Khám phá thế giới bằng đường… miệng

(Dân trí)- Tôi tôn sùng việc thưởng thức thế giới bằng tất cả các giác quan, trong đó vị giác chiếm một vai trò quan trọng.

Khám phá thế giới bằng đường… miệng


Món salad tại nhà hàng Le Relais Gascon ở đồi Monmarte (Paris) không phải món khai vị mà là món chính với rau, khoai tây tươi thái mỏng chiên, và lựa chọn thịt gà, thịt hun khói, cá hồi hoặc cá ngừ. (Ảnh chụp tối 21/12/2012).


Đi bộ dọc sông Seine hồi lâu, tới giờ ăn trưa, anh bạn ở Pháp lâu năm dẫn tôi vào một nhà hàng mà theo anh là “thuần chất Pháp”. Nhà hàng tọa lạc trên hòn đảo nhỏ St. Louis giữa sông, khu vực sang trọng và kiểu cách bậc nhất Paris.

Chúng tôi chọn ốc sên, món “quốc hồn quốc túy” của Pháp, để khai vị, và với món chính thì anh bạn sau khi nhìn thực đơn đặc biệt thay đổi theo ngày được ghi trên bảng, giải thích với tôi là hôm nay có loại thịt bò tươi ngon đặc biệt gì đó mà đầu bếp đích thân chọn và chế biến.

Khi món chính dọn ra, tôi hơi ngạc nhiên thấy món thịt đó được kẹp giữa hai lớp bánh hamburger, cùng với các loại rau và pho mát như hamburger thông thường. Quả là thịt rất ngon, và chiếc bánh kẹp rất hài hòa, hương vị độc đáo, có lẽ nằm trong top 5 chiếc hamburger ngon nhất tôi từng được ăn, mà 4 cái còn lại đều ăn ở Mỹ, quê hương của món này.

Nhấm nháp được chút ít (cùng với vang Pháp, tất nhiên), thì tôi nhận ra rằng món khoai tây chiên (thứ gần như mặc định đi kèm với hamburger) hơi khô khan đối với mình, bèn nhờ anh bạn hỏi xin sốt cà chua (ketchup). Anh bạn hơi ngần ngừ nhưng rồi cũng ghé tai nói nhỏ với anh bồi bàn và ra dấu về phía tôi. Anh này hơi khựng người, trao đổi vài câu với bạn tôi, rồi với tay lấy trên nóc tủ, nơi đặt chai ketchup nhỏ có lẽ là duy nhất của nhà hàng, đưa cho tôi. Chai này gần như còn đầy nguyên nhưng hình như đã để đó rất lâu tới nỗi đông cứng lại, nên mặc sức tôi vỗ, dốc thế nào cũng chỉ lấy được chút xíu.

Lúc đó bạn tôi mới kể, anh kia vừa “nói đùa” (nhưng tôi thừa hiểu là ít nhất cũng nửa đùa nửa thật) rằng các ông vào nhà hàng của CHÚNG TÔI mà lại đòi dùng cái thứ nước sốt kiểu Mỹ đó sao? Tôi cười phá lên.

Lát sau, một ông bồi bàn nhiều tuổi hơn ra dọn bàn và cau mày khi nhìn thấy chai ketchup ở đó, quay ra xổ một tràng tiếng Pháp với anh bồi kia. Anh này nhún vai nói giọng phân trần và chỉ về phía tôi. Tôi càng cười ngặt nghẽo và đội chiếc mũ len in chữ Las Vegas to đùng trên trán (mà tôi mua ở Las Vegas), đứng dậy nghênh ngang chào tạm biệt các bạn Pháp và bước ra, cố kìm không nhìn vào mắt anh bồi mà nói “Later, dude” (cách tạm biệt thông tục theo kiểu Mỹ).

