Kịch thiếu nhi: Vì sao tiếng cười đứt đoạn và thời vụ?

(Dân trí) - Cứ “đến hẹn lại lên”, dịp nghỉ hè và ngày Quốc tế Thiếu nhi, các nhà hát, sân khấu tại Hà Nội lại đồng loạt cho ra mắt các chương trình phục vụ thiếu nhi. Tuy nhiên, khán giả nhí vẫn bị “đói” tiếng cười bởi các vở diễn luôn chạy theo thời vụ.

Kịch thiếu nhi "no dồn, đói góp"

Một tin khá vui cho khán giả nhí Hà Nội đó là dịp hè năm nay, số lượng các vở diễn gấp đôi năm ngoái. Tuy nhiên, đây cũng là thực trạng đáng buồn về tình trạng "no dồn, đói góp" của sân khấu kịch thiếu nhi.

Kịch thiếu nhi: Vì sao tiếng cười đứt đoạn và thời vụ? - 1

Hình ảnh trong vở "Dũng sĩ Sờn Zách".

Mở màn cho “bữa tiệc sân khấu” dịp hè năm nay là vở diễn “Dũng sĩ Sờn Zách” của Nhà hát Kịch Việt Nam.

Vở diễn kể về một dũng sĩ chằn tinh tên Sờn Zách đang sống yên bình tại đầm lầy của mình. Bỗng nhiên, khu đầm trở thành nơi giam giữ các nhân vật cổ tích. Lãnh chúa Quá Quắt đang khao khát trở thành vua, muốn thành vua lão ta phải cưới được công chúa Na Na. Tiếng cười được tạo ra từ những tình huống và những nhân vật quen thuộc gắn liền với thiếu nhi.

CLB Sân khấu Lệ Ngọc năm nay cũng mang đến cho thiếu nhi vở kịch “Tấm Cám”. Vở diễn dựa trên kịch bản chuyển thể của nhà văn Nguyễn Hiếu từ chuyện cổ tích cùng tên nhưng lại được đạo diễn người Singapore làm mới theo một cách khác đó là mang yếu tố đương đại vào.

Những chi tiết rùng rợn trong truyện cổ tích được lược bỏ và thay bằng màn khuấy động của các diễn viên nhí. Nhân vật Bụt cũng được thay bằng hình ảnh người mẹ của Tấm để thông điệp nhân văn về tình mẫu tử đến gần hơn với khán giả. Ngoài ra, trong quá trình diễn, các nghệ sĩ cũng tương tác nhiều hơn với khán giả để khán giả là một phần của vở diễn.

Cũng dựa trên kịch bản từ các câu chuyện cổ tích, Nhà hát Tuổi trẻ năm nay lại cho ra mắt nhiều chương trình dành cho thiếu nhi như: “Sơn Tinh -Thủy Tinh”, “Con chim xanh”, “Giấc mơ của nàng tiên cá”.

Trong đó, vở “Sơn Tinh-Thủy Tinh” được dàn dựng trên câu chuyện quen thuộc nhưng đã được sân khấu hóa với một không gian nghệ thuật rực rỡ sắc màu và âm nhạc sôi động. Nhiều tình tiết trong cốt truyện gốc được làm mới để câu chuyện trở nên hấp dẫn và kích thích trí tưởng tượng của trẻ nhỏ.

Nhà hát Múa rối Thăng Long cũng “làm mới” phong cách quen thuộc bằng việc ra mắt chương trình nghệ thuật tổng hợp dàn dựng với phong cách hiện đại dành cho các em nhỏ với chủ đề “Các con là tất cả”. Chương trình được kết hợp giữa các tiết mục múa rối nước, múa rối cạn cùng với hề xiếc và các điệu nhảy “hot” nhất hiện nay.

Nhân dịp này, Ráp Xiếc Trung ương cũng ra mắt chương trình xiếc “Cuộc phiêu lưu của chú Tễu”. Đây là lần đầu tiên đơn vị này huy động tới 60 nghệ sĩ trẻ đã đạt nhiều giải thương cao tại các kỳ liên hoan xiếc quốc tế tại: Monaco, Tây Ban Nha, Nga, Pháp, Italia... tham gia vở diễn.

Chương trình kể về chuyến chu du của một chú Tễu thông minh, học giỏi và đam mê bộ môn khoa học. Chú Tễu ước mơ lớn lên sẽ trở thành một chàng trai dũng mãnh bay vào vũ trụ để nghiên cứu về vũ trụ quan. Vì có lòng say mê khoa học, nên trong những giấc ngủ, chú thường mơ thấy mình bay vào không gian bao la, khám phá những hành tinh pha lê huyền ảo.

