Kịch Sài Gòn trong làn sóng "ma/kinh dị hóa"

Nhìn vào việc sáng đèn và bán vé có thể thấy kịch ma/kinh dị đang bẻ lái xu thế dựng kịch tại TPHCM, và có thể lan đến Hà Nội (như lời của NSƯT Chí Trung).

Có thêm kịch ma/kinh dị là có thêm một chọn lựa cho khán giả, mà suốt gần 15 năm qua, thể loại này cũng không để lại hệ quả xấu nào cho người xem theo kiểu vụ án. Thế nhưng cả nền kịch nghệ sẽ ra sao với chỉ một đề tài áp đảo? Người trong giới kịch TP.HCM nói gì về điều này...

NSƯT Mỹ Uyên (Kịch 5B): Ai hấp dẫn được khán giả thì cứ làm

Nhiều năm nay sân khấu kịch TP.HCM cho ra đời nhiều thể loại gần như giải trí là chính, từ kịch “ma hóa” cho tới kịch “giới tính”… Theo tôi nghĩ, Kịch 5B không lý do gì đứng ngoài xu hướng này, nhưng có lẽ Kịch 5B chọn và dàn dựng thể loại này không theo định hướng chung của các sân khấu khác. Trước đây Kịch 5B cũng đã thể nghiệm với ma, nhưng chỉ là vài nhân vật xuất hiện theo kiểu đường dây câu chuyện, theo hướng tâm linh chứ chưa phải là kinh dị hù dọa. Với khán giả riêng của Kịch 5B, như thế đã đủ ép phê với họ.

Kịch Sài Gòn trong làn sóng ma/kinh dị hóa



Chúng tôi luôn chọn lọc dàn dựng cho phù hợp nhu cầu đó của khán giả. Như kịch bản Nơi tình yêu bắt đầu là hai cặp yêu nhau, khi họ gặp tai nạn chết đi thì linh hồn họ tìm nhau, nói với nhau những lời lãng mạn, họ hối tiếc vì khi sống không làm cho nhau đuợc gì. Hay như vở Phía sau tội ác thì chỉ đưa nhân vật ma ra để kẻ gây tội ác phải hối cải, nhận tội, chứ không dùng như thủ pháp hù dọa. Với câu hỏi: Kịch 5B (Hội Sân khấu TP.HCM) có được dựng thể loại ma hay không? Chính xác là chúng tôi không muốn vì chúng tôi thấy không phù hợp với sân khấu nhỏ này và quan trọng, sợ khán giả ruột khó đón nhận mà thôi.

Nếu nói về các sân khấu kịch TP.HCM hiện nay thì tôi cho rằng mọi nhà tổ chức, gọi là “bầu” xã hội hóa hoặc tư nhân hóa, đều hết sức gồng mình cho sân khấu sáng đèn, để tác phẩm được sống lâu, để nghệ sĩ được thỏa sức với nghề. Cái khó của sân khấu hiện nay là phải cạnh trạnh với các thể loại khác. Nên tôi thấy sự chọn lựa và thay đổi phong cách của mỗi sân khấu để có khán giả là bình thường. Quan điểm của tôi là ai hấp dẫn, giữ được khán giả cho riêng mình thì cứ làm, cũng như tôi thường nói mỗi khi họp Ban giám đốc, rằng chúng ta phải nghe và nhìn xung quanh để cải tiến.

Danh hài Minh Béo (Kịch Sao Minh Béo): Kịch bản đang cạn kiệt

Hiện nay khâu kịch bản đang dần cạn kiệt về đề tài mới nên kịch ma/kinh dị cũng là một giải pháp hòng cứu phần yếu, thiếu và hỏng của khâu này. Nói thẳng thắn thì cách dàn dựng kịch ma/kinh dị hiện nay thiếu yếu tố mới mẻ, thường là chắp vá hay copy lẫn nhau, chính vì vậy nó đang tạo nên một lượng khán giả dễ dãi, chủ yếu là giải trí. Thực tế là vậy, nhưng chúng ta không thể phủ nhận sự tò mò hấp dẫn của khán giả và tính giải trí cao của loại hình này, cũng như những đóng góp của nó cho sân khấu thành phố trong những năm qua.

