Huế:
Kim ấn và kim sách thời Nguyễn “hồi cố hương” sau hơn 70 năm
(Dân trí) - 3 cuốn “kim sách” (sách vàng) và 1 chiếc “kim ấn” (ấn vàng) trong hàng trăm kim sách, kim ấn quý giá của triều Nguyễn tại Huế, lần đầu tiên đã quay trở lại cố hương đúng 2 tháng trong dịp Festival Huế 2016 sau hơn 70 năm ở nơi khác.
Sáng nay (23/4) tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã mở cuộc triển lãm “Bảo vật Hoàng cung: Kim ấn và kim sách thời Nguyễn”. 3 cuốn kim sách và 1 kim ấn quý đã được Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam cho Huế mượn để trưng bày, triển lãm.
Gồm 1 kim sách bằng vàng ròng đời Minh Mạng thứ 21 (năm 1840), trọng lượng 4.529 gr, nội dung tấu về việc lên ngôi của Hoàng tử trưởng Trường Khánh Công Nguyễn Phúc Miên Tông (sau này là hoàng đế Thiệu Trị). 1 kim sách bằng bạc mạ vàng nặng 1.340 gr năm Minh Mạng thứ 11 (1830) về việc Hoàng đế Minh Mạng phong tước Trường Khánh Công cho hoàng tử Miên Tông (sau này là Hoàng đế Thiệu Trị). Và 1 kim sách bằng vàng ròng thời Gia Long thứ 5 (1806) nặng 1.371 gr, nội dung Hoàng đế Gia Long truy tôn thụy hiệu Hiếu Văn hoàng đế, miếu hiệu Hi Tông (tức Sãi vương Nguyễn Phúc Nguyên).
Riêng Chiếc kim ấn có tên Ấn Hoàng Đế Tôn Thân Chi Bảo làm bằng vàng ròng trọng lượng 8.989 grvào tháng 10 năm Minh Mạng thứ 8 (1827); ấn dùng để đóng trên các văn bản khuyến giáo dân chúng hoặc sắc bằng khen tặng các nhân vật hiếu hạnh, tiết nghĩa.
Theo TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết, đây là lần đầu tiên sau nhiều năm, các kim ấn và kim sách mới được “hồi cố hương” về lại Huế nơi đã nó sinh ra để người dân và du khách chiêm ngưỡng.
Kim ấn biểu thị cho quyền lực tối cao của hoàng đề và của cả triều đại, gắn liền với những sự kiện trọng đại của đất nước dưới thời Nguyễn. Trong suốt 143 năm tồn tại, triều Nguyễn đã cho chế tác và đưa vào sử dụng hơn 100 ấn bằng vàng và bằng ngọc, chưa kể số ấn tín quý khác dùng trong hoạt động hành chính của triều đình.
Kim sách là một loại thư tịch cổ đặc biệt được làm bằng vàng, ghi lại những sự kiện trọng đại của triều đình, dành cho hoàng đế và hoặc hoàng hậu. Ngoài kim sách, triều Nguyễn còn có các loại sách bằng bạc, bạc mạ vàng, bằng đồng hay bằng lụa dùng để ghi lại các sự kiện quan trọng khách như dâng thụy hiệu cho hoàng đế, hoàng hậu, lập thái tử, tấn tôn các phi tần trong hậu cung, hay phong tước cho các hoàng tử…
Khi triều Nguyễn kết thúc vai trò của mình trong lịch sử, vào năm 1945, hầu hết các kim ấn và kim sách cùng nhiều hiện vật quý của triều đình được di chuyển ra Hà Nội để đảm bảo an toàn tối đa trong hoàn cảnh chiến tranh khốc liệt. Từ đó đến nay đã 71 năm, đây là lần đầu tiên một số ít các bảo vật đó được đem về Huế để triển lãm.
