Là “tranh giả” suốt 3 thập kỷ, tác phẩm bất ngờ “có cơ” thành... tranh thật

(Dân trí) - Một bức họa vốn tưởng là tranh giả, nhái theo phong cách của danh họa người Hà Lan Rembrandt, giờ đây lại được nhìn nhận là có yếu tố của... tranh thật.

Là “tranh giả” suốt 3 thập kỷ, tác phẩm bất ngờ “có cơ” thành... tranh thật - 1

Bức họa “Head of a Bearded Man” (Đầu người đàn ông nuôi râu) vốn từ lâu bị xem là tranh giả, không phải do danh họa Rembrandt (1606-1669) thực hiện

Bức họa “Head of a Bearded Man” (Đầu người đàn ông nuôi râu) vốn từ lâu bị xem là tranh giả, không phải do danh họa Rembrandt (1606-1669) thực hiện.

Nhưng một nghiên cứu gần đây lại nhận thấy rằng khung gỗ nguyên bản của bức tranh này trùng khớp với chất liệu khung gỗ được sử dụng cho bức “Andromeda Chained to the Rocks” (Nàng Andromeda bị xích vào tảng đá) do danh họa Rembrandt thực hiện.

Bức “Đầu người đàn ông nuôi râu” là một bức tranh cỡ nhỏ khắc họa một người đàn ông lớn tuổi với vẻ ngoài buồn bã, mệt mỏi. Vì vốn bị xem là tranh giả, “nhái” theo phong cách của Rembrandt, nên tranh chỉ được treo ở tầng hầm của viện bảo tàng Ashmolean nằm ở thành phố Oxford, hạt Oxfordshire, Anh.

Nhưng sau khi có phát hiện mới về chất liệu khung gỗ, người ta có thể xác nhận rằng tác phẩm này quả thực đã được thực hiện tại xưởng vẽ của vị danh họa và có thể còn do chính vị danh họa thực hiện.

Là “tranh giả” suốt 3 thập kỷ, tác phẩm bất ngờ “có cơ” thành... tranh thật - 2

Bảo tàng Ashmolean

Vì vậy, bảo tàng Ashmolean lại một lần nữa đem tranh ra trưng bày. Bức vẽ được thực hiện vào khoảng năm 1630 bỗng được giới hội họa quan tâm vì hành trình “long đong, lận đận”, biến đổi... thật giả khó lường.

Bức họa từng được tặng cho bảo tàng vào năm 1951, khi tranh được chuyển tới bảo tàng, tác phẩm được đề là “tranh của Rembrandt”. Nhưng tới năm 1981, bức tranh bị phủ nhận và từ đây bị xem là tranh giả, sau khi một nhóm chuyên gia chuyên nghiên cứu về tranh Rembrandt kết luận như vậy.

Đại diện bảo tàng Ashmolean - bà An Van Camp nhớ lại: “Họ xem tranh và kết luận đây không phải tranh của Rembrandt, rằng đây là tranh nhái theo phong cách của Rembrandt và có thể đã được thực hiện ở cuối thế kỷ 17, không đúng với quãng thời gian lúc sinh thời của vị danh họa”.

Ngay lập tức tranh bị chuyển xuống tầng hầm của bảo tàng. Bà An Van Camp bắt đầu làm việc tại bảo tàng Ashmolean từ năm 2015 và có để tâm tới bức tranh nhỏ này, “một bức tranh mà không ai muốn nói về nó bởi đó là tranh nhái theo phong cách Rembrandt”.

Là “tranh giả” suốt 3 thập kỷ, tác phẩm bất ngờ “có cơ” thành... tranh thật - 3

Danh họa Rembrandt trong một bức chân dung tự họa

Gần đây, bảo tàng có tiến hành trưng bày tranh về sự nghiệp hội họa thời trẻ của vị danh họa. Bức họa nhỏ càng khiến bà An Van Camp nghĩ đến, bởi linh cảm khiến bà tin rằng đây không phải tranh giả: “Với tôi, đó chính là phong cách của Rembrandt.

“Chính vị danh họa đã thực hiện những bức tranh nhỏ khắc họa chân dung đặc tả gương mặt của những người đàn ông lớn tuổi với vẻ buồn bã, cô đơn, trầm ngâm. Đó chính là phong cách điển hình của Rembrandt khi ông sinh sống ở thành phố Leiden (Hà Lan) vào khoảng năm 1630”.

Sau đó, bức họa đã được ông Peter Klein phân tích lại, ông Klein là một chuyên gia hàng đầu thế giới về tính toán tuổi gỗ, xác định chất gỗ.

Sau quá trình kiểm định, ông Klein khẳng định rằng khung gỗ của bức “Đầu người đàn ông nuôi râu” chính là chất liệu gỗ thuộc cùng một cây vốn được sử dụng để làm khung cho bức “Andromeda Chained to the Rocks” (một tác phẩm của Rembrandt, hiện đang trưng bày tại bảo tàng Mauritshuis, thành phố Den Haag, Hà Lan).

Theo ông Klein, khung gỗ của cả hai bức tranh đều thuộc về cùng một cây sồi từng được đốn hạ ở vùng Baltic trong khoảng thời gian từ năm 1618-1628. “Sau quãng thời gian nghiên cứu chất gỗ, chúng tôi có thể khẳng định bức chân dung ‘Đầu người đàn ông nuôi râu’ được thực hiện trong khoảng thời gian từ năm 1620-1630”, ông Klein kết luận.

Là “tranh giả” suốt 3 thập kỷ, tác phẩm bất ngờ “có cơ” thành... tranh thật - 4

Bức “Andromeda Chained to the Rocks” (Nàng Andromeda bị xích vào tảng đá) 

Các hoạt động nghiên cứu đều cho thấy bức tranh này quả thực đã được thực hiện tại xưởng họa của Rembrandt, những nghiên cứu tiếp theo sẽ được tiến hành tới đây để xác định có phải đích thân vị danh họa đã thực hiện bức vẽ này hay không. Dù vậy, ngay lập tức, bức tranh đã được treo ở vị trí mới lý tưởng hơn so với vị trí trước đó ở... tầng hầm.