Khi Lê Thiết Cương làm thiết kế

(Dân trí) - Khi nói đến chuyên nghiệp chúng ta hay sa đà vào luận xem thế nào là chuyên nghiệp. Tuy nhiên với cá nhân tôi, chuyên nghiệp trước hết là thái độ đối với công việc mà mình đang làm hoặc giả một cách đùa cợt mà nói: chuyên nghiệp là chuyên bị cái nghiệp ấy nó đè. Với tôi, Lê Thiết Cương là một tay thiết kế chuyên nghiệp.

Khi Lê Thiết Cương làm thiết kế - 1

Hầu hết đám hoạ sỹ (kể cả điêu khắc) chuyên nghiệp đều đã từng ít nhất một lần trong đời thử làm design cái gì đó. Có người thì từ việc thử nghiệp cho vui trở thành nhà chuyên nghiệp, có người thành danh, thậm chí tạo ra hẳn một xu hướng (như họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc) và vô số thì chỉ dừng lại ở một vài thử nghiệm nho nhỏ cho vui.

Trong số nghệ sỹ thử sức trong việc làm design (thiết kế -PV) mà được nhiều người biết, thậm chí được giải thưởng quốc tế, bán được đồ design - chắc chắn không thể bỏ qua một cái tên: Lê Thiết Cương. Cương đã nổi tiếng vì anh là hoạ sỹ, anh là curator, người viết báo, người đanh đá và khó chịu, và cả việc anh làm thiết kế một cách chuyên nghiệp.

Khi nói đến chuyên nghiệp chúng ta hay sa đà vào luận xem thế nào là chuyên nghiệp. Tuy nhiên với cá nhân tôi, chuyên nghiệp trước hết là thái độ đối với công việc mà mình đang làm hoặc giả một cách đùa cợt mà nói: chuyên nghiệp là chuyên bị cái nghiệp ấy nó đè. Với tôi Cương là một tay thiết kế chuyên nghiệp.

Khi Lê Thiết Cương làm thiết kế - 2

Không thể nói hoặc kể ra số ghế sắt, bàn hoặc hộp hoặc khăn trải bàn.... mà Cương đã thiết kế bởi sẽ sa vào kể lể một cách hết sức vụn vặt. Cái mà tôi muốn nói, muốn kể ra đây chính là thái độ và cách tiếp cận với công việc design của Cương. Sự khác biệt chính, cái tạo nên khác biệt so với vô số designer (nhà thiết kế) khác ở xứ mình chính là cách anh bắt đầu và kết thúc việc thiết kế một vật gì đó.

Giống như một đạo diễn, Lê Thiết Cương luôn nhìn thấy chính xác hình thức món đồ mà Cương sẽ design. Món đồ đó dùng để làm gì, hiệu quả trong không gian đến đâu, áp lực thị giác cho người nhìn thấy như thế nào… là thứ được Cương xây dựng chậm rãi, chắc chắn với vô số sách và những buổi nhâm nhi cuối ngày để ồn ào nói về dự định với một đám bạn cũ kỹ, thân thuộc và thích uống.

Ý tưởng của Cương thường hình thành qua những đoạn thoại ồn ào, cao giọng và gay gắt nhưng chắc hiếm khi có ai nghe một cách nghiêm túc, bởi chúng bạn đã quá quen với việc đó. Qua những buổi gặp gỡ đó tôi hiểu Cương phát triển ý tưởng một cách vất vả, nặng nhọc và rất rắc rối với vô số lý luận kể cả về triết học hoặc tôn giáo để rồi Cương hài lòng với cái hình thức đơn giản nhất, xúc tích nhất. Lý thuyết về việc thiết kế đã xong trong rối rắm và vất vả để cuối cùng hình ảnh hoặc đồ thiết kế được hoàn thiện với sự lạnh lùng.

Họa sĩ Lê Thiết Cương
Họa sĩ Lê Thiết Cương

Với đồ design của Cương chúng ta không cần đọc thêm lời giới thiệu nào cũng như một ghi chú về chất liệu hoặc câu chuyện kèm theo cho mỗi món đồ đó. Không cần cả nức nở về ý thức tác giả hoặc ý thức của quá trình hoàn thiện sản phẩm của người thợ thực thi điều đó. Nó câm lặng, im thin thít nhưng đủ vang để kể cả những người vốn nặng tai hoặc mắt kém cũng cảm thấy đầy đủ thông điệp vốn ít nhưng sắc, nặng. Và luôn luôn, dù làm gì, mục đích thẩm mỹ là thứ anh không bao giờ thoả hiệp hay lạc hướng.

Tất cả những thứ kể lể ở trên có thể không khái quát được về Cương làm design nhưng có một điều chắc chắn: Cương là nghệ sỹ làm design có lý thuyết chắc chắn. Hình thức được xây dựng bởi lý trí, kiến thức nên đồ Cương sáng tạo ra luôn có một sự nhất quán, một thông điệp hoặc một hình thức khó mà thêm nếm. Điều này vốn dị biệt trong giới làm việc sáng tạo bởi hầu hết các nghệ sỹ làm design đều để tình cảm dẫn dắt.

Với những món đồ mà hình thức khá triệt để được hoàn thiện một cách lạnh lùng thật khó cho những ai muốn sao chép chúng nhưng lại là cảm hứng của không ít đồng nghiệp.

Và trên con đường làm design đầy sự phấn khích mà tôi rẽ vào, nhìn sang Lê Thiết Cương - tôi thấy mình không đơn độc, thậm chí thấy được kích ứng, thấy mình “mọc chồi nở hoa”.

Khi Lê Thiết Cương làm thiết kế - 4

Khi Lê Thiết Cương làm thiết kế - 5

Và chúng tôi, hai kẻ trái ngược từ lối sống đến tư duy sáng tác, hơn 20 năm đi cạnh nhau bằng sự yêu quý và lòng trân trọng. Đến một ngày nào đó nghĩ rằng, hẳn nên “làm một cái gì đó” hay ho và thích thú cùng nhau.

Chính vì vậy, triển lãm “Múa đôi - Duo Design” được diễn ra.

Họa sĩ Lê Thiết Cương và nhà điêu khắc Đinh Công Đạt sẽ cùng “múa đôi” trong triển lãm “Duo Design” (10-13.5 tại Press Club- 59a Lý Thái Tổ - Hà Nội).Tác phẩm design của Lê Thiết Cương trong triển lãm gồm: ghế sắt (trích trong bộ sưu tập 49 chiếc ghế sắt sơn màu anh thực hiện năm 2001); bộ bình sơn mài trên gốm (trong đó có chiếc bình Hạt Gạo được giải thưởng Good Design Award - Asean Design Selection năm 2003); bộ bình gốm vẽ tay... Tác phẩm design của Đinh Công Đạt phát triển trên cảm hứng về nghề thủ công và đồ thiết kế truyền thống: ghế sắt rèn chạm hoa văn, bàn và đôn làm từ thớt gỗ vẽ sơn mài, bàn từ mâm cổ và thớt làm sơn mài kết hợp với chân đồng, hộp và tráp chế tác sơn mài…Vào chiều ngày 11.5, hai nghệ sĩ sẽ có buổi Artist talk về quan niệm design với các nhà thiết kế trẻ, sinh viên Mỹ thuật và những công chúng có quan tâm.

Nhà điêu khắc Đinh Công Đạt

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm