Khôi phục lại truyền thống dựng cây Nêu đón Tết

(Dân trí) - Lễ dựng và lễ hạ nêu là phong tục đẹp và giàu ý nghĩa của nhiều dân tộc trên đất nước Việt Nam. Cây nêu có vai trò khá đặc biệt, không chỉ để trừ ma quỷ mà còn là biểu tượng của vũ trụ, chuyên chở những ý nghĩa nhân sinh cao đẹp.

Từ xa xưa, mỗi dịp Tết đến người Việt ta đã có truyền thống dựng cây Nêu trước nhà để trừ ma quỷ những ngày Ông Công, Ông Táo về chầu Trời. Với mong muốn phục dựng lại những nét đẹp truyền thống này, sang ngày 3/2, tại Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam, Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội, Bộ VH TT&DL đã tổ chức lễ dựng cây Nêu. Lễ dựng cây Nêu đã diễn ra theo đúng nghi thức truyền thống của người Kinh vào dịp Lễ tiễn Táo quân.

Người dân hoàn thành những công đoạn cuối cùng trong việc dựng nêu
Người dân hoàn thành những công đoạn cuối cùng trong việc dựng nêu

Sau khi tiến hành lễ cúng Ông Công, Ông Táo, mọi người trang trí cây Nêu, treo hai câu đối của GS Vũ Khiêu gửi cho Ban tổ chức lên cây Nêu: Tổ quốc đại thành công/Gia đình đại đoàn kết; Gắn bó anh em vì đất nước/Nêu cao khí phách giữa trời xanh. Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Hồ Anh Tuấn cùng các lãnh đạo, cán bộ thuộc Ban Quản lý Làng Văn hóa- Du lịch các dân tộc Việt Nam đã thực hiện nghi thức treo câu đối, vàng mã, bùa trừ tà… lên ngọn cây, đúng với truyền thống của người Việt xưa...

Lễ dựng cây Nêu, nhằm thể hiện và tôn vinh những nét đẹp của văn hóa truyền thống các dân tộc Việt Nam, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của lãnh đạo Đảng, Nhà nước tới phong tục tập quán tốt đẹp của các dân tộc Việt Nam nhân dịp Tết cổ truyền của dân tộc và là dịp để lãnh đạo Đảng, Nhà nước chúc tết cộng đồng các dân tộc Việt Nam, biểu dương, động viên, khích lệ những người có uy tín trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam đã có thành tích trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc nhân dịp Tết đến, Xuân về.

Bên cạnh đó, Ngày hội “Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc” góp phần tăng cường xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam, tăng cường giao lưu tình cảm giữa các dân tộc anh em, động viên tinh thần phấn khởi đón mừng xuân mới với khí thế mới của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, đặc biệt đón nhận tin vui: Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc vừa chính thức thông qua quyết định công nhận Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương (Phú Thọ) là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Thứ trưởng Hồ Anh Tuấn cùng đại diện các ban ngành làm lễ trước khi dựng nêu

Thứ trưởng Hồ Anh Tuấn cùng đại diện các ban ngành làm lễ trước khi dựng nêu

Trong chương trình, ông Nguyễn Vân Đài, người chỉ huy dựng cây nêu chia sẻ: “Tại miền Bắc cây nêu thường được người Kinh dựng vào ngày 23 tháng Chạp âm lịch, là ngày Táo quân về trời, với quan niệm rằng chính vì từ ngày này cho tới đêm giao thừa, vắng mặt Táo công, ma quỷ thường nhân cơ hội này lẻn về quấy nhiễu. Nguyên khởi cây nêu được dựng với ý nghĩa trừ ma quỷ, nhưng ý nghĩa thực của cây nêu trong cộng đồng các dân tộc Việt nam dần trải rộng hơn thế. Theo thời gian, cùng với sự phong phú của các đồ lễ treo trên ngọn cây, cây nêu được coi là cây vũ trụ nối liền đất với trời, do tín ngưỡng thờ thần mặt trời của các dân tộc cổ sơ, hàm chứa ý thức về lãnh thổ của người Việt”.

Cây nêu được dựng lên trong niềm hân hoan của người dâ
Cây nêu được dựng lên trong niềm hân hoan của người dân

Năm nay, tại Làng, cộng đồng các dân tộc Việt Nam sẽ tổ chức Ngày hội “Sắc xuân trên mọi miền Tổ quốc” với nhiều hoạt động phong phú, hấp dẫn trong đó sẽ có Lễ hạ cây Nêu vào ngày 11 tháng Giêng âm lịch (tức ngày 20/2), mong muốn với ý nghĩa tốt đẹp của cây nêu sẽ động viên bà con xuống đường, bắt tay vào sản xuất để có một mùa xuân thắng lợi trên khắp mọi miền.

Thiên Lam