Kịch dành cho thiếu nhi vẫn chưa được xem trọng

NSƯT Đức Hùng - Trưởng Đoàn diễn viên I Nhà hát Múa rối Thăng Long cho rằng, dù sân khấu đang phải đối diện với nhiều khó khăn trước sự bùng nổ của nhiều phương tiện giải trí nhưng khán giả nhí vẫn là đối tượng tiềm năng nhất.

Kịch thiếu nhi: Vì sao tiếng cười đứt đoạn và thời vụ? - 2

NSND Lệ Ngọc trong vai mẹ Cám - vở Tấm Cám.

Chính đối tượng này giúp các sân khấu được sáng đèn thường xuyên. Chỉ tiếc rằng, các nhà hát và sân khấu vẫn chưa thực sự chú trọng đến họ. Các vở diễn vẫn chỉ được tung ra theo mùa vụ và không có tính liền mạch. Tiếng cười dành cho thiếu nhi do đó mà nhiều khi mang tính “no dồn đói góp”.

NSND Lệ Ngọc – Chủ nhiệm CLB Sân khấu Lệ Ngọc bày tỏ rằng, vở “Tấm Cám” dù mới ra mắt nhưng vé của các suất diễn đã hết sạch. Nhiều đơn vị đã liên hệ đăng ký trọn suất cho con em của cán bộ công nhân viên và học sinh của trường.

Lịch diễn của vở này kín đặc từ giữa tháng 5 cho đến qua dịp 1/6. Thậm chí, có ngày, ê-kíp phải diễn tới 3 suất theo đơn đặt hàng của đối tác. Điều đó chứng tỏ, sức hút của những vở kịch dành cho thiếu nhi luôn mãnh liệt. Trẻ em vẫn đang “khát” tiếng cười hồn nhiên của sân khấu và yêu tiếng cười của sân khấu.

“Trước nay chúng tôi chú trọng dựng các vở dành cho người lớn vì thế mà bở qua đối tượng thiếu nhi. Tuy nhiên, những gì đã diễn ra khi “Tấm Cám” ra mắt là không thể tưởng tượng nổi. Tôi cảm thấy dường như các khán giả nhí mới là đối tượng thực sự của sân khấu.

Các em đến xem kịch rất say mê và hứng thú. Các em tương tác với các nghệ sĩ một cách đầy hồn nhiên khiến cho vở diễn “sống” đúng nghĩa. Đây cũng là điều khiến chúng tôi phải suy nghĩ về một sự dịch chuyển và điều chỉnh phương thức hoạt động của CLB Sân khấu Lệ Ngọc trong tương lai”, NSND Lệ Ngọc chia sẻ.

Ông Nguyễn Thế Vinh - nguyên Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam cho rằng: “Các chương trình nghệ thuật dành cho thiếu nhi ở nước ta hiện nay đang chạy theo nhu cầu thị hiếu của khán giả “nhí” nhằm mục đích thương mại. Cái được là cứ đến dịp lễ, các nhà hát lại đua nhau làm chương trình biểu diễn cho thiếu nhi.

Tuy nhiên, cái chưa được đang thiếu sự định hướng và đầu tư một cách nghiêm túc từ phía nhà nước, đặc biệt là đối với các đơn vị nghệ thuật trung ương nên nhiều chương trình chất lượng nghệ thuật chưa cao, nội dung nghèo nàn, đôi khi nhảm nhí, phản cảm làm ảnh hưởng đến thẩm mỹ và nhận thức của trẻ nhỏ...

Ở Việt Nam hiện nay hầu hết các địa phương, kể cả thủ đô Hà Nội và TP.HCM đều không có một nhà hát chuyên biệt dành riêng cho trẻ em trong khi hầu hết các nước phát triển họ rất quan tâm đến sân khấu dành cho trẻ em, có rất nhiều đoàn nghệ thuật và sân khấu dành riêng cho thiếu nhi”. 

Bên cạnh tình trạng đang loay hoay tìm sự hoàn thiện thì vẫn còn có một nghịch lý là kịch bản. Mảng đề tài kịch bản dành cho thiếu nhi vẫn đang trong tình trạng “yếu và thiếu”.

Bản thân các cuộc thi sáng tác kịch bản dành cho thiếu nhi hoặc trại sáng tác do Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam tổ chức hàng năm cũng rất ít các vở kịch viết về thiếu nhi. Việc chú trọng đào tạo mảng sáng tác kịch bản sân khấu trong các trường đại học cũng không được đẩy mạnh. Bởi lẽ đó, kịch cho thiếu nhi vẫn là sự đứt đoạn và thời vụ.

Hà Tùng Long