Thái Bình:
Kỷ niệm 790 năm ngày nhà Trần phát nghiệp Đế Vương
(Dân trí) - Ngày 21/1, UBND huyện Hưng Hà phối hợp với Ban liên lạc họ Trần tổ chức Lễ kỷ niệm 790 năm ngày nhà Trần phát nghiệp Đế Vương (12 tháng Chạp năm Ất Dậu 1225). Cách đây 790 năm, tại kinh thành Thăng Long đã thiết triều cử hành nghi thức chuyển giao vương triều từ nhà Lý sang nhà Trần.
Vào sáng ngày 21/1, tại di tích Quốc gia đặc biệt Khu lăng mộ và đền thờ các vị Vua triều Trần, thuộc xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà. UBND huyện Hưng Hà phối hợp với Ban liên lạc họ Trần Việt Nam tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 790 năm ngày nhà Trần phát nghiệp Đế Vương.
Dự lễ có Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vương Duy Biên; đại diện Cục Di sản, Cục Quản lý cơ sở, Thanh Tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; UBND tỉnh Thái Bình…cùng đông đảo du khách thập phương.
Đây là lần đầu tiên, Lễ kỷ niệm ngày nhà Trần phát nghiệp Đế Vương được tổ chức tại huyện Hưng Hà, nhằm khẳng định và tôn vinh công lao dựng nước, giữ nước của nhà Trần trong lịch sử Việt Nam.
Ngày 12 tháng Chạp năm Ất Dậu, tại kinh thành Thăng Long đã tiến hành thiết triều cử hành nghi thức chuyển giao vương triều từ nhà Lý sang nhà Trần. Theo sách “Đại Việt sử ký toàn thư”: “Ngày 12 tháng Chạp, Chiêu Hoàng mở hội lớn ở điện Thiên An, ngự trên sập báu, các quan mặc triều phục vào chầu, lạy ở dưới sân. Chiêu Hoàng bèn trút bỏ áo ngự mời Trần Cảnh lên ngôi hoàng đế, đổi niên hiệu là Kiến Trung năm thứ nhất…”.
Tại buổi lễ, ông Vũ Tiến Khoái, Chủ tịch UBND huyện Hưng Hà cho biết: “Đây là dịp để chúng ta hồi cố lại, tôn vinh thêm, thắp sáng hơn truyền thống văn hiến; đồng thời cũng khơi dậy và phát huy các giá trị truyền thống để xứng danh là miền quê sáng nghiệp vương triều Trần”.
Vùng đất Long Hưng xưa -Hưng Hà ngày nay được xem là địa bàn chiến lược mà nhà Trần đã chăm lo xây dựng thành một phòng tuyến hiểm yếu để triển khai thế trận thủy chiến và cũng là một hậu phương vững chắc để huy động binh lương phục vụ kháng chiến. Đặc biệt, nhà Trần đã chọn Thái Đường - Long Hưng làm nơi đặt tôn miếu để xây dựng lăng tẩm, an táng các vị vua đầu triều Trần là Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông và lưu giữ một phần ngọc cốt của đức vua phật hoàng Trần Nhân Tông. Thế đất đặt hành cung, lăng tẩm, đền đài là nơi yên nghỉ của vua, hoàng hậu đầu triều cùng nhiều trọng thần trong hoàng tộc nhà Trần theo thế “tiền tam thai, hậu thất tinh” vẫn được truyền lại trong dân gian đến tận ngày nay.
Lễ kỷ niệm 790 năm ngày nhà Trần phát nghiệp Đế vương được tổ chức từ 9h đến 9h40 ngày 21/1 với nhiều nội dung như: Nghi thức rước (rước bộ) 5 kiệu (kiệu Liệt tổ nhà Trần, Kiệu Linh từ Quốc mẫu Trần Thị Dung, kiệu Thống quốc Thái sư Trần Thủ Độ, kiệu các Vua Trần, kiệu Đức thánh Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn) với sự tham gia cùng 3 đội rồng, lân và 20 đoàn tế; lễ dâng hương, đọc văn tế các Vua Trần; lễ mở cửa đền các đền Vua, đền Thánh, đền Mẫu.
Đầu năm 2015 vừa qua, đền thờ các vua Trần và khu lăng mộ các vua Trần đã được công nhận là “Di tích lịch sử văn hóa đặc biệt của Quốc gia”.
Đức Văn