Khánh Huyền hé lộ cát-sê “khủng” thời đóng phim với Quốc Tuấn thập niên 90
(Dân trí) - “Thời đó, diễn viên chính đóng một tập được 600 nghìn đồng. Đó là mức cát-sê rất cao vì vàng hồi đó có hơn 300 nghìn một chỉ thôi”, Khánh Huyền kể.
Thời gian gần đây, nhiều bộ phim “đình đám” của thập niên 90 được khán giả “xới lại”, trong đó có phim “Người vác tù và hàng tổng” do chị và nghệ sĩ Quốc Tuấn đóng vai vợ chồng. Cảm xúc của chị như thế nào về câu chuyện này?
Bộ phim “Người vác tù và hàng tổng” bắt đầu quay vào cuối năm 1998, đầu năm 1999 nhưng phát sóng năm 2001. Tôi đóng khá nhiều phim truyền hình nhưng khi vào Sài Gòn sinh sống, khán giả vẫn nhớ tới vai Thơm trong phim này nhiều nhất. Ngoài ra, có một phim cũng được nhiều người nhớ đến đó là “Ngọt ngào và man trá”, tôi đóng chung với cố diễn viên Lê Công Tuấn Anh.
Bây giờ, thỉnh thoảng bắt gặp trên mạng những đoạn clip ngắn cắt ra từ phim, khi xem lại tôi vẫn thấy thú vị. Bởi nó tái hiện đúng bối cảnh một thời ở nông thôn miền Bắc đó là cuộc sống khó khăn nhưng rất đậm tình người. Các nhân vật thời đó dù có chút ngô nghê nhưng rất duyên dáng và chân thật. Các diễn viên thể hiện vai cũng rất hết mình và tròn vai dù phương tiện quay lúc đó thô sơ và thiếu thốn.
Sở dĩ như thế là bởi hồi đó không có nhiều phim để chạy “sô” như bây giờ. Các diễn viên đã đóng phim nào là dành tâm sức cho phim đó. Tôi nhớ, ngày xưa quay kỹ lắm, 6 - 7 ngày mới xong một tập chứ không phải quay khoán như nhiều năm trở lại đây. Mãi gần đây, khi quay “Gạo nếp gạo tẻ” phần 2 tôi mới thấy tiết tấu chậm lại và người ta trau chuốt kỹ lưỡng cho từng thước phim hơn.
Ngày xưa, chị và NSƯT Quốc Tuấn đóng chung với nhau những phim nào?
Ngày xưa, khi còn công tác ở Nhà hát Tuổi trẻ, chúng tôi sinh hoạt cùng đoàn kịch. Trên sân khấu, hai anh em có đóng chung vài vở kịch. Trên phim ảnh, chúng tôi đóng với nhau phim truyện nhựa “Lời thì thầm của chiến tranh” của đạo diễn Nguyễn Quang - Đặng Tú Mai. Trong phim, chúng tôi đóng vai công nhân Nhà máy Gang thép Thái Nguyên. Tôi với nghệ sĩ An Chinh đóng vai bạn thân. Nhân vật của tôi là Son thích nhân vật Phê của Quốc Tuấn, còn Phê lại thích nhân vật Nương của An Chinh.
Trong một lần đi tập văn nghệ buổi đêm, khi Phê đưa Son về thì máy bay Mỹ ném bom, cả hai phải vào hầm trú ẩn. Tại đây, hai người không kiểm soát được cảm xúc nên đã có những phút giây mặn nồng với nhau. Sau đó, Phê lên đường vào chiến trường theo tiếng gọi Tổ quốc. Ở nhà, Son tôi bị trúng bom hy sinh, Nương đã nhận nuôi con gái của bạn. Cuối phim, Phê trở về và gặp được con gái.
Thời đó, việc nhận vai “hữu xạ tự nhiên hương” lắm, không ai biết trước được gì. Các vai hầu như đạo diễn đến tận nhà mời đóng luôn. Thậm chí, khi tôi sinh bé đầu lòng xong không muốn đóng phim nữa, đạo diễn Bạch Diệp còn đến tận nhà thuyết phục tôi đi làm. Nói chung diễn viên thời đó rất nhiều đất diễn dù phim không nhiều như bây giờ. Thường những vai được mời là những vai rất phù hợp với mình.
Tôi nhớ, đợt đó tôi đi lưu diễn ở Đông Âu với Nhà hát Tuổi trẻ, khi về đến nhà thì thấy trên bàn đã có một tập kịch bản. Tôi có nghe mẹ kể có người đến tận nhà gửi kịch, bản kèm theo lời nhắn: “Huyền đọc kịch bản đi, đoàn đang quay rồi, chờ Huyền về để quay phần của Huyền”. Lúc chưa đọc kịch bản tôi nghĩ “chắc vai này phải hợp với mình lắm đạo diễn mới tha thiết thế”.
