Kỷ niệm 10 năm ngày mất cố điêu khắc tài hoa Lê Thành Nhơn

(Dân trí) – Ngày 4/11, tại trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu Quán Huế, Sở VH-TT&DL kết hợp với Hội VHNT tỉnh TT-Huế đã tổ chức kỷ niệm 10 năm ngày mất của cố điêu khắc gia Lê Thành Nhơn – người đóng góp cho Huế nhiều tác phẩm nổi tiếng.

Rất nhiều văn nghệ sĩ Huế là bạn nghề, bạn đời và biết đến Lê Thành Nhơn đã đến tham dự và cùng lắng lại trong những giây phút xúc động kể về Lê Thành Nhơn. Dù là một người sinh ra ở Thủ Dầu Một, Bình Dương, thời gian gắn bó tại Huế không nhiều, từ 1970-1975, ông là giáo sư thỉnh giảng ở trường Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật Huế, nhưng đất cố đô đã tạo cho ông nhiều cảm hứng sáng tác và in đậm dấu ấn nghệ thuật của ông.

Lễ kỷ niệm với đông đảo văn nghệ sĩ Huế
Lễ kỷ niệm với đông đảo văn nghệ sĩ Huế

Tại Huế, ông đã cho ra đời những tác phẩm nghệ thuật có giá trị như Tượng Quán Thế Âm (chất liệu đồng, cao 1,6m) được đặt tại Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu Quán, Tượng Phan Bội Châu (đồng, cao 4,5m) đặt ở Công viên phía nam cầu Trường Tiền (trước đây đặt tại nhà cụ Phan Bội Châu, đường Phan Bội Châu, TP Huế, sau được di dời về địa điểm trên do tỉnh TT-Huế quyết định nhằm cho mọi người thấy về tác phẩm nổi tiếng này), và tượng Cô gái Việt Nam (graniti, cao 3m) tại công viên trước trường Hai Bà Trưng (tỉnh TT-Huế sau nhiều năm cũng đã đưa được bức tượng đặc biệt này về Huế làm phong phú thêm kho tàng vườn tượng trong thành phố).
 
Đặc biệt, pho tượng Phan Bội Châu được đánh giá là pho tượng đồng lớn nhất và đẹp và bậc nhất nước ta hiện nay, có giá trị nghệ thuật và giá trị tư tưởng lớn, gắn với lịch sử vẻ vang của dân tộc. Đây cũng là tác phẩm tâm huyết của nhà điêu khắc – họa sĩ Lê Thành Nhơn cùng các thành viên Ủy ban dựng tượng danh nhân Việt Nam do nhóm trí thức yêu nước ở Huế vào những thập niên 70 của thế kỷ XX dành cho vùng đất cố đô.

Tượng cụ Phan Bội Châu
Tượng cụ Phan Bội Châu

Tháng 9/1975, Lê Thành Nhơn sang định cư tại Úc. Nhưng từ sâu thẳm, Huế vẫn là nơi mang dấu ấn tình cảm khắc khoải trong lòng Lê Thành Nhơn như lời tự bạch của ông: “Nhớ quá! Huế quê hương vàng son, nhân tình keo sơn, tình bằng hữu liền như sông núi, mặc dù xa ngàn dặm mà sao gần trong gang tấc”.

Từ năm 1986, ông trở lại với niềm đam mê trong nghề và đã sáng tác nhiều tác phẩm có giá trị như Joy (đồng, cao 2,5m), Louise Carbines (đồng), Madonna (đồng, cao 2,5m), Sitting Buddha (đồng) và nhiều tranh, tượng khác. Tác phẩm của ông vinh dự được chọn trưng bày tại Viện bảo tàng quốc gia Úc và một số bảo tàng trên thế giới.

Ngày 4/11/2002, ông qua đời tại Melbourne (Úc) hưởng thọ 62 tuổi. Trong tâm trí mọi người, ông thật sự là một nghệ sĩ tài hoa của đất nước, một người nặng tình với Huế. Những tác phẩm của ông hiện giờ đã trở thành những địa chỉ văn hóa gần gũi, quen thuộc với người dân Huế nói riêng và du khách trong, ngoài nước nói chung.

Trong khuôn khổ kỷ niệm 10 năm ngày mất của Lê Thành Nhơn, còn có triển lãm tranh chụp về ông và những tác phẩm nghệ thuật của ông tại tầng 1 Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu Quán Huế.

Năm 1961, Lê Thành Nhơn thi đậu vào Khoa Điêu khắc, trường Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật Gia Định (TP HCM). Trong những năm theo học, ông là một trong những sinh viên xuất sắc của trường. Ông đã có những tác phẩm điêu khăc được tuyển chọn tham dự triển lãm Quốc tế lần thứ IV tại Paris và nhiều tác phẩm được đem đi triển lãm tại Melbourne, Sydney (Úc), Dusseldorf, Cologne (Đức)… trong lúc đi học. Năm 1964, ông tốt nghiệp thủ khoa. Năm 1970, ông giảng dạy ở trường Mỹ thuật Sài Gòn – Gia Định, trường Mỹ nghệ thực hành Bình Dương, làm giáo sư thỉnh giảng ở trường Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật Huế.

 
Dưới đây là một số hình ảnh để nhớ về nhà điêu khắc tài hoa Lê Thành Nhơn:

Lê Thành Nhơn

Lê Thành Nhơn
Lê Thành Nhơn thời trẻ khi làm tượng Quan Thế Âm

Lê Thành Nhơn thời trẻ khi làm tượng Quan Thế Âm
Tượng Quan Thế Âm đặt ở giữa Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu Quán Huế

Tượng Quan Thế Âm đặt ở giữa Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu Quán Huế
Lê Thành Nhơn miệt mài bên pho tượng có tính lịch sử và văn hóa cao dành cho Huế

Lê Thành Nhơn miệt mài bên pho tượng có tính lịch sử và văn hóa cao dành cho Huế
Tượng Phật tọa thiền – đặt tại Bảo tàng Quốc gia Úc

Tượng "Phật tọa thiền" – đặt tại Bảo tàng Quốc gia Úc
Tượng Niềm hân hoan – đặt ở ĐH Monarsh Melbourne – Úc

Tượng "Niềm hân hoan" – đặt ở ĐH Monarsh Melbourne – Úc
Đại Dương
 
 
Đại Dương