Không chỉ phụ nữ, nam giới cũng nên mặc áo dài!
(Dân trí) - Về chủ trương khuyến khích nữ nhân viên, công chức, sinh viên... mặc áo dài của TPHCM, diễn giả văn hóa Hồ Nhựt Quang hết sức đồng tình. Ông cho rằng: “Đứng ở góc độ người nghiên cứu văn hóa, tôi rất mong sao ngày có nhiều người mặc áo dài, không chỉ có nữ giới mà cả nam giới nữa!”.
Vừa qua, UBND TPHCM đã giao Sở Văn hóa - Thể thao chủ trì, phối hợp nghiên cứu vận động cán bộ, công nhân viên chức, sinh viên, học sinh nữ mặc áo dài 1-2 ngày trong tuần. Chủ trương này nhằm đẩy mạnh phong trào mặc áo dài trong các hoạt động đời thường cũng như trong công việc của người dân thành phố chứ không chỉ dừng lại trong các lễ hội áo dài.
Chủ đề này đã trở thành một cuộc tranh luận sôi nổi với nhiều ý kiến khác nhau trên mạng xã hội cũng như trên mặt báo. Nhiều nhà văn hóa, nghiên cứu lịch sử cũng có ý kiến khác nhau. Sau đây là ý kiến của diễn giả văn hóa Hồ Nhựt Quang gửi về báo Dân trí.
Để rộng đường dư luận, Dân trí xin đăng nguyên văn ý kiến luận bàn về áo dài xưa và nay của ông:
“Phở”, “gỏi cuốn”, “chả giò” hay “đờn ca tài tử cải lương”, “nón lá”… là những từ mà tự điển trên thế giới và các phương tiện truyền thông đại chúng quốc tế đều không dịch ra tiếng bản xứ được mà xem như những danh từ riêng khi nói đến ẩm thực, phục trang, âm nhạc truyền thống Việt Nam. Hai từ “áo dài” cũng tương tự như vậy!
Áo dài đã được công chúng quốc tế biết đến và hầu như ai cũng rất hào hứng khi được mặc chiếc áo dài truyền thống này đi tham quan chụp hình mỗi khi sang Việt Nam. Chưa có tư liệu chính xác nói về việc ai là người sáng tạo ra chiếc áo dài Việt Nam và cũng chưa có tư liệu xác định rõ năm tháng ra đời. Tuy nhiên, theo tư liệu Phủ Biên Tạp Lục của Lê Quý Đôn có mô tả về trang phục áo dài cho thấy rằng áo dài đã ra đời vào cuối thế kỷ XVIII.
Trải qua hơn ba trăm năm, áo dài đã sống và tồn tại trong tâm thức, trong lễ nghi mang dấu ấn đẹp của một nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc. Sách Tự gia giáo (Đoàn Tăng Nhứt) - một quyển sách gối đầu của Nam Bộ xưa, có bài thơ tả về áo dài truyền thống rằng:
“Áo dài hai vạt rẽ làm đôi,
Sóng bước bên nhau, giữa đường đời.
Cổ áo đôn cao điều nhơn nghĩa,
Mấy nút điểm tô đạo rạng ngời.
Anh hùng áo mặc thêm tôn quý,
Thiếu nữ thêm duyên dẫu đứng ngồi.
Dân Việt trời Nam đây áo lễ,
Bình dị đơn sơ đẹp rạng ngời”.
Áo dài xưa có cổ đôn cao để mang ý nghĩa tôn vinh những giá trị cao đẹp của nền xưa (cổ = xưa), áo nam giới có 5 nút bên hông tượng trưng “Nhân, nghĩa, lễ, trí, tín”, phụ nữ có 4 nút bên hông tượng trưng “Công, ngôn, dung, hạnh”. Vạt áo tuy có hai vạt dài xuống nhưng luôn sóng đôi mà không bao giờ chia rẽ ngược nhau khi gặp gió. Tất cả mang đầy đủ phẩm hạnh của con người Á Đông tiến bộ, vừa tao nhã vừa hùng dũng, vừa kín vừa mở, vừa linh hoạt mà không kém phần trang nghiêm.
