Đạo diễn Quang Dũng:

“Khi có tiền, tôi sẽ làm phim khác đi”

(Dân trí)- Bị chê tơi tả, nhưng bộ phim Tết- “Mỹ nhân kế” của đạo diễn Quang Dũng vẫn lập kỷ lục doanh thu chưa từng có ở thị trường điện ảnh Việt, hơn 50 tỷ đồng. Đạo diễn Quang Dũng có buổi trò chuyện với phóng viên Dân trí về “mưu kế” làm phim.

Bên lề LHP Quốc tế Hà Nội diễn ra hồi tháng 11/2012, người ta có bàn đến điện ảnh Việt đương đại. Vẫn là những câu chuyện cũ, nhưng phù hợp để đặt câu hỏi với anh. Rằng, nếu cứ mải chạy theo những bộ phim kiếm tiền kiểu như Mỹ nhân kế, điện ảnh Việt sẽ lấy đâu ra bản sắc riêng để tham dự những LHP quốc tế?

Tôi nghĩ điện ảnh có những giai đoạn phát triển cụ thể. Chúng ta đang chia ra hai dòng phim, tạm gọi là phim tác giả (phim nghệ thuật) và phim đại chúng (phim giải trí). Ở giai đoạn này, điện ảnh chúng ta đang thiếu những bộ phim đại chúng để kéo khán giả tới rạp xem phim Việt, nên tôi cho rằng, chúng ta cần thiết phải xây dựng một thị trường ổn định, ở đó, những nhà làm phim Việt có thể sống được bằng nghề trước đã.

Ví dụ điện ảnh Mỹ, một năm họ sản xuất rất nhiều phim giải trí, và rất nhiều phim nghệ thuật. Họ có nền điện ảnh đủ mạnh để phát triển sinh động và đa dạng. Chúng ta chưa đủ sức để làm được như vậy.

Cá nhân tôi thấy mình phù hợp với dòng phim nào, tôi theo dòng phim đó. Tôi cố gắng làm tốt nhất những gì mình có thể. Tính cách của tôi cũng hợp với đại đa số khán giả.
 
Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng
Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng
 
 
“Mỹ nhân kế” có thể xem là ví dụ điển hình về “sự phù hợp với đại đa số khán giả” của anh. Phim bị giới chuyên môn chê nhạt, hời hợt, chỉ lấy dàn “mỹ nhân” để câu khách, bán vé. Có ý kiến cho rằng, đã đi xem phim của Dũng “khùng” thì đừng chờ đợi bộ phim đó sẽ sâu sắc hay ám ảnh…

Tôi cũng không có ý định ám ảnh ai. Tôi không đặt ra mục đích ấy cho bộ phim của mình. Tôi nghĩ rằng, bộ phim là một câu chuyện, một cảm xúc muốn chuyển tải, qua thời gian, mỗi bộ phim sẽ có số phận của riêng mình.

Tôi thấy, giữ chân khán giả ngồi trong rạp gần 2 tiếng đồng hồ đã là một việc khó rồi. Tôi không đòi hỏi những gì quá sức với mình.

Trở lại với câu chuyện về bản sắc điện ảnh Việt trước các LHP quốc tế. Có thể, chính vì nhiều đạo diễn có cách nghĩ giống như anh, làm phim để kiếm tiền, để sống được bằng nghề trước đã, nên điện ảnh Việt đang được ví là “đống hổ lốn” của những phim giải trí thảm họa… Điện ảnh Việt có thể trông đợi vào ai, nếu như không phải là những đạo diễn trẻ như anh?

Đừng đòi hỏi một người có thể làm được quá nhiều thứ. Cách đây vài năm, khi điện ảnh được bao cấp, sống bằng tiền nhà nước, dư luận chỉ trích điện ảnh sống bám. Cũng chính vì sự bế tắc này, những hãng phim tư nhân xuất hiện, tự bỏ tiền làm phim. Những nhà làm phim chúng tôi nói gì thì nói, cũng phải theo thời cuộc.

Bộ phim Gái nhảy của đạo diễn Lê Hoàng chính là một minh chứng cho việc làm phim mới, nếu nhà làm phim quan tâm đến khán giả, phim sẽ có khán giả.

