Kỳ thú xem nét bút phê của 10 hoàng đế triều Nguyễn
(Dân trí) – Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế cùng Trung tâm lưu trữ quốc gia I đã tổ chức triển lãm thư tịch với chủ đề “Bút phê của các hoàng đế trên Châu bản triều Nguyễn”.
Đây là một triển lãm thú vị, được xem là một trong những triển lãm độc đáo nhất từ trước đến nay của Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế, nhằm chào mừng Kỷ niệm 20 năm ngày Quần thể Di tích Cố đô Huế được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới, 10 năm Nhã nhạc Cung đình Huế được UNESCO vinh danh là Di sản Văn hóa Phi vật thể đại diện của Nhân loại, và kỷ niệm 90 năm thành lập Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế,
Châu bản triều Nguyễn là một loại hình tài liệu Hán - Nôm thuộc diện quý hiếm đang được bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I (thuộc Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước - Bộ Nội vụ). Số lượng Châu bản được lựa chọn trưng bày gồm trên 150 tài liệu qua 10 triều đại: Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, Kiến Phúc, Đồng Khánh, Thành Thái, Duy Tân, Khải Định, Bảo Đại.
Đây là những văn bản hành chính của triều Nguyễn do các cơ quan chính quyền từ trung ương đến địa phương soạn thảo và thông qua hoàng đế “ngự lãm”, “ngự phê” bằng mực son để truyền đạt ý chỉ hoặc giải quyết những vấn đề về chính trị, quân sự, ngoại giao, kinh tế, văn hóa, xã hội… Vì vậy có thế coi châu bản là kho lưu trữ tài liệu văn thư hành chính của vương triều Nguyễn. Các loại văn bản trên Châu bản triều Nguyễn bao gồm dụ, chiếu, chỉ, thân, bản kê, tấu, sớ, bản dịch văn bản ngoại giao và các dạng công văn khác.
Theo TS. Phan Thanh Hải, GĐ Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, Bút phê của các hoàng đế trên Châu bản triều Nguyễn với các hình thức phản ánh nội dung như: một nét son được chấm lên đầu văn bản hoặc một vấn đề thể hiện sự đồng ý của nhà vua; một đoạn, một câu hay một vài chữ do đích thân nhà vua viết thể hiện quan điểm hoặc cho ý kiến chỉ đạo; một vòng son được nhà vua khuyên lên điều khoản, tên người hoặc vấn đề được nhà vua chấp thuận; nét son được phẩy lên tên người hoặc vấn đề nào đó thể hiện sự lựa chọn hoặc không chấp thuận của nhà vua; nét son được gạch sổ trực tiếp lên những chỗ cần sửa chữa hoặc không được chấp thuận; các chữ, câu, đoạn viết bên cạnh những chữ đã sổ bỏ nhằm sửa lại hoặc thể hiện quan điểm của nhà vua.
Tất cả những điều đó sẽ góp phần cung cấp thêm những thông tin về tư tưởng chỉ đạo, quan điểm của các hoàng đế của từng thời đoạn lịch sử đối với các vấn đề khác nhau trong điều hành tổ chức nhà nước, góp phần tìm hiểu chế độ văn thư triều Nguyễn nói riêng cũng như văn hóa lịch sử, mỹ thuật nói chung.
Ngoài ra, đây cũng là lần đầu tiên chúng ta có cơ hội biết đến chữ viết của 10 vị hoàng đế triều Nguyễn trong cùng một chủ đề. Nhiều người từ trước đến nay, chưa có điều kiện biết đến nét chữ (chữ Hán) của một số vị hoàng đế như Thành Thái, Duy Tân, Bảo Đại.
Qua nội dung và hình thức châu phê cũng phản ánh phần nào thư pháp, chương pháp của các vị hoàng đế, điển hình như Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, Thành Thái, Khải Định. Từ các châu bản, cũng có thể hình thành nên “bộ sưu tập thư pháp thảo thư của các hoàng đế Nguyễn” với những nét chữ thảo khoáng đạt, đạt đến tính thẩm mỹ cao trong lối thể hiện thư pháp của người xưa.
Nét bút phê của vua Gia Long (màu đỏ) trên bản tấu của tộc An Nhơn (huyện Hòa Vang, phủ Điện Bàn) xin kê vua kê khai họ tên, tuổi, số dân các hạng của tộc để làm sổ bộ. Bản tấu này vào năm 1818, tức cách hiện nay gần 200 năm
Tờ khải của Viện Thái Y năm Gia Long thứ 18 (1819). Nội dung : Ngự y phó Viện Thái y Đoàn Văn Hòa về thang Bát vị hoàn có gia giảm, uống sớm tối cho vua. Vua Gia Long sau đó phê : Tiết tiểu hàn đã qua, đang dần đến ấm áp, chính là lúc mong khỏe mạnh
Bản tấu của Tuần phủ 2 tỉnh Quảng Trị và Quảng Bình năm Minh Mạng thứ 19 (1838) nói về tình hình các quan 2 tỉnh cầu mưa được mưa. Vua Minh Mạng đã ngự phê : Được tin có bản tấu nói có mưa khắp nơi, trẫm vui lòng, duy tại kinh gặp đợt gió rét, lúa mạ sợ chẳng được đẹp hoàn toàn, không biết ở trấn hạt ngươi có bị gió rét hay không.
