Khi ảo thuật gia "tung hứng" với... mạng sống
(Dân trí)- Ảo thuật gia nổi tiếng người Mỹ David Blaine, 39 tuổi, vừa kết thúc chương trình biểu diễn của mình vào sáng ngày 9/10 sau ba ngày đêm liên tục đứng giữa những luồng điện 1 triệu vôn tại cầu tàu 54, thành phố New York (Mỹ).
Tiết mục biểu diễn của David Blaine tại New York
Sau khi kết thúc chương trình biểu diễn kéo dài suốt 72 tiếng đồng hồ liên tiếp không nghỉ, David Blaine vẫn có thể đi được, nhưng cần có người dìu. Ngay sau đó anh đã được đưa tới bệnh viện để kiểm tra sức khỏe.
Trong chương trình biểu diễn của David Blaine, khán giả chính là những người điều khiển dòng điện phóng vào Blaine. Tiết mục này thoạt tiên nghe có vẻ rất mạo hiểm nhưng David Blaine được trang bị một bộ đồ có thiết kế đặc biệt, dòng điện sẽ chạy qua lớp áo giáp sắt này và hoàn toàn không gây nguy hiểm cho David. Chỉ có điều ảo thuật gia này đã thực hiện màn biểu diễn suốt 72 tiếng liên tiếp không ngủ và đó chính là mối đe dọa lớn nhất tới tình trạng sức khỏe của anh vào lúc này.
Blaine là nghệ sĩ ảo thuật từng đoạt nhiều giải Guinness thế giới, những màn biểu diễn của anh luôn thách thức với những giới hạn chịu đựng và sức bền của cơ thể con người. Có thể điểm lại một số tiết mục gây ấn tượng nhất của Blaine trong những năm qua:
Tiết mục “Buried Alive” (Chôn sống)
Tiết mục mạo hiểm đầu tiên đưa tên tuổi David Blaine đến với quảng đại công chúng được thực hiện năm 1999, khi anh 26 tuổi. Sau khi đã nổi tiếng với những trò ảo thuật đường phố ấn tượng và chương trình truyền hình ăn khách làm về ảo thuật của đài ABC, Blaine bắt đầu thử sức bền của cơ thể. Trong tiết mục này, anh nằm trong một chiếc quan tài bằng kính trong suốt, trên đó đặt một bình thủy tinh khổng lồ chứa 3 tấn nước. Những người tới xem vẫn có thể nhìn xuyên qua và thấy Blaine nằm trong quan tài kính suốt 7 ngày.
Tiết mục “Frozen in Time” (Đóng băng)
Năm 2000, Blaine thực hiện màn trình diễn có tên Frozen in time, trong đó anh đã đứng bất động suốt hơn 63 tiếng đồng hồ trong một khối nước đá khổng lồ tại quảng trường Times, New York. Một ống cao su được nối vào trong khối băng đá cung cấp dưỡng khí và truyền nước uống. Sau ba ngày đứng trong khối băng, những người giám sát cuộc biểu diễn đã quyết định dùng cưa máy xẻ khối băng ra và đưa anh tới bệnh viện vì lo ngại cơ thể Blaine sẽ bị sốc khi phải chịu đựng một điều kiện nhiệt độ khắc nghiệt như vậy trong thời gian dài.
Tiết mục “Vertigo” (Hoa mắt)
Năm 2002, Blaine không thử nghiệm với trò giam giữ cơ thể nữa, thay vào đó anh chọn tư thế cúi nhìn xuống trong suốt 35 tiếng đồng hồ từ một bức tường có chiều cao 30,4 m, rộng 0,7 m nằm trong công viên Bryant tại New York. Xung quanh anh hoàn toàn không có khung bảo hiểm an toàn và chỉ có hai tay cầm điều khiển tự động đưa ra để Blaine bám vào khi có gió lớn. Sau 35 tiếng đồng hồ, chịu đựng gió rét, Blaine tự nhảy xuống đống hộp các-tông đặt bên dưới vì anh bắt đầu có những triệu chứng bị choáng.
Tiết mục “Above the Below” (Nhịn đói trên không trung)
Năm 2003, Blaine tới London và thực hiện màn trình diễn 44 ngày đêm nhịn đói và nhốt trong thùng kính trong suốt, treo lơ lửng ở độ cao 9 m tại công viên Potters Fields, bên bờ nam con sông Thames. Trong 44 ngày, David không ăn gì và duy trì sự sống bằng 4,5 lít nước uống mỗi ngày. Sau màn biểu diễn đó David đã giảm 24,5kg, tương đương với 25% trọng lượng trước đó của anh.
Tiết mục “Drowned Alive” (Ngâm mình trong nước muối)
Trong một pha biểu diễn nguy hiểm tính mạng hồi năm 2006, David Blaine đã nhốt trong bồn nước muối tại Trung tâm Lincoln, thành phố New York. Đây là một thử thách cực kỳ nguy hiểm bởi sau thời gian ngâm mình trong nước muối, da người sẽ bị nhăn nhúm, phồng rộp và dễ rách. Cảm giác đau nhức toàn thân chắc chắn sẽ hành hạ cơ thể. Trong một tuần liên tiếp, David Blaine sống bằng thức ăn lỏng dẫn qua ống truyền và đẩy cơ thể đến giới hạn chịu đựng cuối cùng một cách mạo hiểm.
Tiết mục “Revolution” (Xoay vòng trên không)
Quay trở lại quảng trường Times năm 2006, Blaine treo mình trong một hệ thống vòng xoay tự động có tần suất đảo vòng 8 lần/phút. Trong liên tiếp 52 tiếng đồng hồ, Blaine treo mình trên con quay đảo chiều đó và nhìn ngắm Manhattan từ độ cao 9.1 m.