TPHCM khuyến khích mặc áo dài: Ủng hộ nhiều nhưng “e dè” cũng lắm!
(Dân trí) - Đa số nữ công nhân viên chức đồng tình với chủ trương kêu gọi mặc áo của UBND TPHCM nhằm duy trì nét đẹp truyền thống của người phụ nữ Việt Nam cũng như tạo nên một nét riêng, một “đặc sản du lịch” cho TPCHM - một địa bàn vốn được biết đến qua hình ảnh năng động, hiện đại…
Vừa qua, UBND TPHCM đã giao Sở Văn hóa - thể thao chủ trì, phối hợp nghiên cứu vận động cán bộ, công nhân viên chức, sinh viên, học sinh nữ mặc áo dài 1-2 ngày trong tuần. Chủ trương này nhằm đẩy mạnh phong trào mặc áo dài trong các hoạt động đời thường cũng như trong công việc của người dân thành phố chứ không chỉ dừng lại trong các lễ hội áo dài.
PV Dân trí đã có cuộc khảo sát nhỏ và thấy rằng đa số phụ nữ TPHCM ủng hộ chủ trương này nhưng cũng còn không ít ý kiến băn khoăn...
Ủng hộ nhiều…
Sinh viên Mộng Đào của trường ĐH KHXH&NV TPHCM chia sẻ: “Áo dài thường hay mặc vào dịp lễ tết hoặc những ngày quan trọng. Việc mặc áo dài trong các sinh hoạt đời thường hay công việc của người dân thành phố cũng là ý kiến hay, thể hiện được nét văn hoá truyền thống của người Việt Nam”.
Cô Phạm Thúy Hà, giảng viên Học viện Hành chính Quốc gia TPHCM, cho rằng: “Tôi thấy đó là một chủ trương hay của thành phố, vì đó là một nét đẹp văn hóa, tôn vinh chiếc áo dài Việt Nam. Ở trường chúng tôi, bắt buộc giáo viên phải mặc áo dài truyền thống mỗi khi lên lớp vào buổi sáng. Vào buổi chiều có thể mặc đầm công sở hoặc comple”.
Cô Phi Hà, nhân viên văn phòng, rất ủng hộ việc phát huy truyền thống mặc áo dài của phụ nữ Việt Nam. Cô nói: “Tôi ủng hộ quan điểm truyền thống tốt đẹp này, không phân biệt già trẻ lớn bé giàu nghèo, ai trong chúng ta cũng nên đẩy mạnh phong trào mặc áo dài. Khi đất nước ta ngày càng tiến bộ, càng hoà nhập cả về kinh tế và văn hoá với các nước Tây phương hiện đại, nhưng hiện rất nhiều bạn trẻ vẫn diện những chiếc áo dài với nhiều hoa văn đẹp, đủ màu sắc đón xuân là một tín hiệu đáng vui mừng”.
“Thật ra, với chị em phụ nữ Việt, ai cũng yêu thích và rất muốn mặc áo dài, nếu vào những dịp phù hợp. Như những ngày Tết vừa qua, không cần vận động hay phong trào gì mà đa phần mọi người đều sắm sửa cho mình 1, 2 bộ áo dài đón năm mới. Đó vừa là văn hoá, tinh thần dân tộc, vừa là niềm yêu thích và tự hào riêng của phụ nữ Việt với áo dài. Xu hướng đó tôi tin sẽ càng ngày càng phát huy hơn”, chị Diệu Minh, công tác tại Đài FM 99’9 chia sẻ về xu hướng mặc áo dài Việt Nam đang trở lại mạnh mẽ hơn.
Bạn Hoàng Hường, nhân viên một công ty truyền thông, cũng hoàn toàn ủng hộ việc này. Hường cho rằng: “Về vấn đề khuyến khích mọi người mặc áo dài, tôi thấy nó là một hoạt động có ý nghĩa. Tuy nhiên, để áp dụng thì tôi nghĩ cần có các hoạt động tuyên truyền triển khai song song cho mọi người, đặc biệt là nhóm trẻ chứ không chỉ áp dụng một cách hình thức quy định cứng nhắc”.
Đối với các bạn nữ yêu thích mặc áo dài hàng ngày, chủ trương này rất được đồng tình. Bạn Phạm Nguyệt chia sẻ: “Tôi ủng hộ chủ trương mặc áo dài, cá nhân tôi rất thích mặc áo dài. Áo dài tạo cho người phụ nữ sự duyên dáng trong cách đi đứng, cư xử, thể hiện được tính cách dịu dàng của người phụ nữ Việt”.
