Kiến nghị hạn chế kinh doanh vàng mã không hợp thuần phong mỹ tục

(Dân trí) - Cục Văn hóa cơ sở - Bộ VHTT&DL vừa có Công văn số 46 gửi Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về hạn chế đốt vàng mã và kinh doanh các loại vàng mã không hợp thuần phong mỹ tục.

Thời gian vừa qua, trên thị trường xuất hiện nhiều loại đồ mã không phù hợp với thuần phong mỹ tục. Năm 2018, Giáo Hội Phật giáo Việt Nam cũng có văn bản khuyến cáo không đốt vàng mã ở các cơ sở thờ tự. Đó cũng là nội dung được Bộ VHTT&DL lưu ý trong công văn gửi các địa phương để chuẩn bị cho mùa lễ hội 2019.

Trong văn bản do Cục trưởng Cục Văn hoá cơ sở Ninh Thị Thu Hương ký ngày 24/1, lãnh đạo Cục đề nghị các địa phương đề xuất các giải pháp nhằm hạn chế đốt đồ mã, vàng mã.

Riêng với kinh doanh đồ mã, Cục đề nghị địa phương kiến nghị với Cục Quản lý thị trường cấp tỉnh kiểm soát, khuyến nghị các cơ sở kinh doanh đồ mã hạn chế kinh doanh những mặt hàng đồ mã không phù hợp với thuần phong mỹ tục như: quần áo tắm, áo lót, quần lót…

Kiến nghị hạn chế kinh doanh vàng mã không hợp thuần phong mỹ tục - 1

Cục Văn hoá Cơ sở kiến nghị hạn chế đốt vàng mã và vàng mã không hợp thuần phong mỹ tục.

Vì vậy Cục đề nghị cần hạn chế đốt các mặt hàng đồ mã nêu trên tại các cơ sở thờ tự, di tích, lễ hội, trong sinh hoạt tín ngưỡng tâm linh của nhân dân.

Đối với các tỉnh/thành có làng nghề sản xuất đồ mã tuyên truyền, địa phương nên vận động nhân dân chuyển đổi sản xuất mặt hàng đồ mã không phù hợp với thuần phong mỹ tục, văn hóa dân tộc.

Ngoài ra, để hoạt động lễ hội năm 2019 được diễn ra an toàn, lành mạnh, thiết thực, hiệu quả Cục Văn hóa cơ sở đề nghị các Sở tham mưu UBND tỉnh, thành thực hiện các văn bản chỉ đạo liên quan tổ chức và quản lý lễ hội.

Các địa phương cũng cần rà soát, thống kê, phân loại lễ hội: Lễ hội truyền thống, Lễ hội văn hóa, Lễ hội ngành nghề và Lễ hội có nguồn gốc từ nước ngoài. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong hoạt động lễ hội.

Bên cạnh đó, hướng dẫn nghiệp vụ, rà soát, tổng hợp, phối hợp với chính quyền địa phương về trình tự đăng ký, thông báo tổ chức lễ hội theo thẩm quyền, đảm bảo đúng quy trình tại Nghị định số 110/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 của Chính phủ. Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong hoạt động lễ hội.

Trong báo cáo hội nghị tổng kết công tác lễ hội năm 2018 vừa qua,  có thể thấy công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2018 trong cả nước đã có nhiều chuyển biến tích cực, từng bước đi vào nề nếp. Phần lớn các lễ hội đều được diễn ra trang trọng, an toàn, tiết kiệm, hiệu quả với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao và các trò chơi dân gian đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần của nhân dân, góp phần giáo dục truyền thống tốt đẹp của lễ hội;

Tôn vinh công lao của các bậc tiền nhân, nhân vật lịch sử, những người có nhiều đóng góp trong quá trình hình thành, phát triển đất nước và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam.

Tuy nhiên, việc quản lý và tổ chức lễ hội vẫn còn xảy ra những hiện tượng phản cảm, tranh cướp, chen lấn, xô đẩy, giành lộc; đốt đồ mã, vàng mã nhiều tại một số di tích, đền, phủ, gây ô nhiễm môi trường, lãng phí, nguy cơ hỏa hoạn; khai ấn, phát ấn không đúng với nguồn gốc lịch sử, hồ sơ của di tích.

Hà Tùng Long