Khi tượng của tướng Trần Nguyên Hãn bị rụng một chân...

So với những chuyện người mẫu, ca sĩ lộ ngực, ca sĩ lừa tiền, đánh bạc, diễn viên mơ lấy chồng/vợ đại gia, nói năng lởm khởm... thì các triển lãm tranh, tượng, thậm chí cả nhiếp ảnh (nếu không có yếu tố hình người ở trần), đều chẳng “là cái quái gì"..

Nữa là chuyện tượng đài xấu - đẹp, nên đặt tượng ở đâu...


Nữa là chuyện tượng đài xấu - đẹp, nên đặt tượng ở đâu...

Song, từ việc cái chân phải của tướng Trần Nguyên Hãn (?-1429, một võ tướng trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn) trong bức tượng của ông đặt trước chợ Bến Thành bỗng bị rụng ở trưa ngày 27.7 (báo chí TPHCM đưa tin), vấn đề quy hoạch tượng đài ở TPHCM mấy năm nay chìm nghỉm trong hàng “núi” vấn đề khác của đời sống văn hoá TPHCM đã được xáo lên.

Còn nhớ, mấy năm trước, trước khi sát nhập thành một sở có tên chung, gọi tắt là văn-thể-du, trong lịch làm việc của Sở Văn hoá - Thông tin TPHCM, hầu như tuần nào cũng có một cuộc họp của ban lãnh đạo sở về vấn đề quy hoạch hệ thống tượng đài TPHCM với rất nhiều vấn đề. Họp nhiều, nhưng tới giờ, bản quy hoạch đó vẫn chưa thấy đâu...

Một người mà từ nhiều năm trước góp rất nhiều ý mang tính xây dựng cho việc quy hoạch tượng đài trong cả nước nói chung và TPHCM nói riêng như hoạ sĩ - nhà phê bình Nguyễn Quân, sáng 30.7, khi nghe chúng tôi đặt vấn đề về chuyện tượng đài, cũng thở dài, nói: “Thôi, tôi chả nói nữa đâu. Tôi nói quá nhiều từ mấy năm nay rồi...”.

Gặng hỏi mãi, ông Quân đành góp một ý cho việc nên thay 12 tượng xây trước năm 1975 tại TPHCM: “Nội dung tượng, nhất là các vị trí dựng tượng, tôi nghĩ, nên giữ nguyên, bởi về cơ bản, những bức tượng ấy, bao năm nay đã in trong tâm thức nhiều thế hệ người Sài Gòn - TPHCM. Nếu tượng xuống cấp, nên làm lại, đặt ở vị trí cũ. Có vài tượng, đúng là chưa đẹp thì cần xem xét làm lại toàn phần. Khi đặt tượng mới, nên có bản giới thiệu về nhân vật được dựng tượng để người dân được biết...”.

Câu hỏi đặt ra: Kinh phí ở đâu cho việc làm mới/thay những tượng này? Nếu làm tượng mới, là phải tổ chức các cuộc thi mẫu tượng,... Trong vấn đề làm tượng đài, không nên mong vào việc xã hội hoá. Cũng có thể, việc dùng kinh phí (từ ngân sách) chi cho xây tượng đài trong bối cảnh kinh tế hiện nay và trình độ của người làm tượng cũng là những điểm mắc míu khiến chuyện quy hoạch tượng đài của TPHCM vẫn cứ “im phắc như tượng”?

Song song với chuyện làm mới tượng cũ, TPHCM cũng đang có một câu chuyện khác liên quan đến tượng đài: Ngày 6.7, UBND TPHCM có một cuộc họp về việc xây tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh tại công viên trước trụ sở UBND trên đường Nguyễn Huệ (đề án); sau đó, UBND TPHCM đã ra một văn bản khẩn có nội dung tổ chức lấy ý kiến người dân về việc xây tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh tại công viên trước trụ sở UBND trên đường Nguyễn Huệ thay cho bức tượng “Bác Hồ với thiếu nhi” của nhà điêu khắc Diệp Minh Châu (sẽ được đưa về đặt trong khuôn viên nhà thiếu nhi TPHCM).

Trước đó, lãnh đạo UBND TPHCM đã chấp thuận đề án. Theo đề án: Bức tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh mới, theo thiết kế là tượng đứng toàn thân cao 6,3m (đế cao 1,8m), bằng đồng; hạn chót ban tổ chức nhận mẫu phác thảo tượng là 15.8.2013, mẫu thiết kế tượng đài được chọn dựng sẽ được nhận khoản tiền thưởng 51 triệu đồng...

Hỏi ý kiến người dân về việc xây tượng đài là một hành động hợp ý dân của lãnh đạo TPHCM. Song, cũng cần phải nhắc lại, cách nay mấy năm, một cuộc trưng bày phác thảo tượng đài để dân, báo chí biết, góp ý về việc dựng tượng đài Bác Hồ - Bác Tôn trong công viên Thống Nhất (Hà Nội) cũng đã được tổ chức trong Nam, ngoài Bắc, nhưng rút cuộc, đây là bức tượng nhận được nhiều nhận xét không đồng tình hơn cả.

Câu chuyện tượng đài ở TPHCM sau thời gian im ắng lại được nêu ra, hy vọng trong bối cảnh chung như hiện nay, vấn đề làm đẹp bộ mặt thành phố bằng tượng đài sẽ được thực sự quan tâm và không “giậm chân
tại chỗ”...

Theo Thùy Ân