Nhưng mở trang đầu tiên của kịch bản ra đọc thì tôi tá hoả lên. Đó là một cô nông thôn đã có chồng, chua ngoa, đanh đá, hài hài, hóm hóm… Trước giờ tôi toàn đóng vai gái đẹp thành phố, hiền lành, có số phận buồn. Nói chung vai đó chẳng có tí gì giống với tôi ở ngoài đời cả. Tôi liền gọi điện cho anh Phi Tiến Sơn bảo: “Anh có nhầm, có lộn không, sao lại mời em đóng vai này?”. Anh ấy bảo: “Anh thấy vai này hay và nghĩ Huyền làm được”. Anh ấy ra sức thuyết phục và cho biết anh Quốc Tuấn đóng vai nam chính. Tôi không còn có cơ hội từ chối nên nhận vai.
Những ngày đầu đi quay, gặp anh Tuấn, tôi còn chia sẻ là chưa bao giờ đóng dạng vai này nên cũng hơi lo. Anh Tuấn động viên tôi: “Không sao đâu, anh em mình cứ làm đi, cứ tung hứng đúng theo tình huống là được”. May mắn là tôi với anh Tuấn biết nhau từ trước nên không có sự ngại ngùng khi đóng vợ chồng. Chúng tôi hoà vào nhân vật rất nhanh, tung hứng khá ăn ý và càng làm càng thấy thích.
Khi thực hiện bộ phim đó, giữa chị và nghệ sĩ Quốc Tuấn có kỷ niệm gì đáng nhớ?
Kỷ niệm nhớ nhất đó là những lúc tập trước khi bước vào quay, anh em chúng tôi nhìn nhau là cười quặn bụng vì vai của anh Tuấn rất ngộ mà vai của tôi cũng rất ngộ. Hình như anh Tuấn cũng lần đầu tiên vào dạng vai quê quê, hài hài, ngố ngố… như thế này. Có những đoạn phải kìm lắm chúng tôi mới quay được vì cứ nhìn nhau là cười.
Ở thời điểm đó, “Người vác tù và hàng tổng” (5 tập) là phim truyền hình dài nhất. Và kịch bản phim được xây dựng rất chặt chẽ, các nhân vật trong phim đều rất hợp vai và các diễn viên tham gia đều có nghề nên nâng nhau lên rất tốt. Chúng tôi cũng không ngờ khi phim phát sóng lại tạo nên hiệu ứng tốt đến thế. Tôi nhớ, đoàn phim đã có không biết bao nhiêu buổi giao lưu với khán giả và đi đến đâu cũng nhận được sự đón chào rất nồng nhiệt của mọi người.
Trong phim này có cảnh nào làm khó chị không?
Có cảnh đi đẻ là hơi vất vả tí thôi vì lúc đó tôi chưa lấy chồng, chưa sinh con nên không có nhiều kinh nghiệm. Với lại, tôi cũng không phải là dân được đào tạo bài bản về điện ảnh nên vai nào cũng là thử thách. Trước đó, tôi là nhân sự đoàn ca kịch, sau đó lãnh đạo nhà hát thấy tôi có năng khiếu biểu diễn nên mới bổ sung qua kịch.
Với tôi, vai diễn này là một dấu mốc đáng nhớ trong sự nghiệp diễn xuất của mình. Nhờ vai diễn này mà tôi trưởng thành lên rất nhiều trong diễn xuất.
Lâu lắm chị có gặp lại NSƯT Quốc Tuấn?
Lâu lắm rồi, anh em chúng tôi không gặp lại nhau. Có lẽ, từ khi tôi chuyển vào Sài Gòn sinh sống và làm việc là hai em không liên lạc với nhau nữa. Căn bản mỗi người một nơi, ai cũng có cuộc sống riêng và cũng không có việc gì làm chung nên chúng tôi chỉ theo dõi nhau qua báo chí.
Ngày xưa, anh Tuấn cũng là nhân tố rất sôi nổi và có phần khái tính. Anh ấy rất nghiêm túc với nghề nghiệp và có nhiều đam mê.
Nhiều người cho rằng, cát xê phim “Người vác tù và hàng tổng” thời đó cao lắm ?
Thời đó, diễn viên chính đóng một tập được 600 nghìn đồng. Đó là mức cát xê rất cao vì vàng hồi đó có hơn 300 nghìn một chỉ thôi. Tôi là nhân vật thứ chính nên được trả 400 nghìn/tập. Mà phim truyền hình thời đó chỉ vài ba tập là dài rồi, chỉ “Người vác tù và hàng tổng” mới dài tới 5 tập.
Cát xê đóng phim của tôi thời mới vài Sài Gòn được trả theo phân đoạn vì lúc đó tôi cũng đã lớn tuổi rồi nên toàn được mời vai thứ chính thôi. Mãi đến gần đây, khi đóng “Gạo nếp gạo tẻ” phần 2 thì tôi mới được trả theo tập.
Cảm ơn chị đã chia sẻ thông tin.