Kịch nói 18+: Chiêu trò kéo khán giả đến rạp?
Ngay sau khi vở kịch “Vũ điệu dưới trăng” ra mắt tại sân khấu Phú Nhuận, dư luận bắt đầu ồn ào về việc đạo diễn Hòa Hiệp đã “chơi chiêu” gắn mác 18+ để kích thích sự tò mò và kéo khán giả đến rạp nhiều hơn.
Nằm trong hàng loạt vở kịch mới ra mắt vào dịp hè này, vở kịch Vũ điệu dưới trăng của đạo diễn trẻ Hòa Hiệp tại sân khấu kịch Phú Nhuận bỗng nhiên được nhắc đến nhiều khi mọi người cứ "kháo" nhau đi xem kịch 18+.
Điều này là chuyện "xưa nay hiếm" bởi ở Việt Nam trước giờ chỉ có thông lệ phim bị yêu cầu dán nhãn 18+ nhưng chưa có một vở kịch nào bị yêu cầu phải gắn mác này.
Có ý kiến cho rằng thử nghiệm nhạc kịch "Vũ điệu dưới trăng" thất bại về chuyên môn, chất lượng kém nên đạo diễn Hòa Hiệp đã tìm cách PR vở diễn bằng cách dán nhãn 18+ để kích thích sự tò mò của khán giả. Là một người quản lý và "đứng phía sau", chị nghĩ như thế nào điều về nhận định này?
Tôi khẳng định là tới giờ phút này trên poster vở diễn tại tiền sảnh sân khấu và trên website của sân khấu chưa có dấu 18+. Tất cả những gì tạo nên dư luận có thể do sự hiểu nhầm qua trao đổi giữa Hòa Hiệp với anh chị em nhà báo.
Tôi khẳng định Vũ điệu dưới trăng là bước khởi đầu cho thể nghiệm nhạc kịch của sân khấu Phú Nhuận. Kinh phí ở phần vũ đạo và nhạc đã ngang bằng kinh phí còn lại của vở diễn. Tôi nhận thấy đây là vở diễn tốt về chuyên môn và thông điệp hướng đến tính nhân văn.
Nhưng chắc hẳn Hòa Hiệp phải nói gì đó liên quan đến 18+ với vở diễn thì dư luận mới xuất hiện, thưa chị?
Khán giả đến sân khấu Phú Nhuận thường đi theo gia đình nhiều thế hệ. Thường có nhiều trẻ em, hoặc thiếu niên dưới tuổi 17. Đôi khi xem vở không đúng gu các em có những biểu hiện làm ảnh hưởng sự tập trung của người xung quanh.
Trong khi đó, nhạc kịch có vẻ hơi khó hiểu hơn so với kịch bình thường nên ý của Hòa Hiệp là muốn giới hạn trẻ em và chỉ chọn lọc khán giả tuổi teen trở lên. Nội dung vở diễn đề cập đến bi kịch gia đình và có những cảnh mà xem qua, nếu không đi hết câu chuyện sẽ dễ gây hiểu nhầm. Chính vì thế, chúng tôi rất muốn khán giả trẻ đủ trưởng thành xem để rút ra điều gì đó trong thời điểm giá trị đạo đức cá nhân trong xã hội có dấu hiệu băng hoại. Điều này có lẽ vượt qua sự hiểu biết của các bạn nhỏ tuổi thiếu niên.
Những vở kịch kinh dị có tác động đến người xem, mà đây là thể loại sở trường của sân khấu Hồng Vân, vậy chị có khuyến cáo gì đối với khán giả đến với sân khấu của chị không khi phần lớn khán giả đủ mọi lứa tuổi cũng kéo đến?
Ngay từ vở Người vợ ma (Kịch bản: Xuyên Lâm - bút danh của nhà báo Quang Thi) chúng tôi đã bằng nhiều cách khác nhau khuyên những người yếu tim, bà bầu, mắc bệnh tim mạch hãy cân nhắc thật kỹ trước khi quyết định mua vé vào rạp. Thực tế thì càng sợ khán giả lại càng thích thú và hình như chưa có một vấn đề gì nghiêm trọng xảy đến với khán giả xem kịch kinh dị.
Những vở ma của sân khấu chúng tôi đều hướng đến một ý nghĩa giáo dục đạo đức và nhân cách sống, hình ảnh ma quỷ chỉ là phương tiện tạo hiệu ứng. Về sau này, chúng tôi càng giảm nhẹ những mảng miếng gây sợ hãi và thay vào đó là những thủ pháp mới. Ca kịch trong Vũ điệu dưới trăng là một trong những thử nghiệm mà chúng tôi đang thực hiện.
Cảm ơn chị về buổi trò chuyện!