Khám phá làng giấy cổ tích ở Hàn Quốc
(Dân trí) - Những ngôi nhà truyền thống Hàn Quốc Hanok nằm xen kẽ nhau dưới chân núi. Làng giấy tỉnh Jeounju hiện lên như một ngôi làng cổ tích. Chính nơi đây đang gìn giữ một báu vật sống từ hơn 1.000 năm nay của người Hàn Quốc: giấy Hanji.
Không phải là một di sản bất biến, giấy Hanji đã biến hoá “muôn hình vạn trạng” để đáp ứng nhu cầu của cuộc sống đương đại.
“Muôn hình, vạn trạng”
Thật không khó để nhìn thấy những cánh cửa, khung cửa sổ được che bằng một lớp giấy ở Hàn Quốc. Cái thứ giấy vừa mỏng vừa dai, trên ấy nổi lên những vân giấy tự nhiên là những sợi vỏ cây còn sót lại. Vừa đủ mỏng để ánh sáng xuyên qua, không gắt, không tối. Vừa đủ dai đủ bền để che vách nhà, vách cửa. Ngoài ra, giấy Hanji còn được yêu thích bởi tính chất chống nấm mốc và không bị mọt, mủn.
Nghệ thuật làm giấy cổ
Những phát hiện khảo cổ gần đây còn cho thấy những chiếc thừng bện bằng giấy Hanji, sau 200 năm vẫn giữ được độ dai. Kinh phật, sách y thuật và lịch sử được in trên giấy Hanji từ thế kỷ thứ 10. Nghề làm giấy ở Hàn Quốc được ghi nhận từ thế kỷ 3 sau công nguyên. Ban đầu người Hàn Quốc cũng làm giấy từ vỏ cây, vải mục,… đến thế kỷ 8 sau công nguyên, công nghệ làm giấy Hanji từ vỏ cây dâu tằm Hàn Quốc đã được phát minh. Đến thế kỷ 10 thì giấy Hanji đã được xuất khẩu tới Trung Quốc và Nhật Bản.
Việc làm giấy trải qua 5 công đoạn cơ bản:
1. Vỏ cây dâu tằm được tách ra thành những sợi nhỏ, bản chừng 5mm.
2. Ngâm vỏ cây để vỏ mềm, luộc và sau đó được tẩy trắng.
3. Cho vào máy đánh nhỏ.
4. Pha vào nước để tạo thành dung dịch có vỏ cây.
5. Nghệ nhân dùng chiếc rây múc để xeo tạo thành giấy thành phẩm.
Hiện nay có khoảng hơn 20 khu sản xuất, duy trì nghệ thuật làm giấy theo phương pháp cổ truyền này.
Bảo tồn bí quyết cổ, xây nhà truyền thống cho khách ở và trải nghiệm, mua đồ ứng dụng sau đó: trải nghiệm khép kín luôn là điều có thể thấy ở mọi sản phẩm du lịch của xứ sở kim chi.
Nguyễn Đình Thành