Khi nam giới làm việc nhà và câu chuyện bình đẳng giới ở Yên Bái
26 người đàn ông xuất hiện trong bộ ảnh triển lãm Dự án “Nâng cao nhận thức và kỹ năng thực hành bình đẳng giới dành cho nam giới và gia đình”, trên tất thảy, ở họ luôn ánh lên niềm hạnh phúc của trái tim nồng ấm yêu thương.
Dự án “Nâng cao nhận thức và kỹ năng thực hành bình đẳng giới dành cho nam giới và gia đình” được thực hiện tại 2 xã Vĩnh Kiên và Yên Bình, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái.
Dự án do Trung tâm Nghiên cứu hỗ trợ gia đình và phát triển cộng đồng thực hiện tại địa bàn dân tộc thiểu số miền núi, hẻo lánh, xa xôi, nơi kinh tế còn khó khăn, công nghệ còn lạc hậu. Nhóm thực hiện bộ ảnh đã tìm ra và khắc họa rõ nét những gương mặt đàn ông, người chồng tiểu biểu qua những khoảnh khắc, hành động tưởng giản đơn, nhưng lại là những bí quyết xây dựng gia đình hạnh phúc.
Thấu hiểu sự vất vả đè nặng lên đôi vai bé nhỏ của người phụ nữ, những người đàn ông trong các gia đình mà Dự án tiếp xúc dù là người nông dân hay cán bộ, công chức, người dân tộc thiểu số hay người Kinh, ở lứa tuổi nào cũng biết cách thể hiện tình yêu thương với những người phụ nữ của mình.
Tình yêu thương đó thể hiện qua những quan tâm trìu mến để người phụ nữ có thời gian nghỉ ngơi, hồi phục sức khỏe và chăm sóc bản thân.
Có thể nói các anh ngày càng đẹp lên trong mắt người bạn đời, đó là vẻ đẹp nam tính, mạnh mẽ toát lên từ sự cảm thông chân thành và thấu hiểu mặc dù những cử chỉ chăm sóc của các anh còn lóng ngóng, vụng về khi làm những công việc nhà ''không tên'', ''không được trả công'' mà xưa nay vốn được mặc định dành cho phụ nữ.
''Chia sẻ việc nhà là hạnh phúc và niềm tự hào của đàn ông'', ''Cùng làm, cùng vui vẻ tận hưởng'', đó chính là thông điệp mà Dự án muốn gửi gắm và lan tỏa đến cộng đồng.
Dưới đây là một số hình ảnh triển lãm
Tại Ngày hội tham vấn ''Tình yêu - Hôn nhân - Gia đình'' do Trung tâm Phụ nữ và Phát triển, Hội LHPN Việt Nam phối hợp với trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, Trung tâm Nghiên cứu hỗ trợ gia đình và phát triển cộng đồng tổ chức, bà Phạm Thị Hương Giang, Giám đốc Trung tâm Phụ nữ và Phát triển thông tin: Báo cáo Nghiên cứu quốc gia năm 2010 về bạo lực đối với phụ nữ tại Việt Nam đã công bố, 58% phụ nữ Việt Nam đã từng bị ít nhất một hình thức bạo lực như đánh đập, phân biệt đối xử, cưỡng hiếp, xâm hại tình dục...; trong đó, bạo lực gia đình mà nạn nhân chủ yếu là phụ nữ là hình thức phổ biến nhất, nhưng lại ít bị tố giác và ít được báo cáo đầy đủ. Bà Hương Giang - nhấn mạnh: ''Bạo lực gia đình chỉ được hạn chế và chấm dứt khi chúng ta kiên quyết lên tiếng, kiên quyết thay đổi''. |