Kịch thiếu nhi cũng "ăn xổi ở thì"
Năm nào cũng thế, cứ vào dịp 1-6, các chương trình nghệ thuật dành cho thiếu nhi lại có dịp nở rộ. Tuy nhiên, số lượng ít khi đi cùng chất lượng. Không khó lý giải vì sao năm nay lượng khán giả đến với các chương trình đã có sự sụt giảm mạnh.
Chiêu trò mị người xem
Mọi năm, vào mùa này, các chương trình dành cho thiếu nhi đều đã “cháy vé”, nhưng năm nay nhiều “bầu sô” xem chừng nhàn hạ vì khán giả đến với các suất diễn bỗng dưng thưa vắng.
Lý do là, việc dựng vở và các chương trình dành cho thiếu nhi đã trở thành phong trào đối với hầu hết các đơn vị nghệ thuật, từ truyền thống cho đến các loại hình dễ tiếp cận hơn như kịch nói, ca múa nhạc. Phần nữa là, sân chơi dành cho các em vào dịp hè đang mở rộng về phía các chương trình có tính cộng đồng, giúp các em làm việc nhóm và trực tiếp tham gia trải nghiệm các kỹ năng.
Vì thế, các bậc phụ huynh, các thầy cô giáo cũng có nhiều sự lựa chọn cho các con. Do không dự đoán chính xác nhu cầu nên nhiều chương trình nghệ thuật đã buộc phải cắt giảm các suất diễn. Gần đây nhất, công ty Đông Đô Show đã giảm 13 suất của chương trình “Cô Tấm và cuộc phiêu lưu diệu kỳ” xuống còn 8 suất.
Nhưng đó không phải nguyên nhân chính khiến khách xem các chương trình này sụt giảm. Chất lượng các vở diễn hoàn toàn trái với quảng cáo mới là điều đáng nói. Kịch bản nhiều khi viết vội vàng, dùng các chiêu trò để câu khách là chủ yếu và tính giáo dục thì gần như không có. Tên các chương trình bao giờ cũng gắn với một nhân vật hoạt hình hoặc một nhân vật cổ tích nổi tiếng để thu hút sự chú ý.
Có chung một công thức như vậy nên hình thức biểu diễn các chương trình dành cho thiếu nhi cũng tương đối giống nhau. Đó là việc giới thiệu các nhân vật hoạt hình hoặc các nhân vật cổ tích trên nền các bản nhạc quen tai, không có tính kịch, không có mạch đi xuyên suốt đã làm khán giả nhỏ tuổi chưng hửng, khó tìm thấy thông điệp của chương trình.
Trong toàn bộ thời gian diễn ra chương trình “Cổ tích mùa hè” của Nhà hát Múa rối Việt Nam, các khán giả nhỏ tuổi không thể hiểu nổi ý đồ của đạo diễn. Các nhân vật của từng câu chuyện cổ tích được lấy ra và gán ghép một cách khiên cưỡng. Nhiều lúc người xem trở nên mất phương hướng khi đón nhận tác phẩm.
“Ăn xổi ở thì”
Việc dàn dựng các tác phẩm dành cho thiếu nhi lâu nay luôn được làm theo lối “ăn xổi ở thì”, chộp giật và manh mún. Nghệ sỹ Tống Toàn Thắng, Liên đoàn Xiếc Việt Nam đã phải thốt lên rằng: “chưa có chương trình nào lại dàn dựng dễ dàng như các chương trình dành cho thiếu nhi vào dịp 1-6 và Trung thu. Đáng lý, các chương trình này cần được dàn dựng dài hơi, có định hướng giáo dục rõ ràng thì phần lớn, các tác phẩm đều được làm trong khoảng thời gian ngắn nhất và tuổi thọ cũng thấp nhất”.
Điểm lại các chương trình dành cho thiếu nhi đã ra mắt trong vài năm trở lại đây, có thể thấy, mỗi năm, các nhà hát lại tung ra một chương trình mới, diễn được vài ba suất rồi bỏ bẵng. Cứ như vậy, sân khấu thiếu nhi lâu nay luôn “ăn mày” các câu chuyện cổ tích, siêu nhân, nhân vật hoạt hình.
Các nhà hát có vô vàn lý do để giải thích cho cách làm chộp giật của mình như các em nhỏ quá bận rộn với lịch học tập, chỉ có dịp 1/6 hay Trung thu mới có cơ hội đến nhà hát. Tuy nhiên, rạp xiếc Trung ương đỏ đèn hàng tuần đã chứng tỏ, nhu cầu thưởng thức các chương trình nghệ thuật của thiếu nhi không theo định kỳ là có thật. Vấn đề chỉ còn nằm ở các đơn vị nghệ thuật có quan tâm và thực sự có tư duy “dài hơi” hay không.
Theo Phạm Thị Hương
An Ninh Thủ Đô