Khám phá vẻ đẹp của tiếng Việt trong Truyện Kiều

Xuân Sinh

(Dân trí) - Sáng 25/9, tại TP Hà Tĩnh, Hội Kiều học Việt Nam, UBND tỉnh Hà Tĩnh phối hợp tổ chức hội thảo khoa học “Tiếng Việt trong Truyện Kiều”.

Khám phá vẻ đẹp của tiếng Việt trong Truyện Kiều - 1

Hội thảo thể hiện tiếng nói tri ân Đại thi hào Nguyễn Du

Đây là một trong những hoạt động thể hiện tiếng nói tri ân và hướng tới kỷ niệm 255 năm ngày sinh và tưởng niệm 200 năm ngày mất Đại thi hào Nguyễn Du - Danh nhân văn hóa thế giới, người làm vinh quang văn chương Việt, ngôn ngữ Việt.

Khám phá vẻ đẹp của tiếng Việt trong Truyện Kiều - 2

GS Phong Lê, Chủ tịch Hội Kiều học Việt Nam nhấn mạnh rằng tiếng Việt trong Truyện Kiều là câu chuyện đã diễn ra trong nhiều trăm năm

Mở đầu Hội thảo, GS Phong Lê, Chủ tịch Hội Kiều học Việt Nam nhấn mạnh rằng, tiếng Việt trong Truyện Kiều là câu chuyện đã diễn ra trong nhiều trăm năm. Đọc, nghe, cảm thụ, truyền bá, thẩm bình, đánh giá văn Nôm Truyện Kiều cũng là câu chuyện của nhiều trăm năm.

Như câu nói của ông chủ bút báo Nam Phong “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn, tiếng ta còn, nước ta còn”. Câu nói này từng gây một cuộc tranh luận gay gắt ở thời điểm ra đời năm 1924. Nó thể hiện vị trí, tầm quan trọng của Truyện Kiều đối với ngôn ngữ Tiếng Việt như thế nào?.

Khám phá vẻ đẹp của tiếng Việt trong Truyện Kiều - 3

PGS.TS Biện Minh Điền - Viện Sư phạm Xã hội, Trường Đại học Vinh

PGS.TS Biện Minh Điền - Viện Sư phạm Xã hội, Trường Đại học Vinh tham luận nội dung “Truyện Kiều với tiếng Việt và thể loại thuần Việt điển hình (lục bát) trong lịch sử văn học Việt Nam" thì nói đến sự vi diệu của tiếng Việt được thể hiện qua Truyện Kiều.

“Tiếng Việt đến Nguyễn Du, qua Truyện Kiều đã chứng tỏ khả năng vi diệu của nó trong biểu đạt mọi biểu hiện của “tâm”, “tình”, “cảnh” và “sự”, trong chuyển tải muôn điều muốn nói của con người trước nhiều trạng thái, tình thế, bối cảnh khác nhau…”.

Với Truyện Kiều, Nguyễn Du đã mang đến cho tiếng Việt một khối lượng từ vựng khổng lồ. Khối lượng từ vựng ấy đã được thanh lọc, tinh luyện, sáng tạo để đạt đến độ trong sáng, tinh tế và chuẩn mực nhất…

Khám phá vẻ đẹp của tiếng Việt trong Truyện Kiều - 4

TS Lê Thành Nghị - Hội Nhà văn Việt Nam

Còn TS Lê Thành Nghị - Hội Nhà văn Việt Nam tham luận nội dung “Ngôn ngữ trữ tình biểu cảm của Nguyễn Du trong Truyện Kiều” thì bình luận, sáng tạo của Nguyễn Du không những ở việc tạo ra từ mới như “khêu nguyệt”, “nện sương”… mà còn làm “mới lại” những từ đã cũ, hoặc tạo thêm nghĩa mới cho những từ quen thuộc, ghép thêm để tạo nghĩa mới….

PGS.TS Lê Thị Bích Hồng, Ủy viên BCH Hội Kiều học Việt Nam với tham luận “Cách vận dụng sáng tạo ngôn ngữ dân gian trong Truyện Kiều” cho rằng, Nguyễn Du luôn ý thức được lời ăn tiếng nói của quần chúng nhân dân vào Truyện Kiều. Vì thế, những khẩu ngữ, thành ngữ, tục ngữ quen thuộc vốn là các đơn vị có giá trị biểu cảm, mang tính cố định đã được ông vận dụng một cách khéo léo, nhuần nhị khiến tác phẩm trở nên dễ hiểu, bình dị, đi vào đời sống nhân dân một cách tự nhiên.

Khám phá vẻ đẹp của tiếng Việt trong Truyện Kiều - 5

PGS.TS Lê Thị Bích Hồng, Ủy viên BCH Hội Kiều học Việt Nam

Tham luận của PGS.TS Lê Thị Bích Hồng cũng nêu, trong Văn bia tri ân Đại thi hào Nguyễn Du, Phó bảng Ưu Thiên Bùi Kỷ có viết: “Tiếng nào đã làm được văn không phải là tiếng tầm thường, người nào đã hay về văn cũng không phải là người tầm thường… Hán văn đã một ngày lùi để nhường cái địa vị chính đáng cho quốc văn, thì quốc văn tất có cái tương lai rất quan hệ, rất mật thiết với nước ta, mà một bậc sở trường về quốc văn không ai bằng tiên sinh (Nguyễn Du). Giá trị quốc văn tôn lên cũng nhờ ngòi bút của tiên sinh…”, để nói lên tầm vóc, vị trí vai trò của Truyện Kiều đối với ngôn ngữ tiếng Việt.

Nhà giáo, TS Đăng Lưu, Trường Đại học Vinh với tham luận “Tính thoại và tính thơ trong lời nhân vật Truyện Kiều”cho rằng Nguyễn Du đã có những đột phá ở phương thức tự sự và nghệ thuật xây dựng nhân vật, khiến Truyện Kiều vượt xa tầm vóc Kim Vân Kiều Truyện của Thanh Tâm Tài Nhân.

Khám phá vẻ đẹp của tiếng Việt trong Truyện Kiều - 6

TS Đăng Lưu, Trường Đại học Vinh

Tại Hội thảo lần này có 48 tham luận của các tác giả, nhà nghiên cứu với nhiều góc độ, khía cạnh đi sâu phân tích vẻ đẹp của chữ và nghĩa trong Truyện Kiều.

Kết thúc phần Hội thảo, GS Phong Lê, Chủ tịch Hội Kiều học Việt Nam cho rằng, để đi tìm một bản Kiều đúng với nguyên tác là một công việc khó có kết quả, nếu không muốn nói là bất lực và vô vọng. Bởi vậy, mong rằng các tác giả, nhà nghiên cứu hãy tiếp tục đi tìm một bản Kiều nhận được sự đồng thuận cao trong giới học giả và công chúng.