Triển lãm của họa sỹ Lê Thiết Cương: đưa Thơ vào Gốm

(Dân trí) - Triển lãm và buổi ra mắt cuốn sách cùng tên “Thơ Gốm” của họa sỹ Lê Thiết Cương là triển lãm nghệ thuật mở màn năm Đinh Dậu của Gallery 39 nhân ngày Thơ Việt Nam (11/2/2017). Triển lãm đã thu hút nhiều văn nghệ sỹ và người yêu tranh đến tham dự.

Chiều 10/2, 40 câu thơ trích trong các tác phẩm của 40 nhà thơ Việt Nam đã được họa sỹ Lê Thiết Cương minh họa trên nền gốm Bát Tràng tại Gallery 39 (39 Lý Quốc Sư, Hà Nội). Đây là những tác phẩm độc bản, từ chính những bàn tay của nghệ nhân làng Bát Tràng vuốt nặn. Đặc biệt hơn, những tác phẩm được tạo ra từ lò nung bằng củi trong lò bầu truyền thống thay vì lò ga ngày nay. Những tác phẩm thơ gốm giúp những vần thơ trở thành hình hài, màu sắc đậm hay nhạt, mảng và nét, bố cục; giúp thơ có một không gian dài và rộng hơn.

Tác phẩm gốm và cuốn sách Thơ Gốm
Tác phẩm gốm và cuốn sách "Thơ Gốm"
Cuốn sách Thơ Gốm
Cuốn sách "Thơ Gốm"

Họa sỹ Lê Thiết Cương đã nảy ra ý tưởng vẽ và minh họa thơ trên gốm từ năm 2002 nhưng cho tới 15 năm sau, ý tưởng đó mới trở thành hiện thực. Ông chia sẻ: “100 nhà làm gốm ở Bát Tràng thì chắc có lẽ 99 nhà dùng lò ga nhưng tôi vẫn tìm được một gia đình họ sử dụng cả lò ga và lò bầu. Cuối cùng, họ quyết định giúp tôi thực hiện dự án. Ngôn ngữ của thơ trên gốm khi sử dụng lò bầu đun củi truyền thống sẽ hay và độc đáo hơn sử dụng công nghệ hiện đại của lò ga”.

Bên cạnh triển lãm “Thơ Gốm”, ông còn cho ra mắt cuốn sách cùng tên với độ dày 92 trang với 40 tác phẩm của các nhà thơ Việt Nam, có thể kể tới một số tên tuổi nổi tiếng trong làng văn thơ: Văn Cao, Hữu Ước, Lưu Quang Vũ, Trịnh Công Sơn…

Tác phẩm gốm Lê Thiết Cương cảm thấy khó minh họa nhất
Tác phẩm gốm Lê Thiết Cương cảm thấy khó minh họa nhất
Họa sỹ Lê Thiết Cương phát biểu trong triển lãm
Họa sỹ Lê Thiết Cương phát biểu trong triển lãm

Đến với buổi triển lãm lần này, nhà thơ Nguyễn Thụy Kha- người cung cấp tư liệu và biên tập cho cuốn sách phát biểu: “Tôi sung sướng vì triển lãm của Lê Thiết Cương đã đóng góp cho nền thơ dân tộc một điều gì đó mới mẻ, đó là sự thẩm thấm của hội họa bằng tình yêu với thơ ca”.


Tác giả Hàm Anh chia sẻ: Bản thân sự kết hợp thơ và gốm đã mang tính thơ, một sự kết hợp giữa trời và đất, gốm và thơ. Tôi cảm thấy thú vị khi một lần nữa nhìn thấy câu thơ của mình được sống 1 đời sống khác trong 1 thứ ngôn ngữ khác.

Tác giả Hàm Anh chia sẻ: "Bản thân sự kết hợp thơ và gốm đã mang tính thơ, một sự kết hợp giữa trời và đất, gốm và thơ. Tôi cảm thấy thú vị khi một lần nữa nhìn thấy câu thơ của mình được sống 1 đời sống khác trong 1 thứ ngôn ngữ khác".

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều (ở giữa) phát biểu.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều (ở giữa) phát biểu.

Triển lãm còn kéo dài tới hết ngày 17/2/2017.

-Họa sỹ Lê Thiết Cương đã có 13 triển lãm cá nhân trong và ngoài nước từ năm 1991.

-Ông thích gốm, thích những câu thơ hay nhiều người chưa biết tới.

-Tranh của ông còn góp mặt trong bộ sưu tập của Bảo tàng Quốc gia Singapore.

-Ngoài ra, ông còn tham gia một số hoạt động khác: giám tuyển cho các hoạt động nghệ thuật, thiết kế sân khấu và thiết kế và minh họa cho các ấn phẩm của các nhà văn, thơ và phê bình văn học.

(Nguồn: Lời giới thiệu của cuốn sách “Thơ Gốm”)

Ngân Hà