1. Dòng sự kiện:
  2. phim "Đào, phở và piano" gây sốt, cháy vé
  3. Xét tặng danh hiệu NSƯT, NSND lần thứ 10

Khai mạc triển lãm “Lịch sử - văn hóa Việt Nam”

Sáng ngày 1/9/2015, tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia (số 216 Trần Quang Khải, Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã diễn ra lễ khai mạc triển lãm “Lịch sử - Văn hóa Việt Nam”.

Đây là hoạt động thiết thực kỷ niệm 70 năm ngày Cách mạng Tháng Tám (19/8/1945 - 19/8/2015) và Quốc khánh nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 - 2/9/2015). 

Triển lãm trưng bày gần 300 hình ảnh, tư liệu, bản trích, số liệu... giới thiệu khái quát, cô đọng tiến trình lịch sử văn hóa Việt Nam. Từ thời Tiền sử qua thời dựng nước đầu tiên, thời kỳ đấu tranh giành độc lập dân tộc, thời kỳ quân chủ độc lập và đấu tranh giữ nước đến Cách mạng Tháng Tám năm 1945, sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam). Triển lãm cũng giới thiệu với công chúng những hình ảnh, hoạt động trong công tác bảo tồn, phát huy, tôn vinh và quảng bá giá trị di sản văn hóa phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước… góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc; ý chí độc lập, chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ và quảng bá những giá trị văn hóa đặc sắc, tiêu biểu của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Khai mạc triển lãm “Lịch sử - văn hóa Việt Nam” - 1

Cắt băng khai mạc triển lãm. Ảnh: Hà Tuấn.

Triển lãm trưng bày thành 6 phần, trải dài theo tiến trình lịch sử - văn hóa Việt Nam, bao gồm: Việt Nam thời Tiền sử (cách ngày nay khoảng 500.000 - 4.000 năm); Việt Nam thời dựng nước đầu tiên (cách ngày nay khoảng 4.000 - 2.000 năm); Việt Nam thời dựng nước đầu tiên (cách ngày nay khoảng 4.000 - 2.000 năm); Việt Nam thời kỳ đấu tranh giành độc lập dân tộc (từ cuối thế kỷ II trước Công nguyên - giữa thế kỷ X); Việt Nam thời kỳ quân chủ độc lập và đấu tranh giữ nước (từ giữa thế kỷ X - đầu thế kỷ XX); Việt Nam - Kỷ nguyên độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội; Việt Nam - Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc.

Theo đó, các tài liệu, hiện vật nổi bật được trưng bày trong phần “Việt Nam thời Tiền sử” gồm hình ảnh, tư liệu về hang Thẩm Khuyên, Thẩm Hai (Lạng Sơn), nơi tìm thấy dấu tích của người vượn đứng thẳng (Homo Erectus) cách ngày nay khoảng 500.000 - 400.000 năm và những hình ảnh khai quật ở Hang Chổ (Hòa Bình), di tích thời đại Đá mới, cách ngày nay khoảng 18.000 - 7.500 năm.

Khai mạc triển lãm “Lịch sử - văn hóa Việt Nam” - 2

Thềm rồng Điện Kính Thiên ở trung tâm Hoàng thành Thăng Long, kinh đô nước Đại Việt thời Lý, Trần, Lê.

Phần “Việt Nam thời dựng nước đầu tiên”, với những hình ảnh hiện vật của 3 phổ hệ văn hóa tồn tại và phát triển rực rỡ ở nước ta là Đông Sơn ở miền Bắc, Sa Huỳnh ở miền Trung và Đồng Nai ở miền Nam. Các hiện vật gồm thạp đồng Đào Thịnh (văn hóa Đông Sơn), khuyên tai hình đầu thú (văn hóa Đồng Nai), bình gốm tô ánh chì (văn hóa Sa Huỳnh).

Chủ đề “Việt Nam Thời kỳ đấu tranh giành độc lập dân tộc” có các hiện vật như tượng vua Ngô Quyền (899 - 944), người lãnh đạo nhân dân đánh bại quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng, mở ra thời kì độc lập tự chủ lâu dài cho đất nước. Phù điêu Thần Shiva (văn hóa Champa), tượng Vishnu Tuy Hòa (văn hóa Óc Eo, thế kỷ 7 – 9)…

Phần “Việt Nam thời kỳ quân chủ độc lập và đấu tranh giữ nước” gồm tranh vẽ Trận Bạch Đằng, mô tả trận quyết chiến chiến lược do vua Trần Nhân Tông và anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo chỉ huy, đánh tan quân xâm lược Nguyên - Mông trên sông Bạch Đằng năm 1288; hình ảnh về thềm rồng Điện Kính Thiên ở trung tâm Hoàng thành Thăng Long, kinh đô nước Đại Việt thời Lý, Trần, Lê; những bảo vật cung đình triều Nguyễn, từ thế kỷ 19 đến thế kỷ 20 như ấn “Sắc mệnh chi bảo”, bảo kiếm an dân, mũ miện, kim sách…

Phần “Việt Nam - Kỷ nguyên độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội” trưng bày những hình ảnh đánh dấu những sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc Việt Nam thế kỷ XX, mở ra thời đại mới: thời đại Hồ Chí Minh và kỷ nguyên độc lập, tự do gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Đó là những bức tranh vẽ, những hình ảnh về Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam tại Hồng Kông, năm 1930, về cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Nội, tháng Tám năm 1945 và hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt nam Dân chủ Cộng hòa tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, ngày 2/9/1945. 

Khai mạc triển lãm “Lịch sử - văn hóa Việt Nam” - 3

Hạ Long thần tiên

Phần thứ 6 của triển lãm có chủ đề “Việt Nam - Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc” trưng bày những di sản thiên nhiên, di sản văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc Việt Nam. Trong đó có nhiều di sản văn hóa, thiên nhiên của Việt Nam đã trở thành di sản thế giới như Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh), Nghi thức múa cờ lệnh ở hội Gióng, đền Phù Đổng, Gia Lâm, Hà Nội, Lễ hội đền Kiếp Bạc (Hải Dương), Lễ hội gầu tào của người Mông (Lào Cai)… Bên cạnh đó, những hình ảnh, tư liệu về các cuộc triển lãm lịch sử văn hóa Việt Nam tại các nước từ xưa đến nay cũng được giới thiệu đến công chúng trong dịp này.

Theo Baotintuc.vn