Khám phá thế giới của những nhân vật tâm thần “kinh điển”
(Dân trí)- Người ta đã sử dụng nhóm những nhân vật tội phạm tâm thần kinh điển trong phim Mỹ để phân tích và tìm ra những phát hiện bất ngờ.
Mới đây, một nhà nghiên cứu tâm lý học hình sự người Bỉ đã sử dụng nhóm những nhân vật tội phạm tâm thần kinh điển trong phim Hollywood để phân tích và tìm ra những phát hiện bất ngờ. Phim là một phương tiện đặc biệt phù hợp để khắc họa những tội phạm mắc bệnh thái nhân cách (một chứng bệnh tâm thần), đó là điều mà chuyên gia người Bỉ về lĩnh vực tâm thần học hình sự - ông Samuel Leistedt - đã khẳng định.
Nhiều bộ phim điện ảnh khắc họa những nhân vật tội phạm thái nhân cách đã trở thành những tác phẩm bom tấn kinh điển của Hollywood, có thể kể tới “Psycho” (Kẻ tâm thần - 1960), “Silence of the Lambs” (Sự im lặng của bầy cừu - 1991), “There Will Be Blood” (Máu sẽ phải đổ - 2007)…
Ông Leistedt là người đứng đầu một nghiên cứu tâm lý học ứng dụng, dựa trên 400 bộ phim Hollywood làm về những nhân vật tội phạm tâm thần. Nghiên cứu của ông đã được đăng tải trên các tờ tạp chí về khoa học hình sự.
Một trong những điểm thú vị mà ông Leistedt phát hiện ra là các nhân vật tội phạm thái nhân cách được khắc họa trong phim điện ảnh đang ngày càng trở nên chính xác, xét trên phương diện bệnh học.
Ông Leistedt cho biết: “Tôi nhận thấy các nhân vật tội phạm mắc bệnh thái nhân cách trong các bộ phim điện ảnh Hollywood được xây dựng chuẩn xác và chân thực đến mức tôi có thể tìm thấy các nhân vật này trong những nghiên cứu thực tế của mình”.
Theo ông Leistedt, một trong những nhân vật thái nhân cách kinh điển trên màn ảnh với những biểu hiện bệnh lý rất chuẩn xác, đó là Anton Chigurh trong “No Country for Old Men” (Không chốn dung thân - 2007), vai diễn do nam diễn viên người Tây Ban Nha Javiar Bardem đảm nhiệm.
Nhân vật Anton Chigurh trong “No Country for Old Men”
Chuyên gia Leistedt chia sẻ: “Trong công việc nghiên cứu của mình, tôi đã từng gặp một người đàn ông giống hệt nhân vật Anton Chigurh. Anh ta cũng là một kẻ đâm thuê chém mướn ở Bỉ, chuyên nhận lệnh từ các tổ chức tội phạm. Người này lạnh lùng và đáng sợ không khác gì Anton Chigurh”.
Tuy vậy, không phải tất cả những người mắc bệnh thái nhân cách đều nguy hiểm đối với xã hội, không phải tất cả họ đều sẽ trở thành những kẻ tội phạm bất lương. Có những người dù mắc bệnh nhưng họ không có thiên hướng bạo lực.
Nhân vật Gordon Gekko trong “Wall Street” (Phố Wall - 1987) là ví dụ tiêu biểu nhất cho nhóm này. Họ có đầy đủ những dấu hiệu của bệnh thái nhân cách nhưng lại rất thành công và có sức lôi cuốn, hấp dẫn lớn đối với những người xung quanh.
Nhân vật Gordon Gekko trong “Wall Street”
Họ không thực hiện hành vi bạo lực, thậm chí còn là những con người quyến rũ, những người này thường có biểu hiện nói dối “thành thần” và yêu quyền lực một cách điên rồ.
Những nhân vật nữ mắc bệnh thái nhân cách xuất hiện trong phim ít hơn nam, chủ yếu họ là những người phụ nữ hấp dẫn. Nhân vật do nữ diễn viên Sharon Stone đảm nhận trong phim “Basic Instinct” (Bản năng gốc - 1992) là một ví dụ. Người phụ nữ này biết sử dụng vẻ đẹp của mình để khiến các nạn nhân “sập bẫy”.
Nhân vật Catherine Tramell trong “Basic Instinct”
Nét chung trong tính cách của tất cả các nhân vật tội phạm thái nhân cách, trong phim và cả trong thực tế, chính là họ thiếu đi sự cảm thông vốn thường thấy ở một con người bình thường.
Ví dụ như nhân vật Anton Chigurh trong “No Country for Old Men”, đó là một nhân vật phản diện minh họa hoàn hảo cho những tội phạm thái nhân cách. Anton thực hiện hành vi tội ác như một cỗ máy, chỉ cốt hoàn thành xong nhiệm vụ được giao, không hề biết đến cảm xúc là gì.
Không chỉ vậy, ở nhóm những nhân vật này, người xem có thể nhận thấy họ không hề biết hối hận hay có cảm giác tội lỗi.
Những con người này có thể bắt chước trạng thái cảm xúc của người khác, trong nhận thức, họ hoàn toàn có thể lý giải thế nào là nỗi buồn nhưng thực tế nhóm này không hề, hay đúng hơn là không thể cảm thấy buồn bã, lo lắng, hồi hộp…
Vì vậy, trên màn ảnh, những nhân vật tội phạm thái nhân cách hoàn toàn vô cảm trước những đau đớn, hoảng loạn của người khác. Điều này không thể chỉ thuần túy lý giải về mặt đạo đức, thực tế, đây là một bệnh học mà ở người bệnh, trung khu cảm xúc đã gần như bị tê liệt hay “ngủ quên”.
Tại sao lại xảy ra hiện tượng này ở một số người, cho đến nay người ta vẫn chưa thể giải thích thỏa đáng, là do bẩm sinh hay do môi trường sống, là do những chấn động tâm lý hay do tổn thương não bộ…
Đối với những nhóm nhân vật tội phạm thái nhân cách, người xem luôn tự hỏi vậy con người này có tội hay không có tội. Câu hỏi đó thật khó trả lời. Sự phức tạp đến không thể lý giải trong tính cách của nhóm nhân vật này chính là điều mà các nhà làm phim cần khắc họa.
Cách duy nhất để có thể hiểu được nhóm nhân vật tội phạm thái nhân cách chính là khắc họa họ trong tất cả những rắc rối, phức tạp, những logic và phi logic, những khiếm khuyết tâm hồn, những tội ác ghê rợn…
Theo DW