Mỗi người dân Việt Nam ta có quyền tự hào về trang phục truyền thống áo dài, nó là một trong những đại diện cho tâm hồn người Việt và mang hơi thở của hồn non nước, khiến ai đó xa xứ rất dễ xúc động khi thấy áo dài xuất hiện nơi đất khách quê người. Trong nhiều sự kiện văn hóa qua các hội nghị quốc tế hay các cuộc thi hoa hậu thế giới… thì áo dài của Việt Nam luôn được bạn bè thế giới chú ý và đánh giá cao.
Áo dài đã nhiều lần được cách điệu như áo dài Le Mur (áo may sát người mà không để rộng), áo dài Dung Tailor (may Raglan), áo dài Bà Nhu (áo dài hở cổ)… nhưng luôn mang vẻ đẹp riêng, sống động và duyên dáng.
Ngày nay, do có nhiều trang phục theo phương Tây thuận tiện cho việc sinh hoạt, đi lại, phù hợp với tư duy và kinh tế thời đại mới nên áo dài dần bị mờ nhạt trong thời hiện đại. Hôm nay, tôi rất vui khi biết nhà nước ta có chính sách mới trong việc phục hồi văn hóa cổ truyền qua việc yêu cầu các nữ cán bộ-công nhân viên chức mặc áo dài 2 lần trong tuần làm việc.
Hiện nay, các quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc… cũng đang dần có những chính sách khuyến khích người dân mặc trang phục truyền thống đi tham quan, dự các lễ hội cổ truyền và mặc khi làm việc ở các nhà hàng - khách sạn… Do vậy, rất nhiều chương trình giới thiệu áo Hanbok (Hàn Quốc), áo Kimono (Nhật Bản)… ra đời để truyền bá cho công chúng trong và ngoài xứ. Việc văn hóa trang phục được phục dựng lại một cách tốt đẹp là chúng ta đã đóng góp vai trò của một đại sứ văn hóa trong việc vinh danh đất nước và bày tỏ tấm lòng tưởng nhớ tiền nhân và tiếp nối truyền thống yêu nước cho con cháu ngày sau.
Tuy nhiên, xứ ta là xứ nóng, nhà sản xuất vải lụa không tạo ra được sản phẩm giúp cơ thể thích nghi khí hậu, tạo sự mát dịu và dễ chịu cho người mặc thì sẽ gây ra cản trở cho sinh hoạt. Ngoài ra, phương tiện đi lại là xe gắn máy, mặc áo dài nếu không biết cách sử dụng phù hợp cũng sẽ dễ bị vướng víu và khó tập trung tay lái được, rất nguy hiểm. Thời tiết mưa gió rất bất thường, áo dài giặt rất lâu khô và phải ủi thẳng thì mới đẹp nếu không thì làm cho người mặc kém phần tươm tất… Với những khó khăn này, nếu không tìm cách tháo gỡ thì rất khó phục hồi như chủ trương đã định.
Đứng ở góc độ người nghiên cứu văn hóa, tôi rất mong sao ngày có nhiều người mặc áo dài, không chỉ có nữ giới mà cả nam giới nữa, nhất là trong các lễ cưới hỏi, ma chay, cúng đình hay du ngoạn dạo phố. Áo dài sống lại sẽ giúp cho lễ hội thêm trang trọng, phố phường thêm sống động và trong mỗi chúng ta ai cũng có thể tự hào về một trang phục đậm đà bản sắc Việt Nam, như lời của nhà thơ Văn Tiến Lê:
“Đơn sơ hai mảnh tuyệt vời,
Thân sau vạt trước nên lời nước non”.
Diễn giả văn hóa Hồ Nhựt Quang
Băng Châu ghi