Ông bồi bàn khó tính của tôi tại nhà hàng trên đảo St. Louis (Ảnh chụp trưa 21/12/2012)


Ông bồi bàn khó tính của tôi tại nhà hàng trên đảo St. Louis (Ảnh chụp trưa 21/12/2012)


Comte de Lautréamont, một nhà thơ gốc Pháp, từng phát biểu một câu nổi tiếng đại ý là: Các sự vật càng xa lạ với nhau bao nhiêu thì nguồn sáng bắn ra từ sự tiếp xúc của chúng với nhau càng thần diệu bấy nhiêu. Đối với tôi, không gì khoan khoái và thần diệu bằng tiếp xúc với những con người và sự vật xa lạ thông qua văn hóa ẩm thực.

Tôi tôn sùng việc thưởng thức thế giới bằng tất cả các giác quan, trong đó vị giác chiếm một vai trò quan trọng. Chắc bạn cũng đồng ý rằng một người nước ngoài không thể vỗ ngực nói họ hiểu văn hóa Việt Nam, nếu họ chưa bao giờ ăn phở. Đối với tôi, việc xì xụp một bát Tom Yum ở vỉa hè Bangkok, xếp hàng chờ ăn vịt quay ở Bắc Kinh, ngất ngây với một mẩu thiên đường (hình vuông) mang tên pizza ở Rome, say bí tỉ với bia ở Berlin, ngộ độc vì món đùi lợn muối treo trên xà nhà trong 3 năm ở Barcelona, bội thực vì hamburger ở Chicago, hay xuýt xoa vì mỳ udon nóng hổi (và vì đắt) ở Tokyo…, là những trải nghiệm có giá trị không hơn hay kém so với việc thăm thú bất cứ cảnh đẹp hay bảo tàng nào.

Cũng giống như việc thưởng ngoạn, nghệ thuật ẩm thực cũng mang lại những cơ hội vô tận. Riêng New York đã sở hữu số nhà hàng mà một người không thể ghé hết trong cả đời. Còn với Paris thì dù tới thăm lần thứ ba, một kẻ mang trong bụng những kinh nghiệm ẩm thực hết sức hổ lốn như tôi vẫn gặp phải những xung đột thú vị như đã kể trên.

Trước khi tới Pháp trong chuyến này, tôi đã tích lũy được thêm hai tuần rưỡi trải nghiệm ẩm thực của xứ Bắc Âu giá lạnh.

Stockholm đón chúng tôi với nhiệt độ -17C. Sau khi tưởng suýt lên cơn đau tim vì cái lạnh quá sốc, chúng tôi lao vào một nhà hàng nhỏ gần đó, uống whisky ấm sực và chén đẫy thịt bò hảo hạng.

Ông bồi bàn khó tính của tôi tại nhà hàng trên đảo St. Louis (Ảnh chụp trưa 21/12/2012)


Quán ăn nơi chúng tôi thưởng thức bữa tối đầu tiên tại Thụy Điển. Các quán ăn ở Bắc Âu luôn toát lên vẻ ấm cúng và sạch sẽ. (Ảnh chụp tối 1/12/2012).


Một vài nhóm khác trong đoàn thì chọn việc tự nấu ăn cho gần như tất cả các bữa tối, trong đó có những nhóm mang sẵn hết đồ ăn từ Việt Nam sang, từ món chín như thịt kho, cá kho…, tới cả nguyên liệu tươi như các loại rau, rồi gia vị, đồ khô, gạo và nồi cơm điện… Nhóm chúng tôi thì chẳng mang gì. Sau bữa đầu thịnh soạn, chúng tôi tới siêu thị gần chỗ ở, mua ít thực phẩm tươi ngon của địa phương như khoai tây, thịt, rau củ, pho mát, bánh mỳ… và tổ chức nấu vài bữa, xen kẽ với những bữa ăn quán để khám phá ẩm thực địa phương, từ bình dân tới cao cấp.

Bán đảo Scandinavia bao quanh bởi biển Baltic, biển Bắc, biển Na Uy và biển Barents, được ưu đãi bởi nguồn cá phong phú và độc đáo. Thực đơn của chúng tôi triền miên những món cá ngon tuyệt mà một kẻ dốt đặc về ngôn ngữ của những món ăn (dù là bằng tiếng Việt hay tiếng gì đi chăng nữa) như tôi không thể nhớ nổi tên, trừ cá hồi là món mà tôi đã ních cật lực trong suốt thời gian này.

