Huế:

Khởi công trùng tu lăng vị chúa Nguyễn đầu tiên ở Huế

(Dân trí) - Ngày 27/2, Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế đã phối hợp với Phân viện Khoa học Công nghệ Xây dựng Miền Trung tổ chức lễ khởi công dự án bảo tồn tu bổ và tôn tạo di tích lăng Trường Cơ - lăng chúa Nguyễn đầu tiên ở Huế.

Theo Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, lăng Trường Cơ là lăng mộ của Đức Thái Tổ Gia Dũ Hoàng đế tức Chúa Nguyễn Hoàng (hay còn được gọi là Chúa Tiên, sinh năm 1525 và mất năm 1613, thời gian trị vì từ 1558 đến 1613), là vị chúa đầu tiên, người đặt nền móng cho việc chọn lựa vùng đất Huế để trở thành thủ phủ của Đàng Trong, sau này là kinh đô của nước Việt Nam thống nhất dưới triều Nguyễn.

Sau khi qua đời, Ngài được chôn cất tại núi Thạch Hãn huyện Vũ Xương (nay thuộc huyện Triệu Phong - tỉnh Quảng Trị). Sau đó, không rõ thời điểm nào, các chúa Nguyễn đã cải táng và xây dựng lăng mộ cho ông tại vị trí hiện nay (thôn La Khê Trẹm, xã Hương Thọ, Thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế).

Lăng chúa Tiên Nguyễn Hoàng tọa lạc bên tả ngạn dòng Tả Trạch, cách bờ sông khoảng 300 mét, cách Trung tâm Huế 10 km về phía tây nam. Đến năm 1808, lăng mộ chúa Nguyễn Hoàng được vua Gia Long cho tái xây dựng và đặt tên là lăng Trường Cơ. Vào năm Thiệu Trị thứ nhất (1841), lăng Trường Cơ tiếp tục được sửa sang, xây dựng thêm. Do chiến tranh và điều kiện khó khăn, mãi đến năm 1999, lăng Trường Cơ mới được Hội đồng Trị sự Nguyễn Phúc Tộc tu sửa lại; chủ yếu là tô trát lại phần mộ và tường thành phía trong.

Hiện trạng cổng và vòng thành ngoài lăng chúa Tiên Nguyễn Hoàng tại Huế
Hiện trạng cổng và vòng thành ngoài lăng chúa Tiên Nguyễn Hoàng tại Huế
Phần mộ của chúa Tiên
Phần mộ của chúa Tiên

Sau một thời gian bàn bạc thống nhất giữa Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, Hội đồng Trị sự Nguyễn Phúc Tộc và và các nhà hảo tâm tài trợ, dự án “Bảo tồn, tu bổ và tôn tạo di tích lăng Trường Cơ” được lập vào cuối năm 2015, do Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế làm chủ đầu tư, đã được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch thỏa thuận thống nhất triển khai thưc hiện (tại văn bản số: 4873/BVHTTDL-DSVH ngày 24/11/2015), với sự hỗ trợ nguồn vốn của Ngân hàng Phát triển Việt Nam chi nhánh Thừa Thiên Huế - Quảng Trị cùng các nhà tài trợ khác (tổng kinh phí là 3.892.405.000 đồng).

Phối cảnh lăng chúa Tiên sau khi trùng tu
Phối cảnh lăng chúa Tiên sau khi trùng tu

Tại buổi lễ khởi công, TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế nhấn mạnh: “Theo đánh giá của giới sử học, Chúa Nguyễn Hoàng là vị anh hùng mở mang bờ cõi vĩ đại của dân tộc Việt Nam. Chính ông cùng các đời chúa tiếp theo, trong giai đoạn từ năm 1611 đến 1757, đã vẽ tiếp và hoàn chỉnh bản đồ quốc gia của nước Việt Nam hiện nay.

Với công lao của chúa Nguyễn Hoàng và giá trị lịch sử và kiến trúc nghệ thuật của lăng Trường Cơ, di tích này cần được bảo tồn để phát huy hiệu quả cao hơn trong phát triển du lịch cũng như giáo dục truyền thống cho thế hệ mai sau. Việc phục hồi lăng Trường Cơ bằng nguồn vốn xã hội hóa là một sự lựa chọn phù hợp với điều kiện thực tế và phát huy truyền thống uống nước nhớ nguồn của dân tộc ta.”

Ông Tôn Thất Viễn Bào, Chủ tịch Hội đồng Trị sự Nguyễn Phúc Tộc xúc động phát biểu “Lần này, với việc nhà nước và cộng đồng cùng chung tay vào việc tôn tạo công trình lăng Trường Cơ của chúa Nguyễn Hoàng, chúng tôi hy vọng rằng đây sẽ là một lăng chúa được tôn tạo đúng quy cách và đẹp đẽ nhất trong các lăng chúa để xứng đáng với công lao to lớn của Ngài”.

Khởi công trùng tu lăng vị chúa Nguyễn đầu tiên ở Huế - 4

Nghi thức khởi công dự án
Nghi thức khởi công dự án

Công trình bảo tồn, tu bổ và tôn tạo di tích lăng Trường Cơ sẽ được Phân viên Khoa học Công nghệ Xây dựng miền Trung thuộc Viện Khoa học Công nghệ Xây dựng (Bộ Xây dựng) đảm nhận thi công, dự kiến trong thời gian 8 tháng, với các hạng mục tu bổ phục hồi gồm: cổng, hai vòng thành, bình phong trước và sau, mộ, hương án; cùng các hạng mục tôn tạo: lối vào lăng, trụ biểu, hồ bán nguyệt, bình phong tiền, sân vườn, hệ thoát nước mặt.

Hy vọng rằng, sau khi được chỉnh trang phục hồi tổng thể kiến trúc, lăng Trường Cơ sẽ được đưa vào tuyến tham quan du lịch phục vụ nhu cầu tâm linh của nhân dân, góp phần giáo dục cộng đồng về lịch sử, văn hóa và sẽ làm phong phú thêm cho di sản văn hóa Huế.

Tin: Đại Dương

Ảnh: Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cung cấp