Video chiêm ngưỡng kim ấn, kim sách lần đầu về Huế quê hương:
Kim ấn, kim sách lần đầu trở về quê hương Huế sau hơn 70 năm
Ông Tôn Thất Viễn Bào, Chủ tịch Hội đồng Trị sự Nguyễn Phước tộc (con cháu các vua Nguyễn tại Huế) xúc động tâm sự: “Là dòng dõi hoàng tộc của triều đình xưa nhưng đây là lần đầu tiên tôi được tận mắt thấy ấn quý và sách quý bằng vàng của vua xưa. Hy vọng sẽ có thêm các cuộc triển lãm như thế này để con cháu các vua ở Huế và người dân tại đây chiêm ngưỡng được di sản được xem là quý giá nhất của cha ông”.
Trả lời câu hỏi PV về việc quê hương của kim ấn, kim sách là ở tại Huế, liệu trong thời gian tới có cách nào để một số ít các kim ấn, kim sách này có thể được giữ lại Huế dài lâu hay không? TS. Hải cho hay ”Có rất nhiều cổ vật báu của triều Nguyễn hiện nay đã trở thành sở hữu chung của quốc gia. Tôi cho rằng chúng ta không nên nghĩ đơn giản cổ vật đó là của Huế hay của nơi khác mà quan trọng nhất là: nó thuộc về nhân dân Việt Nam. Nên nó có thể cất giữ ở nơi nào có điều kiện bảo quản và phát huy tốt nhất.
Tuy nhiên đối với cố đô Huế, chúng tôi sẽ tìm mọi cách để lần lượt đưa về và giới thiệu các cổ vật này thông qua các hình thức hợp tác khác nhau. Lần này triển lãm các kim ấn kim sách của chúng tôi sẽ kéo dài 2 tháng. Chúng tôi hy vọng các cuộc triển lãm sau sẽ kéo dài thời gian hơn. Đồng thời đi cùng triển lãm sẽ có những tác phẩm nghiên cứu sâu để giới thiệu với du khách thập phương, người dân về các cổ vật chúng ta có. Tôi cho đó là cách thức phù hợp nhất để đưa giá trị của di sản đến với cộng đồng.
Bởi vì điều quan trọng nhất đối với di sản đó là: không chỉ nó được giữ gìn, bảo quản tốt mà nó còn phải được giới thiệu giá trị của nó đến với cộng đồng. Chúng ta thấy rằng triều Nguyễn còn có Mộc bản, Châu bản – những di sản đã được UNESCO công nhận, hiện nay tuy nó không được ở tại Huế, nhưng nói đến nó thì người ta nghĩ nó là di sản của Huế, điều đó mới là quan trọng”.
Video:
TS.Phan Thanh Hải nói về kim sách, kim ấn triều Nguyễn
Một số hình ảnh về kim sách, kim ấn trong triển lãm tại Huế:
Th.s. Huỳnh Thị Anh Vân, Giám đốc Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế cho biết hiện các cổ vật bằng chất liệu vàng còn lại ở Huế rất ít. Phần lớn các bảo vật này đang đươc lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quốc Gia. Còn lại ở Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế chỉ có một số ấn triện bằng ngà, một số sách bằng đồng, sách bằng lụa. Riêng kim ấn, kim sách triều Nguyễn thì không có một cái nào đang được lưu giữ tại các bảo tàng ở Huế.
Hiện tại, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia còn lưu giữ 25 chiếc ấn bằng vàng, 7 chiếc ấn bạc mạ vàng và 12 chiếc ấn bạc của các bậc Hoàng đế thời Nguyễn. Bên cạnh đó còn có 8 chiếc ấn vàng, 16 chiếc ấn bạc mạ vàng và 3 chiếc ấn bạc của các bậc vương hậu. Về kim sách, Bảo tàng này đang lưu giữ 94 cuốn kim sách triều Nguyễn.
Triển lãm 3 kim sách và 1 kim ấn tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế, số 3 đường Lê Trực, TP Huế sẽ kéo dài đến hết ngày 23/6. Dự kiến sẽ có 1 cuộc trưng bày “Bảo vật Hoàng cung” phong phú hơn về số lượng vào tháng 9 sắp tới tại Huế.
Đại Dương