Thị trường điện ảnh Việt từng tràn ngập phim ngoại. Việc lấy lại được thị trường phim cũng là một nhiệm vụ quan trọng, và là lộ trình phải đi của điện ảnh nhiều quốc gia, không chỉ có Việt Nam.

Hơn nữa, khi tôi nhận tiền của nhà sản xuất phim tư nhân, tôi phải có trách nhiệm với đồng tiền của họ. Nhà sản xuất tư nhân làm phim để kinh doanh, đó là mục đích chắc chắn. Khi phim của tôi được đầu tư, sứ mệnh của tôi là phải mang doanh thu về.
 
Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng

Hệ lụy của mối quan hệ đạo diễn- khách hàng là những phim giải trí nhảm nhí ra rạp. Vậy theo anh, khán giả đã làm… “hư” các nhà làm phim, hay chính các nhà làm phim đã làm “hư” khán giả?

Không ai làm hư ai cả. Bạn chỉ nói như vậy khi bạn không bỏ tiền đầu tư cho điện ảnh. Khi bạn bỏ tiền túi của mình ra làm phim, bạn sẽ nghĩ khác. Đúng là phim hài nhảm đang hơi nhiều. Nhưng tôi nghĩ, khán giả bây giờ họ xem nhiều phim Mỹ, phim Hàn, họ tiếp xúc với điện ảnh thế giới hằng ngày, họ thừa biết phim nào hay, phim nào dở. Những phim quá nhảm nhí, rồi sẽ bị đào thải. Nhà sản xuất phim cũng thừa sức nhìn thấy thực tế này để cân đối giữa tính giải trí và chất lượng kịch bản trong mỗi dự án phim đầu tư.

Như tôi đã nói, điện ảnh có từng giai đoạn phát triển khác nhau. Khi có 1 triệu đồng tiền vốn, bạn kinh doanh mặt hàng này, khi có 100 triệu đồng tiền vốn, bạn sẽ kinh doanh cái khác. Vấn đề của mỗi đạo diễn là phải biết nuôi khách hàng, hướng tới tầm xa hơn là giữ khách hàng để chuẩn bị cho những dự án trong tương lai.

Khi có tiền, tôi cũng nghĩ mình sẽ làm phim khác đi.
 
Mỹ nhân kế lập kỷ lục doanh thu, dù bị chê nhạt


Mỹ nhân kế lập kỷ lục doanh thu, dù bị chê nhạt
"Mỹ nhân kế" lập kỷ lục doanh thu, dù bị chê nhạt

Nghĩa là, đến một lúc nào đó, những câu chuyện trong phim của anh sẽ được đầu tư hơn về nội dung, để nó là câu chuyện được nhớ lâu, là câu chuyện có sức ám ảnh với nghệ thuật…? Và cũng có nghĩa là, đằng sau những bộ phim giải trí màu mè, sâu thẳm bên trong anh cũng thích những bộ phim có chiều sâu?

Không, thật ra, tôi không thích những câu chuyện có sức ám ảnh. Khi còn học ở trường Sân khấu Điện ảnh, tôi cũng thích xem những bộ phim Iran, những bộ phim của Kim Ki Duk… nhưng xem nhiều thấy nặng nề, mệt mỏi. Tôi thích xem phim theo kiểu… hưởng thụ, được vui vẻ, thoải mái. Tôi rất thích xem phim hoạt hình là vì thế.

Tôi chỉ nghĩ, đến một lúc nào đó, tôi thích có những dự án riêng, đằm hơn. Khi dùng tiền của người ta, mình phải làm phim cho mục đích doanh thu. Khi mình được làm bộ phim theo ý thích, sẽ khác.

Nhưng tôi nghĩ, “tạng” của tôi đã như thế này rồi, luôn thích lối xem phim hưởng thụ, và thích cách làm phim hướng tới khán giả.

Khi được làm một bộ phim theo ý thích của mình, tôi cũng chỉ nghĩ, với số tiền đó, ở thời điểm đó, khán giả sẽ thích gì? Và tôi cố gắng để làm được một bộ phim kỳ công, ra mắt đúng thời điểm, thế là vui rồi. Tôi vui sướng khi vừa làm phim, vừa “đo” khán giả.

Tôi không đặt ra tiêu chí phim phải sâu sắc, được nhớ lâu, hay có sức ám ảnh. Tôi biết mình chẳng ám ảnh được ai!

 
 
Hiền Hương thực hiện