Nhưng cũng không ít băn khoăn
Tuy nhiều người đồng tình với chủ trương này nhưng cũng đề nghị không nên có quy định bắt buộc mà chỉ nên khuyến khích mặc trong những thời gian, công việc phù hợp; hoặc điều chỉnh một chút thiết kế cho phù hợp với cuộc sống năng động, hay di chuyển của nữ giới hiện nay.
Một nữ biên tập truyền hình xin giấu tên, gần như có ý kiến trái chiều với số đông. Cô nói: “Tôi thấy những người ủng hộ mặc áo dài toàn là đàn ông và những người vốn dĩ không phải mặc áo dài. Còn nếu là đối tượng “thực thi” chủ trương này cũng có nhiều e ngại khi trang phục này dễ mất đi sự tự do.
“Trong khi cuộc sống hiện nay, giới trẻ rất năng động, một ngày họ sẽ xuất hiện ở nhiều môi trường khác nhau… Thế mà cứ mãi phải “đóng khung” với chiếc áo dài sẽ trở nên “bất hợp lý”. Mà mỗi tuần lại mất 1-2 ngày phải mặc áo dài cũng khó. Đó là chưa kể đến xu hướng hiện nay, áo dài đang là “mốt”, nên mỗi chiếc áo dài mặc tầm 2-3 lần là cùng. Nếu theo cái “đà” này, tiền đâu mà may hoài (cười). Chưa kể, nhiều ngành nghề công việc dành cho áo dài rất bất tiện và vướng víu. Nói chung, ăn mặc gì là quyền tự do của mỗi người nên nếu khuyến khích tôi đồng ý, nhưng đừng bắt ép”, cô chia sẻ thẳng thắn.
Chị Diệu Minh cũng cho rằng: “Áo dài thường xuất hiện trong những khoảng thời gian đặc biệt như lễ tết nên muốn phổ biến áo dài trong các hoạt động đời thường hay trong công việc cần có sự cân nhắc cụ thể. Cần phát huy hình ảnh áo dài nhưng nếu chỗ nào cũng mặc áo dài có thể làm áo dài mất đi tính trang trọng. Ví dụ tiếp tân của các khách sạn nhà hàng nên khuyến khích mặc áo dài. Nữ sinh nên mặc áo dài một ngày trong tuần. Viên chức nhà nước nên mặc áo dài trong các buổi lễ long trọng, các cuộc hội họp tổng kết... Tuy nhiên, nhân viên văn phòng không nhất định phải mặc áo dài, hơi bất tiện trong tác phong làm việc công nghiệp. Công nhân cũng vậy”.
Đến ngay cả những người ủng hộ, yêu thích mặc áo dài cũng có nhiều e ngại. Bạn sinh viên Mộng Đào cho rằng: “Cũng tùy theo ngành nghề, mà khuyến khích mặc áo dài. Tôi là sinh viên nhưng nếu bắt buộc mặc áo dài cũng sẽ gặp bất tiện”.
Bạn Phạm Nguyệt cũng nêu quan điểm: “Những người phải đi làm xa việc phải mặc áo dài đôi lúc cũng khá bất tiện vì rườm rà, vướng víu”.
Từ đó, Nguyệt Phạm nêu ý kiến: “Nếu để phổ biến việc mặc áo dài nên có những hướng thiết kế cho phù hợp về kiểu dáng và chất liệu. Những chất liệu cotton nhẹ nhàng, áo và quần cũng nên làm sao cho nhẹ, gọn, không quá vướng víu khi di chuyển, đi lại và làm việc”.
Tuy nhiên, về việc chỉnh sửa kiểu dáng áo dài cô cũng có ý kiến cẩn trọng. Cô nói: “Áo dài cách tân nên dựa trên tiêu chuẩn của áo dài truyền thống, không nên có sự “cải tiến” đến xa lạ với hình ảnh chiếc áo dài quen thuộc”. Bạn Mộng Đào cũng đồng tình: “Áo dài dân tộc cần được phát huy, duy trì nhưng cũng không nên làm mất đi nét đẹp truyền thống của người Việt thông qua những kiểu áo dài cách tân quá đà, gây phản cảm”.
Băng Châu
Ảnh: TL