Ông bồi bàn khó tính của tôi tại nhà hàng trên đảo St. Louis (Ảnh chụp trưa 21/12/2012)


Cá rán, nấm sốt tiêu, khoai tây nhỏ hấp cả củ, salat trộn dầu ôliu, bánh mỳ bơ, nước táo và trà - bữa trưa ngon và thịnh soạn với giá chỉ tương đương hơn 300 ngàn đồng tại Bảo tàng Văn hóa Bắc Âu, Stockholm. (Ảnh chụp trưa 11/12/2012)


Tại Jarvso, một thị trấn tuyết phủ cách Stockholm 4 giờ chạy xe về phía Bắc, tiệc buffet luôn gồm 1 dãy thịt và 1 dãy cá. Phần lớn các món thịt không có gì đặc biệt lắm, nhưng cá thì gồm nhiều loại. Cá sống, cá muối, cá hấp, cá rán, cá nướng… đều ngập tràn một hương vị tươi ngon và đặc trưng mà tôi tự gọi chung là “cá Bắc Âu”.

Về thịt thì món đáng nhớ nhất tôi được thưởng thức là thịt tuần lộc, tại Phần Lan – xứ sở của loài này và cũng là nơi quê hương tương truyền của ông già Noel, người dùng con tuần lộc kéo xe để đi phát quà cho trẻ em. Helena, một người bạn Phần Lan mà chúng tôi mới quen, nói rằng người dân nhiều nước, nhất là Mỹ, nơi mà văn hóa Giáng sinh rất phổ biến và mạnh mẽ, phản đối dữ dội việc dân Phần Lan ăn thịt loài vật “thiêng” này. Nhưng bà giải thích, ở vùng bắc cực thì tuần lộc gần như là nguồn cung cấp thực phẩm duy nhất cho những người đồng bào của bà, vì thế người thành phố ở Phần Lan cũng có quyền ăn nó chứ sao.

Ông bồi bàn khó tính của tôi tại nhà hàng trên đảo St. Louis (Ảnh chụp trưa 21/12/2012)


Quá hào hứng với món thịt tuần lộc, chúng tôi mải ăn quên cả chụp ảnh, và chỉ kịp ghi lại khoảnh khắc món kem tráng miệng tuyệt hảo được đưa ra. (Ảnh chụp tối 9/12/2012)


Tôi phát biểu rằng mình chẳng có vấn đề gì hết với việc ăn thịt phương tiện giao thông của ông già Noel, và chén sạch đĩa của mình trong vòng 10 phút. Thịt tuần lộc mềm và thơm, kèm thứ nước sốt ngậy ngậy và khoai tây nghiền, đi cùng chai vang của đảo Sicily (Italia), và cuối cùng là đĩa kem lạnh buốt rưới sốt dâu rừng, đã hoàn tất bữa tối hoàn hảo tại thủ đô Helsinki, trong một nhà hàng truyền thống ấm cúng dưới tầng hầm ấm áp trang trí theo kiểu Trung cổ.

Sau đó, khi trở về Stockholm, chúng tôi còn gặp may mắn khi được thết đãi món thịt nai sừng tấm, một loài nai có bộ sừng đồ sộ sinh sống ở các vùng Bắc Âu và Bắc Mỹ. Món này không phải lúc nào cũng dễ dàng có được, vì chúng được luật pháp bảo vệ và chỉ cho phép săn bắn theo mùa với số lượng hạn chế. Ngay cả khi đó, việc săn chúng cũng không hề đơn giản vì loài vật này rất thính nhạy và trốn rất nhanh, rất kỹ, có khi phải rình cả tuần mới săn được. Theo thông tin trên mạng thì ở một số nền văn hóa, nai sừng tấm cũng được coi là loài vật thiêng. Nhưng cả đoàn chúng tôi đã chén món thịt này với một sự nhiệt thành đáng được chủ nhà tuyên dương.

 
Tuấn Anh