Kỷ niệm 96 năm ngày mất của nhà yêu nước Phan Châu Trinh
(Dân trí) - Sáng 24/3, Lễ tưởng niệm 96 năm ngày mất của nhà yêu nước Phan Châu Trinh đã được tổ chức trang trọng tại Khu lưu niệm mộ Phan Châu Trinh (Số 9, Phan Thúc Duyện, phường 4, quận Tân Bình, TPHCM).
Chương trình có sự tham gia của đại diện lãnh đạo UBND quận Tân Bình, các ban ngành, đoàn thể, ban giám hiệu, thầy cô và các em học sinh cùng gia quyến và Hội đồng hương Quảng Nam...
Mọi người được nhìn lại hành trình mà cụ Phan Châu Trinh đã trải qua lúc sinh thời để tìm con đường mang tư tưởng tiến bộ, không chỉ cho thời đại trước mà còn có tính thời sự với các thế hệ hôm nay.
Phát biểu tại chương trình, ông Trương Tấn Sơn - Phó chủ tịch quận Tân Bình cho rằng, những tư tưởng tiến bộ của cụ Phan Châu Trinh về con đường học tập, tinh thần yêu nước lúc sinh thời là kim chỉ nam để các thế hệ con cháu ngày nay noi theo.
Cũng trong chương trình, diễn giả văn hóa Hồ Nhựt Quang đã có những chia sẻ, làm rõ giá trị tinh thần, tư tưởng "Chi bằng học" của cụ Phan Châu Trinh.
Câu chuyện mang mục đích "ôn cố tri tân", nhắc lại những giá trị cao đẹp vẫn còn mang tính thời đại và là chìa khóa vàng cho mỗi chúng ta quý trọng việc học tập.
Nhà yêu nước Phan Châu Trinh khẳng định việc học tập không chỉ học cho mình, không phải học vì khoa cử danh vị mà học để tạo những "phiên bản mới hơn" cho chính mình vươn lên tầm cao mới, học cho quê hương xứ sở, học cho sự thịnh vượng của nước nhà.
"Mục tiêu trong sự nghiệp của nhà yêu nước Phan Châu Trinh là hòa vào sự nghiệp lớn lao của dân tộc, đó là phải "khai dân trí - chấn dân khí - hậu dân sinh". Nghĩa là phải mở mang dân trí, người dân phải biết chữ, phải tiếp cận tri thức khoa học. Người dân phải có quyền hưởng độc lập - tự do - hạnh phúc. Phải tạo điều kiện cho người dân làm kinh tế, giao thông - thương mại, công thương - kỹ nghệ phải được đẩy mạnh", diễn giả văn hóa Hồ Nhựt Quang phát biểu.
Để tiếp tục truyền lửa và kết nối tinh thần hiếu học cho các thế hệ tương lai, từ năm 1992 đến nay, Quỹ học bổng Phan Châu Trinh vẫn được tổ chức đều đặn để gửi đến các em học sinh đang theo học tại các trường mang tên ông.
Quỹ học bổng được duy trì bởi sự đóng góp tích cực từ các cá nhân, đơn vị yêu quý và kính trọng cụ Phan Châu Trinh.
Cũng nhân kỷ niệm 96 năm ngày mất của cụ, gia đình đã chính thức cho ra mắt thư viện cộng đồng ngay tại khu trưng bày và tưởng niệm Phan Châu Trinh nhờ sự hỗ trợ của trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, trường Cao đẳng Du lịch Sài Gòn.
Thư viện này sẽ được mở cửa hàng ngày để phục vụ nhu cầu đọc sách và nghiên cứu của cộng đồng.
"Đây chỉ là một viên gạch, một bước đi nhỏ để tiếp nối con đường của ông trong việc "khai dân trí". Phải có dân trí người dân mới có thể tự mình phát triển, tự mình đứng lên", anh Nguyễn Đông Hòa, cháu cố của cụ Phan Chu Trinh cũng là người đang trực tiếp quản lý Khu lưu niệm chia sẻ về ý nghĩa của việc thành lập thư viện cộng đồng tại đây.