Hà Tĩnh:

“Khánh Mặc Trai” ở đền cổ được đề nghị công nhận là Báu vật quốc gia

(Dân trí) - Khánh Mặc Trai, nơi khắc ghi những kiệt tác là những bài thơ đi sứ, các bài văn đá của Đốc trấn Cao Bằng, Phó chánh sứ nhà Thanh tại triều đình Lê- Trịnh của ngài Hoàng Giáp Đinh Nho Hoàn (1617-1715) tại đền Gội Vị, xã Sơn Hòa, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) vừa được đề nghị công nhận là Báu vật quốc gia.

Khánh Mặc Trai ở Hương Sơn, Hà Tĩnh được đề nghị ghi nhận là Báu vật quốc gia

Hội thảo Hoàng Giáp Đinh Nho Hoàn, Danh nhân lịch sử văn hóa vừa diễn ra ngày 14/11 tại huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh. Tại Hội thảo đã có rất nhiều tham luận của các nhà khoa học, các học giả, các nhà nghiên cứu đi sâu phân tích về bối cảnh lịch sử, công lao to lớn trong quá trình giữ các chức vụ Đốc trấn Cao Bằng, Phó chánh sứ nhà Thanh tại triều đình Lê- Trịnh của ngài Hoàng Giáp Đinh Nho Hoàn.

Hội thảo đã quan tâm đến tình trạng khu vực quần thể đền Gôi Vị, xã Sơn Hòa, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh, nơi lưu giữ những giá trị văn học của ông qua các bài thơ đi sứ, các bài văn đá được khắc trên Khánh Mặc Trai và các bài vị tại đền.

Theo tư liệu lưu giữ về Khánh Mặc Trai tại đền Gội Vị , vào năm Nhâm Thìn niên hiệu Vĩnh Thịnh năm thứ 8 (1712), Đinh Nho Hoàn được vua ban Đệ nhị giáp tiến sỹ xuất thân (tức Hoàng Giáp) khoa Canh Thìn (1700). Để ghi nhớ công ơn của những người cung tiến tiền của, ruộng đất xây dựng đền Gôi Vị, Hoàng Giáp Đinh Nho Hoàn đã bỏ tiền mua khối đá thanh rất to, vận chuyển về rồi nhờ một ông quan Bồi Tụng Hoàng tín đại phu Thượng Bảo tự, người ở thôn Vĩnh Đúc làm vào tháng giêng, năm Cảnh Hưng thứ 17(1756). Sau gần 3 năm ròng rã làm việc cật lực, người thợ mới hoàn thành được chiếc khánh đặc biệt này.

“Khánh Mặc Trai” ở đền cổ được đề nghị công nhận là Báu vật quốc gia - 1
Toàn cảnh Khánh Mặc Trai được làm bằng khối đá nguyên. Khánh được treo bằng giá đỡ bằng hai cột đá vững chắc.

Khánh được bố trí 2 cột trụ 2 bên đều làm đá thanh để treo khánh lên giá đỡ. Mỗi cột trụ có chiều cao là:1.39cm, nhưng về cấu trúc, thiết kế mỗi trụ lại không giống nhau về kích thước chiều rộng lẫn cách bài trí (cột trụ phía ngoài đi vào) có bản rộng 19cmx21cm. Cả 4 mặt của cột trụ đều được bố trí chạm khắc họạ tiết xung quanh, phần giữa trụ khắc họ, tên của 7 người dân có công cung tiến tiền của, ruộng đất, áo mũ để phục vụ công tác tế lễ diễn ra hội hàng năm.

Chiếc Khánh có hình thù giống như chiếc rìu Thạch Sanh, 2 đầu có hình đầu rồng
Chiếc Khánh có hình thù giống như chiếc rìu Thạch Sanh, 2 đầu có hình đầu rồng

 

Cột trụ phía trong (từ ngoài đi vào) có kích thước rộng hơn cột trụ phía ngoài (bản rộng 23cm x25cm) nhưng lại không chạm khắc chữ và họa tiết.

Phía trên cùng để làm giá đỡ, được dùng bằng vật liệu gỗ lim, có chiều dài là:1.30cm, rộng 31cm,độ dày:21cm,ở giữa phần trung tâm được khoan 2 lỗ để treo Khánh lên khỏi mặt đất 20cm. Dây treo Khánh dài 75cm và được sử dụng bằng loại xích làm rất chắc chắn.

Chiếc Khánh có hình thù giống như chiếc rìu Thạch Sanh, 2 đầu có hình đầu rồng, do quá trình sử dụng phần đầu rồng không còn nguyên vẹn. Mặt Khánh chỗ rộng nhất là 86cm, cao 58cm, dày 17cm, phần eo phía trên Khánh còn lại 39cm. Hai bên mặt Khánh được khắc chữ rất tinh xảo.

Theo quan sát có thể thấy phong cách thiết kế, sử dụng kích thước của tác phẩm Mặc Trai Khánh mang tính đặc trưng là toàn lấy số lẻ, còn số chẵn sử dụng rất hữu hạn.

Nội dung chữ của tác giả (Hoàng Giáp Đinh Nho Hoàn) khắc trên mặt Khánh được dịch giả Ngô Đức Thọ dịch có nội dung: “Phàm vật ở yên thì lặng, gõ vào thì kêu. Nhưng âm thanh phát ra thì mỗi vật mỗi khác. Âm thanh của Khánh phát ra trong trẻo mà có tiết tấu; nhạt nhẽo mà cao vang: tựa như có cái cao thượng của con người, ta vì vậy mà yêu thích âm thanh của Khánh, bèn xuất tiền làm một chiếc, treo ở bên trái am, đặt tên là “ Khánh Mặc Trai”để tăng thêm ý chí của ta”.

Bây giờ là đời Hoàng Triều ngày tốt tháng trọng thu (tức tháng 8) năm Nhâm Thìn, niên hiệu Vĩnh Thịnh muôn muôn năm, năm thứ 8 (1712) người được vua ban Đệ nhị giáp tiến sỹ xuất thân (tức Hoàng Giáp) Khoa Canh Thìn (1700) quê huyện Hương Sơn, châu Hoan là Đinh Nho Hoàn, tự Tồn Phác kính cẩn soạn.

Tại cuộc hội thảo, PGS-TS Đinh Quang Hải, Viện trưởng Viện Sử học VN đã đề nghị lên Cục di sản VN công nhận “Khánh Mặc Trai” đền Gôi Vị là “Báu vật quốc gia”.

PGS-TS Đinh Quang Hải, Viện trưởng Viện Sử học VN đã đề nghị lên Cục di sản VN công nhận “Khánh Mặc Trai” đền Gôi Vị là “Báu vật quốc gia”.
PGS-TS Đinh Quang Hải, Viện trưởng Viện Sử học VN đã đề nghị lên Cục di sản VN công nhận “Khánh Mặc Trai” đền Gôi Vị là “Báu vật quốc gia”.

 

Sau khi PGS-TS Đinh Quang Hải đề nghị Cục di sản công nhận Khánh là ”Báu vật quốc gia”, ông Đinh Nho Qùy, Tộc trưởng họ Đinh Nho đã làm việc với UBND xã Sơn Hòa và UBND huyện Hương Sơn-Hà Tĩnh để bàn biện pháp phối hợp với các lực lượng công an, nhằm tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, bảo vệ và giữ gìn trật tự an ninh tại khu vực đền Gôi Vị để phục vụ du khách đến tham quan thưởng ngoạn.

Minh Lý