Bản tấu của Trương Minh Giảng năm Minh Mạng thứ 15 (1834). Nội dung Trương Minh Giảng, Nguyễn Xuân, Trương Phúc Đĩnh tâu về việc đã dẹp giặc ở biên giới. Vua phê : Xem tờ tấu thấy quân ta ít đánh quân giặc đông mà liên tục giành thắng lợi, khiến cho quân giặc mạnh mà phải khiếp sợ chạy trốn ra khỏi biên giới, không dám manh tâm nhòm ngó tới. Công lao của các khanh rất đáng khen ngợi. Lòng Trẫm cũng rất vui mừng úy lạo, sẽ có chỉ riêng gửi đến. Kính theo
Bản tấu của quan Đê chính về tình hình tu bổ, hoặc đắp thêm bề mặt chân đê hoặc đắp cao thêm đê điều ở Bắc thành cốt sao cho kiên cố (năm Minh Mạng thứ 11 – 1830). Vua phê ý các quan làm cốt sao cho chắc chắn, lo liệu cho đê điều thực kiên cố để vua cùng người dân đều vui mừng.
Bản tấu của các quan cho vua Minh Mạng (năm 1827) về việc vụ án quan lại tham lam tại trấn Nam Định. Vua phê: Cho áp giải tên quan sâu mọt Bùi Khắc Kham đến chợ trong trấn, chém ngang lưng, bêu đầu lên cọc cao để làm gương răn. Ngoài ra, đúng như xét xử. Khâm thử.
Bản tấu của Phòng Văn thư năm Minh Mạng thứ 3 (1822) kê khai danh sách các y sinh giỏi hay kém. Vua phê, một số y sinh giỏi được thưởng từ 6-5 lạng bạc. Các y sinh yếu phạt đánh 60 trượng, 50 roi, 40 roi. Những người khác được miễn thưởng phạt.
Cũng có những lúc, vua thể hiện tâm trạng buồn rất rõ khi lễ tế đàn Nam Giao bị hoãn lại do chuyển mưa rét. Bản tấu của Bộ Lễ năm 1838, vua Minh Mạng phê : Trẫm từ khi lên ngôi đến nay, phàm kính gặp lễ Nam Giao đều rất thành kính xin trời lượng chứng giám. Nay lại xảy ra sự thực bất đắc dĩ này. Thật là khổ tâm. Sẽ có chỉ riêng.
Nét phê của Vua Thiệu Trị năm 1842, về việc ban cho hoàng tử, hoàng nữ mỗi loại dầu, rượu loại 1, các đại thần phải đi phát ngay
Bản tấu của Bộ Lễ cho vua Thiệu Trị năm 1842 về trường hợp Nguyễn Kim Hoán, tỉnh Bắc Ninh khi thi Hội được xếp thứ 7, nhưng đến lúc thi Đình thì mắc bệnh sốt rét hôn mê rất nặng , không thể vào thi Đình được. Vua đã phê : Nguyễn Kim Hoán lần này miễn phải vào thi. Sau khi bệnh khỏi nên giải quyết thế nào cho thỏa đáng, truyền cho bộ ấy bàn bạc rõ ràng rồi tâu lên đầy đủ.
Tờ phúc của Bộ binh năm Thiệu Trị thứ 7 (1847) về việc tuyển chọn voi. Vua phê : Chọn voi ngự, điều cốt yếu là như thớt voi Thái Bình, trang nghiêm, giỏi dang, thuần lương, khỏe là được
Vua Tự Đức rất chăm phê, nhiều bản tâu của quan, vua phê vào còn nhiều chữ hơn quan tâu lên.
Vua Tự Đức năm 1874 phê về xử tội các quan để Thành Hà Nội thất thủ vào tay thực dân Pháp với ý : giao cho Truyền thần và Viện Cơ mật tham khảo điển lệ, sự việc tình thế, từ đó mà xử rõ ràng.
Bản tấu của Bộ Tư pháp năm Bảo Đại thứ 20 (1945) về việc phạt quan lại. Vua đã phê bằng chữ quốc ngữ : Chuẩn y cho phát chẩn cho dân nghèo Thanh Hóa, còn mặt truy cứu về mặt hình chiểu giao Nội các mới xét tâu.
Đại Dương