Nhà sản xuất Huỳnh Anh Tuấn (Kịch IDECAF): IDECAF tiên phong nhưng không “mặn” kịch ma



Nhà sản xuất Huỳnh Anh Tuấn (Kịch IDECAF): IDECAF tiên phong nhưng không “mặn” kịch ma

Giải trí là chức năng cao nhất của nghệ thuật, và là sự sống còn của các sân khấu xã hội hóa, vì nó quyết định đến việc bán vé. Tuy nhiên, nếu sân khấu bị áp đảo bởi bất kỳ thể loại nào thì đó sẽ là thiệt thòi cho chính nó, và làm thu hẹp cái nhìn của khán giả. Kịch IDECAF vốn tiên phong với các vở có yếu tố ma, cũng không hề có ý chối từ nó về sau này, nhưng với hiện trạng như đang có tại TP.HCM thì đáng báo động thật, dễ khiến mọi người chết chùm. Điều này cũng tương tự như Đời cười của Nhà hát Tuổi trẻ, dù là thương hiệu, nhưng làm hoài thì khán giả đâm ngán, nên buộc phải dừng lại. Tuy nhiên cái ngán đối với xã hội hóa khác hẳn, vì họ không được Nhà nước chi tiền tỷ để đầu tư, trả lương như Nhà hát Tuổi trẻ.

Nhà sản xuất Huỳnh Anh Tuấn (Kịch IDECAF): IDECAF tiên phong nhưng không “mặn” kịch ma



Kịch IDECAF muốn hòa vốn thì mỗi suất diễn bình thường phải bán được ít nhất 180 vé, 200 vé thì an toàn, nhưng không phải suất nào cũng được như vậy. Công thức tính của chúng tôi khá cụ thể, với bi kịch thì chỉ cần 15-20 suất là ngưng, còn hài kịch thì sống lâu hơn, có thể đến 5-6 năm. Đặc biệt những vở có NSƯT Thành Lộc, như 12 bà mụ (đã sống 12 năm), Bí mật vườn Lệ Chi (15 năm)…; rồi NSƯT Hữu Châu, Đại Nghĩa, Lê Khánh, Đình Toàn… nữa, có họ vở diễn sẽ sống lâu. Nhìn như vậy và nhìn vào “gu” của chính mình hiện nay, chúng tôi thấy không phù hợp với nhiều vở ma/kinh dị.

Đạo diễn Ngọc Hùng (Kịch Thế giới trẻ): Tại sao phải lo lắng?

Trong khi ma/kinh dị đã được điện ảnh khai thác từ lâu và đến giờ vẫn được khán giả yêu thích, vậy thì tại sao chúng ta lại quá lo lắng về việc sân khấu kịch có xu hướng “ma hóa”. Tại sao điện ảnh thì được mà sân khấu thì không? Vấn đề là các sân khấu có tìm được hướng đi cho đề tài này không, vì sân khấu bị bó hẹp không gian nên những chiêu thức hù ma sẽ bị mòn, trước sau cũng bị khán giả nhàm chán, nếu không nghĩ ra được cách xử lý mới.

Nhà sản xuất Huỳnh Anh Tuấn (Kịch IDECAF): IDECAF tiên phong nhưng không “mặn” kịch ma



Phải thừa nhận là Kịch Thế giới trẻ đã đi qua khó khăn nhờ những vở kịch ma, nhưng so với các sân khấu đang dựng kịch ma thì chúng tôi có số lượng ít nhất, mỗi năm 2 vở là nhiều. Lịch diễn dành cho vở ma và hài kịch là 50/50. Bởi vì khán giả rất phong phú, không phải ai cũng thích xem kịch ma. Thậm chí hiện nay vở hài kịch Chuyện tình Bangkok xuất hiện trên lịch diễn còn dày hơn các vở kịch ma. Điều đó chứng tỏ nếu biết cách khai thác đề tài sao cho hấp dẫn thì cũng không cần đến ma/kinh dị đâu.

Đạo diễn Ái Như (Kịch Hoàng Thái Thanh): Mỗi sân khấu có một lựa chọn

Mỗi sân khấu có mỗi tiêu chí riêng, như quán ăn vậy, cả khu phố chỉ bán một món thì nguy. Nhìn một cách thật thà thì chúng tôi vốn không có thế mạnh với kịch ma/kinh dị nên không muốn làm và không dám làm. Các chọn lựa của các sân khấu bạn, chúng tôi không thể bàn luận nên hay không nên.

Nhà sản xuất Huỳnh Anh Tuấn (Kịch IDECAF): IDECAF tiên phong nhưng không “mặn” kịch ma



Chúng tôi không lấy kịch để làm mục đích hay phương tiện. Hơn nữa, chúng tôi vẫn luôn canh cánh câu hỏi: Mình đến với sân khấu để làm gì? Trả lời câu hỏi này, chúng tôi thấy cần phải cố gắng để đi theo tiêu chí nhiều hơn nữa. Vì làm khác đi, thấy nó không phải là mình, mình không thấy thoải mái thì làm sao đem đến sự thoải mái cho khán giả. Cũng xin khai báo, đã 5 năm, khi tổng kết năm, Kịch Hoàng Thái Thanh chưa biết đến hòa vốn là gì, nên cũng đã quen với con đường mà mình phải đi rồi.

Theo Như Hà
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần