Khi nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 lên tiếng: Không thể vùi dập những lời nói thật

Điều làm nhiều người ngạc nhiên nhất, là nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 - người có tiếng là hiền lành, kiệm lời, không chỉ trích ai, không chú ý đến gì khác ngoài chuyên môn - lại đưa ra những quan điểm riêng của mình về chất lượng của hàng loạt ''sao'' âm nhạc hiện nay.

Nhạc sỹ Nguyễn Ánh 9
Nhạc sỹ Nguyễn Ánh 9
 
Khán giả coi chừng bẫy truyền thông

Trong khi đề cao những tên tuổi như Tuấn Ngọc, Lệ Thu, Trần Thu Hà, Lê Hiếu, Hồng Nhung, Ánh Tuyết..., Nguyễn Ánh 9 có lời chê “hát thiếu cảm xúc” mà chú ý nhiều đến kỹ thuật đối với những giọng ca như Thanh Lam, Mỹ Linh, Mỹ Tâm, sau này là Nguyên Thảo và ví giọng ca Đàm Vĩnh Hưng chỉ như ca sĩ hát lót, còn Hồ Ngọc Hà thì khều khào, không có hơi.

Ngay lập tức, những phản hồi của cộng đồng mạng khá gay gắt trước những nhận xét của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9. Nếu như trước đây, Đàm Vĩnh Hưng sẵn sàng “đối chất” với người chê mình, thì lần này, anh tỏ ra tôn trọng ông, kêu gọi fan bình tĩnh, đừng hỗn hào với nhạc sĩ đáng kính.

Nói thật - theo quan điểm của không ít người trong giới nghệ sĩ - có nghĩa là mang vạ vào thân. Nhưng nếu không tôn trọng những ý kiến riêng của nghệ sĩ cho dù có chỗ đúng, chỗ sai; không chịu nghe những sự thật mất lòng, nhưng để sửa mình, thì đôi khi, nghệ thuật bị thế chỗ bởi những trò gian lận phi nghệ thuật.

Trước đây, ca sĩ đàn chị Bảo Yến từng đưa ra nhận xét của mình về các giọng ca hiện nay, thì đã bị “cơn bão mạng” ập đến chê trách bầm giập. Ca sĩ Thanh Lam vì một phút nói thật cũng bị “hạ bệ” bởi chính người từng thần tượng mình, đành im lặng giữa một “rừng pháo kích” của Đàm Vĩnh Hưng và fan hâm mộ. Nhiều nhạc sĩ- trong đó có Quốc Trung- cho rằng những lời nói thật tự nó đã có thể có ích cho giới nghệ sĩ. Có nói thật thì mới có thể thay đổi để làm nghệ thuật cho tử tế hơn, thay vì chỉ chăm chăm vào âm nhạc giải trí.

Thế nhưng, điều đáng buồn là những lời bình đầy giận dữ, lăng mạ đối với nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 lại truyền lan khắp nơi trên mạng. Đó không phải là cách ứng xử văn minh trước ý kiến riêng, quan điểm riêng của một nhạc sĩ có nghề.

Chê hay khen là quyền của mỗi người và những điều nhạc sĩ nói không phải là không có cơ sở, nhưng nếu đem “hạ bệ” người khác chỉ vì dám chê thần tượng của mình là không nên. Cũng không nên rơi vào bẫy truyền thông, nghĩa là tính chất tìm mọi cách gây sốc của báo mạng, không chừa cả một nhạc sĩ có uy tín, miễn gây được chú ý của người đọc, bỏ qua tính chính xác của lời nói được trích dẫn.

Nguyễn Ánh 9 là người đương thời

Trao đổi với Lao Động, ca sĩ Ánh Tuyết cho rằng, những lời nói thật trong giới showbiz thường bị phản ứng gay gắt, nên cho dù có muốn nói thật cũng phải né vì từng bị đập ngược lại. Vấn đề là ai cũng bị đưa lên mạng, bị chửi vung lên, trong khi những lời bình luận tốt thì không thấy đưa lên.

Có thể nói, đây là thời loạn của báo mạng, loạn thông tin, loạn suy nghĩ. Nhiều trang báo mạng đi ngược với chức năng giáo dục, không kiểm soát được ngôn ngữ có ý thức, gây ảnh hưởng không nhỏ với người được phỏng vấn. Cũng vì từng nói thật nhiều điều mà chính ca sĩ Ánh Tuyết cũng chịu không ít thiệt thòi.

Theo Ánh Tuyết, những người cho nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 lỗi thời là sai, ông đang là người đương thời. Mỗi người có một nhìn nhận khác nhau. Không nên áp đặt cách nghĩ của mình trước cách nhìn của người khác. Cách nhận xét của ông về các ca sĩ không có gì sai, không có gì quá đáng hay nặng nề.

Không phải ông chê những nghệ sĩ giải trí, nhưng ông chỉ ra điểm mạnh, điểm yếu của họ. Nghệ sĩ thì thường sĩ diện, còn fan thì lồng lên, nhưng làm gì cũng phải tỉnh. Đã là fan của người làm nghệ thuật, nếu cho người khác nói không đúng, thì dùng lý để nói lại cho họ cùng nghe, chứ không thể nói lung tung, thiếu văn hóa.

Thứ hai, lâu nay trong giới showbiz có nhiều điều cần nói, nhưng không ai dám lên tiếng vì sợ vạ miệng. Thứ ba, ảnh hưởng của những người viết báo không nhỏ, nếu vẫn còn những cây bút chạy theo thị hiếu, chạy theo đồng tiền, chỉ chuyên “săn” những gì gây sốc, gây sự tò mò của độc giả thì họ là nỗi sợ hãi của những nghệ sĩ chân chính. Và chính họ cũng tạo ra một lớp độc giả chuyên hùa theo, ham vui, dù họ ý thức những việc mình làm là không đúng.

“Chúng ta phải biết chấp nhận sự thật để thay đổi, không phủ định lời nói để làm đẹp hơn, tốt hơn một môi trường nghệ thuật, để mọi người đến được chân lý thực sự của nghệ thuật, của người thưởng thức, của văn hóa. Đừng khỏa lấp, né tránh những điều chưa hoàn thiện, vì quá yêu chính mình” - ca sĩ Ánh Tuyết chia sẻ.

Và lời tâm huyết của nhạc sĩ già thì còn đó: Nhạc giải trí là giải trí, không đọng lại gì, rồi từ từ cũng bị chìm vào quên lãng. Còn nhạc tử tế thì phải chờ một thời gian nữa để được nhìn nhận đúng với bản chất. Showbiz rất cần những lời nói thật, nói thẳng, có thể khen, chê không ngần ngại, miễn là không bị giới truyền thông bóp méo, không bị fan hâm mộ “vùi dập”, để nghệ sĩ có thể tiếp thu, học hỏi hoặc ít ra, cũng hiểu thêm về mình, thay vì sống trong một môi trường hào nhoáng và toàn lời khen giả dối.
 
 
Theo Minh Thi