Kịch tính chiến kê "tung chưởng" tại hội chọi gà dân gian ở Bình Định
(Dân trí) - Hội chọi gà dân gian, lần đầu tiên tổ chức tại Bình Định, thu hút đông đảo người đam mê gà chọi đòn và người dân cùng du khách đến xem.
Ngày 21/8, tại TP Quy Nhơn (Bình Định), Ban tổ chức Triển lãm và Hội thi Sinh vật cảnh khu vực miền Trung - Tây Nguyên phối hợp với các đơn vị, địa phương tổ chức khai mạc Hội chọi gà dân gian - Bình Định 2023 lần thứ nhất.
Hội chọi gà diễn ra từ 21/8 đến 25/8, với nhiều nội dung: thi cắt lông gà tơ để chuẩn bị cho quá trình huấn luyện; thi giằng mỏ trên, cắt tai, may tai tích cho gà tơ chuẩn bị cho quá trình huấn luyện; đặc biệt là thi chọi gà truyền thống thu hút đông đảo người dân, du khách đến xem.
Mang một chiến kê ô tham dự hội thi, ông Trần Xuân Sơn (51 tuổi, ở thị xã An Nhơn, Bình Định) cho biết để nuôi được một con gà ra trường đấu rất kỳ công, "chăm sóc gà kỹ còn hơn chăm vợ". Ngày nào cũng phải xoa bóp cho chắc da thịt, cho gà tập thể dục, ăn cỏ… Nếu bỏ tập 2-3 ngày thì gà sẽ xuống cơ liền.
"Giống như võ sĩ chuẩn bị đấu võ đài vậy, để chuẩn bị thi đấu, gà phải được chăm sóc kỹ từ ăn uống đến giấc ngủ, không để gà bị muỗi cắn", ông Sơn chia sẻ.
Theo ông Sơn, hội chọi gà lần này là sân chơi bổ ích để ông và người nuôi gà chọi đòn trên địa bàn tỉnh có dịp giao lưu, học hỏi các nghệ nhân nuôi gà từ nhiều tỉnh thành khác. Qua đó, góp phần gìn giữ và phát triển hơn loại hình giải trí mang đậm nét văn hóa truyền thống ở nông thôn Bình Định.
Ông Phạm Thanh Việt, đơn vị tổ chức Hội chọi gà cho hay, hội này lần này góp phần phục dựng, gìn giữ và phát triển trò chơi chọi gà dân gian đặc trưng của Việt Nam, tạo một sân chơi lành mạnh cho người dân nuôi gà nòi đòn.
Quan trọng là phục dựng bài bản hội chọi gà dân gian và nghệ thuật nuôi gà chọi ở Bình Định, làm cơ sở để lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể, đề nghị Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Tiếp đó, đề nghị UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Ông Nguyễn Văn Thiện - Phó Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh Việt Nam - khẳng định nghệ thuật chọi gà và nuôi gà chọi không chỉ tồn tại và thăng hoa trong phạm vi tỉnh Bình Định mà đã lan tỏa ra trong, ngoài nước.
Theo ông Thiện, song hành cùng thời gian, nghệ thuật chọi gà không ngừng được kế thừa, phát huy tác phong nhanh nhẹn, sáng tạo trong mỗi người dân Bình Định nói riêng và của các địa phương từng tồn tại, lưu truyền nghệ thuật chọi gà và nuôi gà chọi nói chung.
Đặc biệt là thời Tây Sơn, Đông định vương Nguyễn Lữ đã sáng lập thế võ "hùng kê quyền" từ nghệ thuật chọi gà và bài quyền này đã trở thành một trong các bài võ nổi tiếng của võ cổ truyền Bình Định.