Kịch “Lâu đài cát” lột trần “mặt nạ da người” trong xã hội hiện đại
(Dân trí) - Với kết cấu lớp lang được “gói”, “bọc” kĩ, vở kịch “Lâu đài cát” (do NSƯT Anh Tú làm đạo diễn) làm nổi bật những “điểm đen” của đạo đức giả, sự dối trá, lừa lọc trong bối cảnh một gia đình tứ đại đồng đường có nền tảng văn hóa.
Mỗi người đeo mỗi kiểu “mặt nạ”
Sau hơn 2 tháng kể từ ngày đầu tiên bắt tay vào tập luyện, vở kịch “Lâu đài cát” được diễn tổng duyệt vào tối 24/2 tại nhà hát Kịch Việt Nam. Lấy hình ảnh của tòa “Lâu đài cát”, vở diễn hướng đến cuộc sống của những con người trong gia đình ông Quân, bà An- một gia đình tứ đại đồng đường, có nền tảng văn hóa, truyền thống cách mạng, coi trọng đạo lí với những thành viên có quyền cao, chức trọng. Tuy nhiên đó chỉ là vẻ hình thức bề ngoài mà đằng sau là đầy rẫy những lọc lừa, dối trá của sự đạo đức giả luôn được thốt lên bởi những lời “có cánh” rỗng tuếch, nhạt phèo.
Trước tiên phải kể đến ông Quân – chủ căn biệt thự cũng là người chủ của gia đình với việc giữ gìn những nề nếp, gia phong một cách khô cứng và không thỏa đáng. Bên ngoài ông Quân tưởng rằng đã nằm giữ, quán xuyến và điều khiển mọi hoạt động của gia đình theo một “nề nếp” văn hóa, coi trọng đạo lí nhưng thực chất từ lâu ông đã tự đeo “mặt nạ” cho chính mình. Chiếc “mặt nạ” của sự lừa dối mà chính các thành viên trong gia đình đã “ngụy trang” cho ông để ông lầm tưởng mọi thứ vẫn tốt đẹp, đàng hoàng và mãn nguyện.
Bà An- vợ ông Quân, người biết và hiểu mọi chuyện đã và đang mục ruỗng trong gia đình mình từ lâu nhưng cũng chọn cách im lặng. Chiếc “mặt nạ” mà bà tự sắm cho mình bởi sợ ông Quân không vượt qua được cú sốc khi biết sự thật và con cái sẽ rơi vào cảnh tan nát, chia đàn xẻ nghé. Tuy nhiên chính bà cũng không biết rằng khối u nhọt ấy sẽ có ngày vỡ tung ra bởi thời gian âm ỉ, ủ bệnh quá lâu mà không còn phương thuốc nào cứu vãn được.
Nam- con trai ông Quân, bà An với quyết tâm xin ra ở riêng bằng được bởi lí do không chịu được khi sống trong một gia đình với đầy rẫy nhưng phép tắc cổ hủ, lạc hậu. Tuy nhiên đó chỉ là chiêu thức “ép” bố mẹ bán căn biệt thự bởi số nợ khổng lồ lên đến hàng chục tỉ đồng của anh.
Bộ mặt dối trá dần được bóc ra từng lớp bởi cuộc hội ngộ ngầm của cả ba thành viên: anh Bộ, chị Loan, Thiên với Huyền. Từng nút buộc được tháo gỡ dần từ việc làm đồi bại của Bộ đến hiểu lầm của Loan về đứa con riêng của Huyền trước sự chứng kiến của Thiên. Thì ra bấy lâu nay, trong gia đình vốn được coi là gia giáo, nề nếp ấy đang tồn đọng thứ ung nhọt như căn bệnh ung thư đã vào giai đoạn cuối.
Với cách xử lí khéo léo, “Lâu đài cát” lựa chọn cách giải quyết “thấu tình đạt lí” từ góc nhìn của những người trẻ tuổi qua phát ngôn của Thiên “Thế hệ bố đã sai, con chấp nhận” để mở ra lòng tha thứ, khoan dung và độ lượng. Sự hiện thân của những đen tối bị ảnh hưởng bởi cơ chế thị trường, đã khiến con người phải đeo mặt nạ để sống bình yên, che đậy những khuyết điểm và sự tha hóa của bản thân mình. Cái mặt nạ ấy được vẽ bằng chất liệu của ngôn từ: truyền thống gia đình, nhân cách đạo lý… và ngày càng dầy lên, dẫn đến hệ lụy và bi kịch khôn lường…
Cùng xem clip trích đoạn trong vở kịch
Một số hình ảnh khác của vở kịch
Phạm Oanh