Không còn nhận ra tranh quý sau khi bị sửa thành ra… “thảm họa”
(Dân trí) - Các chuyên gia hội họa tại Tây Ban Nha đang yêu cầu nhà chức trách điều chỉnh và thắt chặt luật phục chế tác phẩm nghệ thuật, sau khi xảy ra một sự cố đáng tiếc về phục chế mới đây.
Bức họa “Immaculate Conception” (tạm dịch: Sự thụ thai thuần khiết) được thực hiện bởi họa sĩ Bartolomé Esteban Murillo đã vừa được làm sạch và phục chế lại bởi một người thợ chuyên phục chế... đồ nội thất. Kết quả là sau khi công việc hoàn tất, người ta... bàng hoàng, thảng thốt trước diện mạo mới của tác phẩm.
Đây là câu chuyện mới nhất trong hàng loạt những câu chuyện bi hài về các tác phẩm lâu đời bị hủy hoại hoặc biến dạng do chính quá trình phục chế.
Một nhà sưu tầm nghệ thuật tư nhân ở Valencia (Tây Ban Nha) đã chi ra số tiền 1.200 euro (hơn 31 triệu đồng) cho một người chuyên phục chế đồ nội thất cổ, đổi lại bức vẽ “Immaculate Conception” sẽ được làm sạch và phục chế.
Việc phục chế đã diễn ra không như dự định bởi gương mặt của Đức Mẹ bị biến đổi và không còn nhận ra được nữa, đã có hai lần phục chế được thực hiện với hy vọng có thể đưa tranh trở về nguyên bản ban đầu, nhưng không thành công.
Vụ việc lần này đã khiến nhiều chuyên gia mỹ thuật nhớ lại vụ phục chế tranh bích họa diễn ra ở thời điểm 8 năm trước, khi một người có đôi chút am hiểu về mỹ thuật đã nhận nhiệm vụ phục chế một bức bích họa khắc họa hình dung về Chúa, tác phẩm nằm trên một bức tường của nhà thờ.
Bức bích họa lâu đời đã bị phục chế hỏng và bỗng khiến nhà thờ nằm ở ngoại ô thị trấn Borja (Tây Ban Nha) trở nên “nổi tiếng” trên khắp thế giới, vì một bức bích họa bị phục chế quá... “lỗi”.
Nhiều người cũng nhắc lại việc phục chế bức tượng có niên đại từ thế kỷ 16, khắc họa Thánh George. Bức tượng nằm ở một nhà thờ tại miền bắc Tây Ban Nha, sau khi hoạt động phục chế diễn ra, bức tượng trông khá... hài hước, như thể một nhân vật bước ra từ trong phim hoạt hình.
Ông Fernando Carrera, một giáo sư tại Trường Bảo tồn và Phục chế Di sản Văn hóa (Tây Ban Nha) chia sẻ rằng những vụ việc phục chế như thế này cho thấy nhu cầu cấp thiết của việc phục chế các tác phẩm nghệ thuật lâu đời cần phải được tiến hành bởi những người có kiến thức chuyên môn và có kinh nghiệm phù hợp:
“Tôi không nghĩ người vừa phục chế bức tranh của Murillo hay cả một số trường hợp khác nữa có thể được xem là những người phục chế nghệ thuật. Hãy trung thực với nhau, họ là những kẻ lang băm không có chuyên môn và chỉ giỏi làm hỏng các tác phẩm, họ đã ra tay phá hoại tác phẩm dù không có ác ý”.
Ông Fernando Carrera chia sẻ rằng luật hiện hành tại Tây Ban Nha cho phép bất kỳ ai cũng có thể tham gia vào các dự án phục chế cho dù họ thiếu những kỹ năng cần thiết: “Bạn có thể hình dung ra việc bất kỳ ai cũng có thể được phép tiến hành phẫu thuật cho người bệnh?
“Hoặc bất kỳ ai cũng được phép bán thuốc mà không cần học về dược? Hoặc bất kỳ ai chưa từng học kiến trúc cũng được phép lên ý tưởng xây dựng một tòa nhà?”.
Ông Fernando Carrera cho rằng những chuyên gia phục chế “có thể không quan trọng như các y bác sĩ”, nhưng lĩnh vực phục chế tác phẩm này cũng cần có những điều luật cụ thể và nghiêm ngặt để bảo vệ cho những di sản văn hóa - nghệ thuật của Tây Ban Nha: “Chúng tôi đã thấy những chuyện như thế này xảy ra nhiều lần và dường như nó sẽ còn tiếp tục xảy ra.
“Những sự việc ấy cho thấy tầm quan trọng của những chuyên gia phục chế chuyên nghiệp. Chúng ta cần đầu tư cho di sản, nhưng ngay cả trước khi nói về chuyện tiền nong, chúng ta cần phải đảm bảo rằng những người được giao việc phục chế phải từng được học tập nghiêm túc về lĩnh vực này”.
Bà María Borja, một chuyên gia phục chế nghệ thuật, hiện đang là thành viên cấp cao trong một tổ chức phục chế hoạt động chuyên nghiệp tại Tây ban Nha, cho biết rằng những sự cố phục chế hỏng như thế này xảy ra khá thường xuyên nhưng công chúng không biết đến:
“Chúng ta chỉ biết tới những sự việc này khi người ta đưa tin về sự việc, hoặc có hình ảnh xuất hiện và lan truyền trên mạng xã hội, nhưng còn có nhiều sự việc khác tương tự mà ta không biết tới, những phục chế hỏng ấy cũng được tiến hành bởi những người không có chuyên môn. Điều ấy khiến các tác phẩm nghệ thuật bị tổn hại và có những trường hợp không thể nào sửa chữa nổi”.
Các chuyên gia nghệ thuật tại Tây Ban Nha hiện đều đồng ý rằng nhà chức trách và cộng đồng cần quan tâm nhiều hơn tới hoạt động bảo tồn, phục chế tác phẩm tại quốc gia này: “Hoạt động phục chế có thể không cần phải được quan tâm hàng đầu bởi nó không thiết yếu như lĩnh vực y tế hay việc tạo ra công ăn việc làm, duy trì phúc lợi xã hội.
“Quả thực có rất nhiều điều quan trọng và cần kíp hơn, nhưng phải hiểu bảo vệ tác phẩm nghệ thuật lâu đời cũng là việc quan trọng, bởi đó chính là một phần của lịch sử”.
Bích Ngọc
Theo The Guardian/Telegraph