Hà Tĩnh:

Kỳ bí cây bồ đề che chở am cổ hàng trăm năm tuổi

(Dân trí) - Một am cổ hàng trăm năm tuổi tại xã Sơn Hòa, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh gây ngạc nhiên với nhiều người khi trên đỉnh am có một cây bồ đề lớn ngự trị, còn bộ rễ ôm trọn, bám chặt khiến am thêm vững chắc.

Am cổ trên được xây dựng phía sau hậu cung đền Gôi Vị, nơi thờ 4 vị Phúc Thần là “Cha, 2 con và dâu” ở xã Sơn Hòa, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh. Theo nội dung khắc trên các bia đá tại đền Gôi Vị, am cổ này được xây dựng khoảng 300 năm, thờ bà Phan Thị, vợ “Hoàng Giáp Đinh Nho Hoàn”- người đi sứ phương Bắc về lâm bệnh rồi chết.

Tương truyền, sau khi chôn cất phu quân xong, bà Phan Thị đã tuẫn tiết theo chồng. Hành động cao đẹp ấy của bà Phan Thị đến tai triều đình, làm lay động trái tim nhà vua. Ngay tức thì nhà vua cảm động, sai cấp ruộng thờ, ban tặng cho bà Phan thị là “Á Thần Nhân”, đồng thời cho lập bàn thờ, ban cho bản vàng khắc 2 chữ “tiết phụ” để khen ngợi. Người dân địa phương sau đó dựng am để thờ bà.

Tháp-Am có 3 tầng, với chiều cao 3,7m, xây bằng gạch đất nung theo hình chóp. Phía trước tầng một và tầng hai có 2 cửa hình vòm. Chiều rộng bề mặt mỗi bức tường của am là 1.72cm.

Am cổ và cây bồ đề nhìn từ mặt sau của am.
Am cổ và cây bồ đề nhìn từ mặt sau của am.

Trải qua hàng trăm năm, thời tiết khắc nghiệt, chiến tranh tàn phá, nhưng am cổ trên vẫn tồn tại. Một trong những lí do khiến am tồn tại gần như nguyên vẹn đến ngày nay theo cụ Đinh Nho Quỳ, tộc trưởng dòng họ Đinh Nho tại xã Sơn Hòa là nhờ sự che chở của cây bồ đề có niên đại cũng lên đến hàng trăm năm.

Điều đặc biệt đáng nói nhất ở cây bồ đề này là thân cây cao hơn chục mét, có hình dáng mẹ con, tán lá rộng bao trọn am và một phần không gian quanh am. Không những tán rộng, cây bồ sở hữu một bộ rễ to lớn xù xì, bám chắc vào bên ngoài các bức tường gạch của am.

Mặt trước của am cổ bị rễ cây bồ đề phủ kín
Mặt trước của am cổ bị rễ cây bồ đề phủ kín

Nhiều người cho biết, hàng chục năm trước đây, khu vực có am cổ rất rậm rạp, cây cối mọc um tùm che khuất, nên hầu như không ai biết tới am cổ. Tuy nhiên, quá trình mở mang địa giới, đất đai sinh sống ở địa phương, am cổ phát lộ, người dân hương khói, thờ phụng đến ngày nay.

Để giữ gìn và bảo quản Tháp-Am, phục vụ nhu cầu tâm linh mới đây dòng họ Đinh Nho đã tiến hành phát quang, mở rộng khuôn viên, thi công đường bê tông xung quanh am để con cháu, người dân trên địa bàn dễ dàng hương khói, tham quan.

Minh Lý

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm