Kỳ lạ chuyện người Hàn Quốc giảm trầm uất bằng cách... “vào tù”
(Dân trí)- Sau trào lưu tự vẫn từng gây chấn động khắp châu Á, nay, hàng trăm người Hàn Quốc lại đang đua nhau... vào tù để giảm căng thẳng, trầm uất.
“Nhà tù trong tôi” được thành lập dựa trên ý tưởng của anh Kwon Yong-seok (47 tuổi), vốn là một luật sư.
Chính khi đó, anh Kwon quyết định thành lập trung tâm “Nhà tù trong tôi”. Trước đó, anh đã tới gặp một người quản giáo để hỏi liệu anh có thể mượn một phòng giam và ở đó trong vòng một tuần, sinh hoạt giống hệt như một tù nhân được không.
Dù anh Kwon nhấn mạnh đây là một biện pháp trị liệu tâm lý, nhưng người ta từ chối đáp ứng đề nghị kỳ quặc của anh.
Anh Kwon liền quyết định tự xây một “nhà tù” cho mình và những người khác đến trị liệu. Công tác xây dựng hoàn thành vào tháng 6 năm ngoái với mức kinh phí đầu tư vào khoảng 2 tỉ won (tương đương hơn 41,5 tỉ VNĐ).
Ý tưởng về một nhà tù giúp trị liệu tâm lý đến với anh Kwon khi anh nhận thấy có một số học giả, nhà trí thức, chính trị gia nổi tiếng trên thế giới đã có những bước phát triển quan trọng chính trong thời gian ở tù.
Một trường hợp nổi tiếng ở Hàn Quốc là cựu Tổng thống Kim Dae-jung. Ông từng nói: “Tôi ước gì mình có thể trở lại nhà tù”, bởi chính thời gian ở tù là khi ông Kim đọc được nhiều sách nhất. Ông rất quý quãng thời gian đó.
Ông Kim từng là một tù chính trị, bị giam 6 năm và bị quản thúc tại gia 10 năm. Sau này, ông đã đạt được những thành tựu lớn lao trong sự nghiệp chính trị, đáng kể có Giải Nobel Hòa bình năm 2000.
Khi các khách hàng đến với trung tâm “Nhà tù trong tôi”, họ sẽ phải nộp lại điện thoại và mọi vật tùy thân khác, khoác lên người bộ đồng phục có ghi số hiệu như dành cho tù nhân. Sau đó, họ sẽ vào một “phòng giam” có diện tích 5,5 m2. Ở trung tâm có tổng cộng 28 “phòng giam” như thế. Các phòng này đều đảm bảo sự yên tĩnh tuyệt đối.
Các phòng đều không có bất kỳ trang trí nào, bên trong chỉ có một toilet, một bồn tắm và một chiếc bàn nhỏ. Các bữa ăn trong ngày sẽ được “quản giáo” đưa vào phòng thông qua một ô cửa nhỏ. Mục đích của việc “giam cầm” này là để khách hàng có thời gian yên tĩnh đối diện với chính mình.
Hiện tại, anh Kwon và vợ trực tiếp quản lý hoạt động của “nhà tù dân dụng” này. Những người bị căng thẳng thần kinh thường tìm đến đây vào cuối tuần để tạm thời dứt khỏi cuộc sống áp lực.
Khi ở đây, họ chỉ được phép sử dụng điện thoại một lần duy nhất trong ngày. Ban đầu, họ cảm thấy không thể chịu đựng nổi. Sự lo lắng tăng dần cùng với quãng thời gian không được sử dụng điện thoại. Họ sợ đã bỏ lỡ những cuộc gọi, email, thông tin… quan trọng.
Những người tìm tới “Nhà tù trong tôi” đều khẳng định rằng việc trị liệu ở đây đơn giản mà hiệu quả, giúp họ cải thiện được tình trạng căng thẳng, trầm uất trong cuộc sống.
Ở Hàn Quốc, việc trở thành một công dân “kiểu mẫu”, một con người thành đạt là mục tiêu hướng tới của tất cả mọi người. Cuộc cạnh tranh trong thị trường lao động ở Hàn Quốc cũng vì thế mà diễn ra ngày càng khốc liệt, khiến không ít người cảm thấy mệt mỏi, chất lượng cuộc sống bị suy giảm.
Ban đầu, khi mới điều trị tại trung tâm, các khách hàng cảm thấy rất căng thẳng, bởi họ buộc phải tách mình khỏi nhịp sống hối hả thường nhật, vốn đã rất quen thuộc. Sau đó, dần dần họ sẽ nhận thấy tác dụng của việc này, bởi nhờ có những khoảng lặng mà họ sẽ có cơ hội nhìn lại chính mình.
Theo Wall Street Journal