Kiếm bộn tiền nhờ nghề... nhắc nhở người khác không lười
(Dân trí) - Đảm nhiệm vai trò "giám sát viên trực tuyến", Xiao Zhu mỗi ngày đều nhắn tin, gọi điện nhắc nhở khách hoàn thành công việc. Tùy hạng mục và thời gian mà anh có thể thu về gần một triệu đồng mỗi lần.
Chỉ với một chiếc smartphone, Xiao Zhu (đến từ Trung Quốc) có thể kiếm bội tiền nhờ nghề… nhắc nhở người khác không lười. Anh hiện là một "giám sát viên trực tuyến" chuyên giúp mọi người vượt qua thói quen lười biếng, trì hoãn.
Xiao Zhu dành khoảng 15 giờ mỗi ngày để nhắn tin và gọi điện cho khách hàng. Zhu nhắc nhở về những kế hoạch họ đã lên trong ngày, khuyến khích họ hoàn thành công việc, hay đơn giản là tập luyện chăm chỉ. Anh đều cố gắng, thậm chí giục liên tục để khách thực hiện.
Zhu cho biết, nhóm đối tượng khách hàng mà anh hướng đến có độ tuổi từ 18 đến 30, sống thu mình, thiếu tự giác, cần sự tác động từ bên ngoài để thôi lười biếng. Ngoài ra, đây là độ tuổi chẳng mấy ai còn được bố mẹ nhắc nhở và cũng tự chủ về tài chính để chi trả chi phí dịch vụ.
Bên cạnh đó, có cả những khách hàng tìm đến Zhu với mong muốn có người nhắc nhở họ thức dậy đúng giờ để tập thể dục buổi sáng. Một số khách còn đề nghị chàng trai này giám sát mình để giảm cân, trông con học, kiểm tra chứng chỉ trình độ của giáo viên, kiểm tra đầu vào sau đại học, học thuộc lòng…
Dịch vụ của Zhu còn thu hút cả các phụ huynh đi làm ăn xa muốn có người giám sát các con đang ở tuổi dậy thì để chúng chăm chỉ học tập.
Gắn bó với công việc được hơn 6 năm, Zhu ước tính đã làm việc với hơn 20.000 khách hàng, giúp họ chiến đấu lại chứng lười nhác, lười vận động.
Chỉ với 1 chiếc điện thoại thông minh, Zhu có thể kết nối với nhiều khách hàng ở khắp nơi và nhắc nhở họ hoàn thành các kế hoạch.
Zhu có cửa hàng dịch vụ trực tuyến trên sàn thương mại điện tử từ năm 12 tuổi. Hiện nay, cửa hàng của anh có 8.000 người theo dõi, trong đó 99,8% khách hàng đánh giá dịch vụ tích cực. Tùy vào hạng mục và thời gian giám sát mà giá dịch vụ dao động từ 6-270 tệ (khoảng 20.000 - 975.000 đồng).
Zhu chia sẻ, công việc của mình khá thú vị vì làm "theo mùa". Thời điểm anh có nhiều khách nhất là lúc tuyển sinh đại học. "Mùa thi tuyển sinh đại học và sau đại học khiến tôi rất bận rộn, thời gian còn lại khá nhàn rỗi. Công việc giúp tôi có thu nhập đủ chi tiêu", anh nói.
Zhu từng giám sát một cô gái ở Thượng Hải bị trầm cảm nặng, phải nghỉ học khi đang là sinh viên năm 2 đại học. Khách hàng này có ý định hủy hoại bản thân. Công việc của Zhu là giám sát cô hàng ngày, nhắc cô uống thuốc và sinh hoạt đúng giờ. Sau nhiều năm, bệnh tình được cải thiện và cô gái có thể quay lại trường học. Zhu và cô gái vẫn giữ liên lạc sau đó. Anh thường chia sẻ một số kinh nghiệm và bài học cuộc sống cũng như đưa ra lời khuyên cho cô.
Dù bận rộn và được khách hàng tin tưởng nhưng Zhu cho hay, công việc của một giám sát viên thực sự rất nhàm chán, thường thức dậy sớm và đi ngủ lúc 3 hoặc 4 giờ sáng. Anh phải dán mắt vào điện thoại cả ngày.
Anh cũng cho biết công việc này ảnh hưởng khá nhiều đến cuộc sống hàng ngày của mình, nhất là chuyện tình cảm. Anh thường xuyên phải cắm cúi vào chiếc điện thoại và đồng hồ để gọi điện, nhắn tin với khách nên đến nay vẫn chưa có bạn gái. Tuy vậy, anh yêu thích công việc này và dự định vẫn tiếp tục làm việc khi còn có thể.