Khi thế giới "săn lùng" tác phẩm của một danh họa Việt...
(Dân trí) - Có thể nói, trong số các danh họa của Việt Nam, Lê Phổ là một trường hợp hiếm hoi để lại một gia tài hội họa đồ sộ và "đắt giá" xét cả về giá trị nghệ thuật và... thương mại.
Họa sĩ Lê Phổ (1907-2001) là họa sĩ bậc thầy của Việt Nam theo trường phái hậu ấn tượng. Sự nghiệp hội họa của ông đã để lại cho hậu thế nhiều tác phẩm đắt giá. Lê Phổ được mệnh danh là "cây đại thụ" trong làng mỹ thuật Việt Nam. Từ năm 1937, ông sang Pháp định cư và sinh sống tại Paris.
Hình ảnh người phụ nữ Việt xuất hiện trong nhiều tác phẩm của Lê Phổ. Ở giai đoạn đầu (1934-1945), người phụ nữ trong tranh ông thường mỏng manh, trang nhã, nhẹ nhàng. Giai đoạn tiếp theo (kể từ thập niên 1950), tranh sơn dầu của danh họa Lê Phổ vẫn đặt phụ nữ là tâm điểm, nhưng có thêm những nét tự do, phóng khoáng.
Phần lớn cuộc đời mình dù định cư tại Pháp, nhưng họa sĩ Lê Phổ vẫn luôn nhớ về quê hương với những tình cảm sâu đậm. Trong tranh ông, đất nước - con người Việt Nam luôn là nguồn cảm hứng bất tận, hồn Việt trong tranh ông luôn được thể hiện rất đậm đà, qua hình ảnh người phụ nữ, trẻ nhỏ và phong cảnh thiên nhiên.
Có thể nói, trong số các danh họa của Việt Nam, Lê Phổ là một trường hợp hiếm hoi để lại một gia tài hội họa đồ sộ, với sức sáng tạo đáng nể xuyên suốt sự nghiệp cầm cọ, gia tài ấy vừa có giá trị lớn lao về mặt nghệ thuật vừa rất "được giá" trên thị trường mỹ thuật.
Tại các phiên đấu giá tranh của hai nhà đấu giá uy tín hàng đầu thế giới là Christie và Sotheby, tranh của danh họa Lê Phổ luôn nhận được sự quan tâm lớn từ giới sưu tầm, luôn đạt được mức giá cao so với mặt bằng chung về giá trả cho các tác phẩm hội họa thực hiện bởi họa sĩ Việt Nam.
Qua thời gian, các tác phẩm của danh họa Lê Phổ đã nhiều lần xác lập kỷ lục về giá trả cho tác phẩm mỹ thuật thực hiện bởi họa sĩ người Việt (tại các phiên đấu giá công khai).
Hãy cùng chiêm ngưỡng lại những tác phẩm đắt giá của Lê Phổ từng xuất hiện trên thị trường đấu giá quốc tế: