan, ở trong bài thơ đó.

 

Nhà thơ Hà Quang Minh: “Tôi lên tiếng, vì tôi muốn nền văn nghệ này cần có những tác phẩm độc lập thực sự, không trùng lặp, không vay mượn…”
Nhà thơ Hà Quang Minh: “Tôi lên tiếng, vì tôi muốn nền văn nghệ này cần có những tác phẩm độc lập thực sự, không trùng lặp, không vay mượn…”

 

Ở trang 96 của Sẹo độc lập, Phan Huyền Thư viết: Bạch Lộ (Độc ẩm với Lã Bất Vy):

Để có những so sánh
Những gương mặt người
Quen mà không quen
Từng giọt sương nén trong veo câm nín
Tiếng chim khua vỡ buổi sáng lạnh
Em một mình
Ngồi khuấy loãng thời gian
Buổi sáng muốn ôm anh
Nắng nói lời mê ngủ
Buổi sáng muốn gọi anh
Mây tái mặt thẫn thờ
Quàng nỗi nhớ lên gối chăn bỏ ngỏ
Bản Blues jazz đêm qua lẩn khuất phím dương cầm
Người thiên di cung bậc cuối cùng
Nụ hôn nửa vời
Trái tim không cửa
Bóng ai hờ hững xéo trên lá cỏ
Điềm tĩnh ngồi chờ gió
Về tan cùng tàn thu
Một mình
Quen mà không quen
Lục lọi trí nhớ một hình nhân đêm
Quấn quýt trùng căng kén ngà, tơ lạ
Nuốt vào chầm chậm như loài lông vũ
Vừa bay vừa thảng thốt…âm u
Buồn ngại ngần níu vạt ngu ngơ
Chậm mất nhau cuối mùa
Bão giông đã nửa đời lạc nhịp
Cơn đau da lươn lên men vân gốm
Buổi sáng mị tình
Nốc cạn
Một tứ thơ”.

Và đúng là Phan Huyền Thư đã “quen mà không quen”, “lục lọi trí nhớ" để “nốc cạn một tứ thơ" thực sự. Bài thơ ấy, về giọng điệu, cấu trúc, rất lạ so với tổng thể còn lại của Sẹo độc lập. Nó cho ta cảm giác nó là Thư mà lại không phải là Thư, như một sự thoát khỏi chính mình vậy. Bởi nó chính là bài Buổi sáng của nhà thơ Phan Ngọc Thường Đoan

Nguyên văn bài Buổi sáng của Thường Đoan như sau:

Những gương mặt người
Quen và không quen
Những giọt cà phê muôn đời đen nhánh
Tiếng chim khua vỡ buổi sáng lạnh, gõ thức mặt trời
Em ngồi một mình
Khuấy loãng thời gian
Buổi sáng muốn gọi anh
Nắng nói lời mê ngủ/ Gió se lạnh chối từ
Quàng nỗi nhớ chạy quanh chiếc bàn nhỏ
Bản giao hưởng đêm qua còn phảng phất trên phím dương cầm
Người đã vội quên cung bậc cuối
Nụ hôn nửa vời
Trái tim không cửa
Ai hờ hững xéo lên lá cỏ
Buổi sáng ngồi một mình
Không quen những nụ cười lạ
Em đậm đặc với nắng thu mưa hạ
Tan cùng tàn đông
Lòng bàng hoàng luyến tiếc níu vạt áo xuân
Đã chậm mất nửa mùa cuối cùng
Khói thuốc cay và cà phê đắng
Cơn đau màu men ngà
Buổi sáng ngồi một mình
Uống cạn kiệt, lạ quen!”.

Thực hư của nghi án này thế nào? Phan Huyền Thư và Phan Ngọc Thường Đoan - ai thực sự “đạo” thơ ai? Chúng tôi sẽ tiếp tục cung cấp thêm thông tin tới độc giả trong những bài viết sau.

Đào Bích