Mỹ:
Khán giả bật tivi lên không biết xem gì?
(Dân trí) - Một nghiên cứu xã hội mới được thực hiện tại Mỹ đã cho thấy rằng gần một nửa dân số Mỹ có chung một “tâm sự”, đó là bật TV lên không biết xem gì… Nhưng than thở là vậy, nghiên cứu lại chỉ ra một thực tế hoàn toàn… trái ngược.
Mỹ - nền công nghiệp truyền hình lớn hàng đầu thế giới với tính dự báo quan trọng - đã chứng kiến một xu thế chung: Trong khoảng thời gian từ năm 2010-2016, số lượng người xem các chương trình truyền hình trên điện thoại thông minh đã tăng tới 85%, trong khi số lượng người xem truyền hình trên màn ảnh nhỏ truyền thống sụt giảm 14%.
Bất kể sự sụt giảm này, giới truyền hình Mỹ vẫn không ngừng đầu tư xây dựng nhiều chương trình mới lạ, chỉ có điều, có tới 44% người dân Mỹ than phiền rằng họ chẳng biết xem gì mỗi khi bật TV lên, dường như không có gì có thể hấp dẫn nổi họ nữa. Nhưng kỳ thực họ đang xem các chương trình truyền hình nhiều hơn bao giờ hết mà không ý thức được điều này.
Con số này đã được đưa ra sau một nghiên cứu lớn được tiến hành bởi tổ chức đa quốc gia chuyên nghiên cứu, phân tích động thái của người tiêu dùng - Ericsson ConsumerLab. Kết quả nghiên cứu vừa được công bố hồi tuần qua.
Theo nghiên cứu, trung bình một người dân Mỹ mỗi ngày dành ra 23 phút để… chuyển kênh TV, nhằm tìm ra chương trình nào đó khiến họ cảm thấy hấp dẫn. Như vậy, trung bình mỗi người dân Mỹ mất 1,3 năm trong cuộc đời chỉ để… chuyển kênh.
Nghiên cứu diện rộng này còn được tiến hành với 30.000 người tại 24 quốc gia khác nhau để tìm hiểu thói quen xem truyền hình ở các quốc gia điển hình. Trong đó, đối tượng khán giả xem truyền hình ở Mỹ được cho là có tính dự báo hơn cả.
Điều đáng nói là có tới 44% người tham gia khảo sát ở Mỹ cho biết họ cảm thấy rất khó khăn trong việc tìm ra một chương trình nào đó để hứng thú theo dõi trên màn hình TV truyền thống. Con số này đã gia tăng so với năm ngoái, khi năm 2015, chỉ có 36% người tham gia khảo sát phàn nàn về điều này.
Điều hài hước chính là mặc dù người xem truyền hình ở Mỹ than phiền là vậy, thực tế, họ lại đang xem TV nhiều hơn trước đây, chỉ có điều, họ đang xem những chương trình đó trên thiết bị di động thông minh.
Về cơ bản, nội dung mà họ xem không khác biệt so với các chương trình truyền hình phát trên TV truyền thống, nhưng dường như khán giả đang đánh giá những gì họ được xem trên thiết bị di động là hấp dẫn hơn so với xem trên màn hình TV.
Chính vì vậy, họ thường không đong đếm thời gian mỗi khi xem các chương trình giải trí trên thiết bị di động. Trong khi đó, mỗi khi bật TV lên, họ lại có cảm giác dường như các chương trình kém hấp dẫn hơn, để rồi lại bắt đầu chuyển kênh, kén chọn chương trình.
Trong số những người tham gia khảo sát, có tới 40% cho biết họ thường ghé qua trang YouTube mỗi ngày, thậm chí có 10% còn “nghiện” xem các chương trình truyền hình trên laptop và các thiết bị di động khác.
Những con số nghiên cứu này đã được chuyên gia phân tích tại Ericsson ConsumerLab nhận định rằng: “Đối với khán giả xem truyền hình nói chung và với người trẻ nói riêng, việc được theo dõi các chương trình TV trên thiết bị di động có một sức hấp dẫn đặc biệt. Đó chính là chìa khóa mấu chốt cho sự đổi thay trong thói quen xem TV của con người hiện đại”.
Thực tế, so với kết quả nghiên cứu hồi năm 2012 của Ericsson ConsumerLab, trung bình mỗi người Mỹ đang dành ra thêm 1,5 tiếng/tuần để xem các chương trình truyền hình trên thiết bị di động. Trong khi đó, thời gian họ dành để xem TV truyền thống sụt giảm 2,5 tiếng/tuần.
Như vậy, người ta đang dành nhiều thời gian hơn bao giờ hết để xem các chương trình giải trí trên màn hình laptop, máy tính bảng, điện thoại thông minh… Nói chung là những màn hình… không phải màn hình TV.
Xu hướng xem truyền hình ngẫu hứng hiện đang là trào lưu mới, khi có tới 37% người tham gia khảo sát cho biết họ thường xem liền một lúc 2-3 tập phát sóng của một show truyền hình yêu thích, mỗi khi thu xếp được thời gian và cảm thấy hứng thú. Điều này có thể dễ dàng đáp ứng được nhờ các thiết bị di động thông minh.
Giờ đây, khán giả hiện đại muốn trải nghiệm việc xem truyền hình một cách linh hoạt và theo sở thích thị hiếu cũng như thời điểm, thời lượng và tần suất phù hợp với lịch trình riêng của họ. Người xem truyền hình đang chủ động với những gì họ xem hơn bao giờ hết.
Bích Ngọc
Theo Hollywood Reporter/Daily Mail